Ấn Độ công bố có tổng cộng 8,1 triệu người chết ở nước này vào năm 2020, theo dữ liệu từ chính phủ.

Ấn Độ công bố dữ liệu tử vong năm 2020, phản đối cách tính người chết vì COVID-19 của WHO

Sơn Vân | 04/05/2022, 17:54

Ấn Độ công bố có tổng cộng 8,1 triệu người chết ở nước này vào năm 2020, theo dữ liệu từ chính phủ.

Năm 2020, Ấn Độ ghi nhận tổng số ca tử vong nhiều hơn 475.000 so với 2019 khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chuẩn bị ước tính về số người chết do COVID-19 vượt mức theo phương pháp luận bị nước này phản đối.

Một số chuyên gia ước tính số người chết do COVID-19 thực tế của Ấn Độ lên tới 4 triệu, gấp 8 lần con số chính thức, đặc biệt là khi làn sóng dịch do biến thể Delta gây ra đã giết chết nhiều người vào tháng 4 và tháng 5.2021. Con số ước tính của WHO sẽ được công bố vào ngày 5.5.2022.

Vinod Kumar Paul, quan chức y tế hàng đầu đã giám sát cuộc chiến chống đại dịch của Ấn Độ, nói rằng không có gì "kịch tính" trong tổng số liệu về tử vong cho năm 2020. Theo ông, đó là "những con số tuyệt đối, chính xác và được đếm".

Vinod Kumar Paul nói dữ liệu cho thấy tổng số 8,1 triệu người chết ở Ấn Độ vào năm 2020 đã được Văn phòng Tổng cục Đăng ký công bố trước 2 đến 3 tháng vì sự chú ý về dịch COVID-19 của nước này.

Ông phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước: “Có một bài tường thuật công khai trên các phương tiện truyền thông, dựa trên các ước tính mô hình khác nhau, rằng số ca tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ cao gấp nhiều lần con số được báo cáo - thực tế không phải như vậy. Chúng tôi hiện có dữ liệu thực tế cho năm 2020, không cần phải làm bất kỳ mô hình nào ngay bây giờ. Chúng tôi cũng sẽ có dữ liệu thực tế, mạnh mẽ cho năm 2021. Việc lập mô hình có thể dẫn đến đánh giá quá cao, ước tính vô lý".

Số liệu cho thấy người chết ở đất nước 1,35 tỉ dân vào 2020 tăng chậm hơn so với hai năm trước đó.

Ấn Độ ghi nhận 148.738 ca tử vong do COVID-19 vào năm 2020. Tính đến thời điểm viết bài, con số này tăng lên 523.920 trong hơn 43 triệu ca mắc COVID-19. Chỉ Mỹ và Brazil đã báo cáo nhiều trường hợp tử vong do COVID-19 hơn Ấn Độ tính đến nay, lần lượt là 1.021.581 và 663.765.

Các quốc gia trên thế giới báo cáo chỉ có 1,83 triệu người chết do COVID-19 vào 2020, nhưng WHO ước tính con số ít nhất 3 triệu trên toàn cầu trong năm đó.

Ấn Độ cho biết không đồng ý với phương pháp luận của WHO, dù các nhà khoa học đang nghiên cứu các ước tính mới nhất đã bảo vệ nó.

an-do-cong-bo-du-lieu-tu-vong-nam-2020-phan-doi-cach-tinh-cua-who.jpg
Người thân chờ đợi để nhận thi thể một người đàn ông chết vì COVID-19 bên ngoài nhà xác của bệnh viện COVID-19 ở thành phố Ahmedabad, Ấn Độ ngày 4.2.2022 - Ảnh: Reuters

Hôm 16.4.2022, tờ New York Times dẫn số liệu chưa được công bố của WHO cho thấy toàn cầu ghi nhận khoảng 15 triệu ca tử vong liên quan COVID-19 tính đến cuối năm 2021, cao hơn gấp đôi so với số liệu chính thức được các quốc gia báo cáo.

Theo New York Times, báo cáo này cung cấp cái nhìn toàn diện nhất về số ca tử vong do COVID-19, là kết quả sau hơn 1 năm nghiên cứu, phân tích của các chuyên gia khắp thế giới. Thế nhưng, WHO chưa thể công bố báo cáo suốt nhiều tháng qua do vấp phải phản đối từ Ấn Độ về cách tính số người chết ở nước này.

WHO ước tính số ca tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ ít nhất là 4 triệu, gần gấp 8 lần dữ liệu nước này công bố. Con số này gần với dữ liệu trên tạp chí Lancet tháng 3.2022 và nghiên cứu trên tạp chí Science hồi tháng 2.2022 rằng ít nhất 3,2 triệu ca tử vong vì COVID-19 ở Ấn Độ.

Bộ Y tế Ấn Độ tuyên bố nước này không đồng ý với mô hình tính toán của WHO về đại dịch mà Ấn Độ cho là "đáng nghi vấn và chưa được chứng minh về mặt thống kê".

"Làm thế nào mà mô hình tính tỷ lệ tử vong do COVID-19 được sử dụng ở một quốc gia rộng lớn về địa lý và dân số như Ấn Độ cũng áp dụng cho các nước khác có dân số ít hơn?", Bộ Y tế Ấn Độ đặt câu hỏi.

Bộ Y tế Ấn Độ cho rằng mô hình tính toán của WHO với những nước nhỏ như Tunisia không thể được áp dụng chung cho nước 1,35 tỉ dân.

Bộ Y tế Ấn Độ tuyên bố: "WHO vẫn chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng", nói thêm rằng Ấn Độ cùng các nước khác như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Syria đã đưa ra các truy vấn cụ thể về phương pháp luận của nghiên cứu cũng như việc sử dụng các bộ dữ liệu không chính thức.

Ấn Độ cũng từng tranh cãi về phương pháp luận của nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet và Science, trong đó cho thấy số người chết do COVID-19 ở nước này cao hơn số thực tế rất nhiều.

Hôm 21.4, Steve MacFeely, Giám đốc dữ liệu và phân tích của WHO, nói thế giới báo cáo khoảng 5,4 triệu người chết vì COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 1.2020 đến tháng 12.2021, nhưng con số này “thấp và có vấn đề”.

Một vấn đề là thiếu sự nhất quán trong cách các quốc gia đo lường tác động của đại dịch và đánh giá tỷ lệ tử vong do COVID-19, Steve MacFeely nói trong hội thảo trên web do Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc về châu Á và Thái Bình Dương (UNESCAP) tổ chức.

Khả năng tiếp cận với năng lực xét nghiệm và chẩn đoán cũng rất khác nhau giữa các quốc gia, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt.

Rất nhiều người đã chết bên ngoài hệ thống y tế. Chúng tôi không biết họ chết vì điều gì. Đây là một trong những lý do tại sao những con số mà chúng tôi công bố về tỷ lệ tử vong do COVID-19 trực tiếp cần được bổ sung bằng một biện pháp mạnh hơn”, Steve MacFeely cho hay.

Quan trọng hơn, số người chết được báo cáo không nói lên toàn bộ câu chuyện về gánh nặng sức khỏe toàn cầu do COVID-19 gây ra và tác động tàn bạo của nó. Steve MacFeely nói số người chết do COVID-19 thực sự sẽ giúp các quốc gia rút ra các bài học kinh nghiệm từ đại dịch này để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Một trong những thách thức với sự chuẩn bị sẵn sàng là bạn cần một số thước đo thành công hay thất bại. Làm thế nào để đánh giá xem bạn đã chuẩn bị hay chưa? Vậy bạn sẽ đánh giá bản thân bằng những chỉ số nào? Những gì chúng tôi thấy là tỷ lệ tử vong trực tiếp là một trong những thước đo. Nhưng trên thực tế, đó là một biện pháp hạn chế… Số liệu thống kê về tỷ lệ tử vong vượt mức là thước đo tốt nhất để đánh giá xem bạn có chuẩn bị sẵn sàng hay không”, Steve MacFeely giải thích.

WHO cùng Bộ Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc đã và đang nghiên cứu tỷ lệ tử vong vượt mức liên quan đến COVID-19 như một thước đo để phản ánh chi phí con người trong đại dịch trên toàn thế giới. Một nhóm tư vấn kỹ thuật toàn cầu gồm hơn 60 nhà nhân khẩu học, dịch tễ học, dữ liệu và xã hội học, cùng các nhà thống kê hàng đầu đã được thành lập vào tháng 2.2021 phát triển một mô hình phức tạp để ước tính dự án.

Tỷ lệ tử vong vượt mức là sự khác biệt giữa tổng số người chết được ghi nhận tại một địa điểm, khoảng thời gian cụ thể với số lượng dự kiến ​​của họ trong trường hợp không xảy ra đại dịch.

Với đại dịch hiện tại, sự khác biệt này được giả định bao gồm các trường hợp tử vong do COVID-19 trực tiếp gây ra cũng như những trường hợp gián tiếp liên quan đến nó thông qua các tác động đến hệ thống y tế và xã hội.

Biện pháp này tính đến cả tác động trực tiếp và gián tiếp của đại dịch… những người chết vì COVID-19 hoặc những người chết vì những lý do khác. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân khác gián tiếp được cho do COVID-19, hoặc vì họ không thể đến bệnh viện hoặc sợ đến bệnh viện vì COVID-19. Tất cả những điều này làm tăng thêm tác động rộng lớn hơn”, Steve MacFeely nói.

Vào tháng 5.2021, WHO ước tính 3 triệu người đã chết trực tiếp hoặc gián tiếp vì COVID-19 vào năm 2020, thay vì 1,83 triệu được báo cáo chính thức, nhưng không công bố bảng phân tích chi tiết.

Các tổ chức khác đã cố gắng dự báo tỷ lệ tử vong vượt mức bằng các mô hình của riêng họ.

Tạp chí The Economist (Anh) sử dụng một mô hình máy học để đưa ra ước tính hơn 17 triệu ca tử vong do COVID-19 từ ngày 1.1.2020 đến tháng 12.2021. Trong khi Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Washington (Mỹ) đưa ra con số là 18,2 triệu vào cùng kỳ.

Bài liên quan
WHO đánh giá độ nguy hiểm của biến thể BA.4 và BA.5, Nhật phát hiện ca nhiễm Omicron XE đầu tiên
Hôm 11.4, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ đang theo dõi hàng chục ca nhiễm biến thể Omicron BA.4 và BA.5 để đánh giá xem chúng có khả năng lây nhiễm cao hay nguy hiểm hơn không.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ công bố dữ liệu tử vong năm 2020, phản đối cách tính người chết vì COVID-19 của WHO