Các nhà khoa học Nam Phi nói không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể Omicron đang gây ra bệnh nặng hơn dù số ca mắc COVID-19 và nhập viện tăng cao.

Số ca mắc COVID-19 kỷ lục và nhập viện tăng cao trong đợt dịch Omicron, Bộ Y tế Nam Phi vẫn lạc quan

Sơn Vân | 10/12/2021, 21:48

Các nhà khoa học Nam Phi nói không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể Omicron đang gây ra bệnh nặng hơn dù số ca mắc COVID-19 và nhập viện tăng cao.

Nam Phi đã cảnh báo thế giới về biến thể Omicron vào cuối tháng 11 khiến nhiều nước trên thế giới lo sợ đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 mới.

Dữ liệu của bệnh viện cho thấy bệnh nhân COVID-19 nhập viện đang tăng mạnh ở hơn một nửa trong số 9 tỉnh Nam Phi, nhưng số ca tử vong không tăng đột ngột và các chỉ số như thời gian nằm viện trung bình làm nhiều người yên tâm hơn.

Dù các nhà khoa học cho biết cần thêm thời gian để đưa ra kết luận chính xác, Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi - Joe Phaahla nói: “Dữ liệu sơ bộ cho thấy mặc dù tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng nhưng có vẻ như đó hoàn toàn là các con số chứ không phải do bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào mà biến thể Omicron gây ra”.

Hôm 9.12, Nam Phi đã ghi nhận hơn 22.000 ca mắc COVID-19 mới, một kỷ lục trong đợt dịch thứ tư chủ yếu do biến thể Omicron gây ra nhưng vẫn dưới mức cao nhất là hơn 26.000 ca hàng ngày ở đợt dịch thứ ba với Delta chiếm ưu thế.

so-ca-covid-19-ky-luc-va-nhap-vien-trong-doi-dich-omicron-bo-y-te-nam-phi-van-lac-quan.jpg
Nhân viên y tế hỗ trợ các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại một bệnh viện tạm ở thành phố Johannesburg, Nam Phi - Ảnh: Reuters

Nam Phi đã tiêm vắc xin đầy đủ cho khoảng 38% người lớn, nhiều hơn các quốc gia châu Phi khác nhưng vẫn còn thiếu so với mục tiêu cuối năm của chính phủ.

Gần đây, các quan chức Bộ Y tế cho biết Nam Phi đã yêu cầu Johnson & Johnson và Pfizer trì hoãn việc giao vắc xin COVID-19 vì nước này hiện có quá nhiều vắc xin dự trữ, do sự chần chừ tiêm chủng của người dân.

Đầu năm nay, chương trình tiêm vắc xin đã bị chậm lại do không đủ liều. Hiện tại, Nam Phi lại yêu cầu các hãng dược phẩm Mỹ trì hoãn giao hàng do cung vượt quá cầu, khi hầu hết nước trong lục địa đen vẫn thiếu vắc xin.

Hôm 10.12, Phó tổng giám đốc Bộ Y tế Nam Phi - Nicholas Crisp nói liều vắc xin tăng cường của Pfizer-BioNTech sẽ được cung cấp cho người dân 6 tháng sau khi họ nhận liều thứ hai, với những người đầu tiên đủ điều kiện cuối tháng này.

Đã có sẵn cho các nhân viên y tế, liều vắc xin tăng cường của Johnson & Johnson sẽ sớm được triển khai cho những người khác, ông Nicholas Crisp nói.

Nicholas Crisp phủ nhận rằng việc cung cấp mũi tăng cường là một cách sử dụng hết nguồn vắc xin dự trữ. Ông nói: "Chúng tôi không cần tiêu thụ vắc xin. Chúng đắt tiền và chúng tôi sẽ chỉ sử dụng vắc xin nếu có bằng chứng để làm như vậy".

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo trong tuần này rằng mũi vắc xin tăng cường nên được tiêm cho những người suy giảm miễn dịch hoặc đã nhận vắc xin COVID-19 bất hoạt trước đó để bảo vệ chống lại khả năng miễn dịch suy giảm.

Trước đó, WHO nói rằng việc sử dụng liều chính nên được ưu tiên vì tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp một cách đáng lo ngại ở nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là châu Phi.

Một nghiên cứu nhỏ từ Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi ở Nam Phi trong tuần này cho thấy biến thể Omicron có thể tránh một phần sự bảo vệ của hai liều vắc xin Pfizer.

Với hai liều vắc xin Pfizer - BioNTech, Alex Sigal, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi, đã quan sát thấy sự sụt giảm 41 lần mức độ kháng thể trung hòa chống lại Omicron so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu (được tìm thấy ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc).

Pfizer và đối tác BioNTech cho biết mũi vắc xin thứ 3 của họ có thể vô hiệu hóa Omicron trong phòng thí nghiệm. 

Hai hãng nói mũi vắc xin thứ ba làm tăng lượng kháng thể trung hòa lên 25 lần.

Máu thu được từ những người tiêm mũi vắc xin Pfizer - BioNTech thứ 3 cách đây 1 tháng đã vô hiệu hóa biến thể Omicron, với hiệu quả tương đương máu thu từ người nhận 2 liều vắc xin này chống lại chủng SARS-CoV-2 ban đầu.

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học gia của WHO, cho biết còn quá sớm để nói liệu việc giảm kháng thể trung hòa có nghĩa là vắc xin kém hiệu quả không, cảnh báo về việc không đưa ra kết luận từ cuộc thử nghiệm.

Bà Soumya Swaminathan nói: “Còn quá sớm để kết luận rằng việc giảm hoạt động trung hòa này sẽ dẫn đến giảm đáng kể hiệu quả của vắc xin. Chúng ta không biết điều đó, vì như bạn đã biết, hệ thống miễn dịch phức tạp hơn nhiều. Do đó, những gì chúng ta cần bây giờ là nỗ lực nghiên cứu phối hợp và không đi đến kết luận nghiên cứu theo từng cuộc thử nghiệm".

Ana Maria Henao-Restrepo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của WHO, hé lộ cuộc họp kín của các chuyên gia đã xem xét sự khác biệt trong kết quả dữ liệu ban đầu về hiệu quả vắc xin chống lại Omicron.

Bà nói: “Các kháng thể trung hòa là một thông tin quan trọng, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nhiễm trùng, nhưng chúng chỉ là một phần trong việc bảo vệ chống lại bệnh nặng”.

Đóng vai trò quan trọng của đáp ứng miễn dịch cùng kháng thể trung hòa, tế bào T (tế bào miễn dịch) ngừa bệnh nặng bằng nhận biết và tấn công các tế bào nhiễm vi rút, đồng thời huấn luyện các tế bào B sản xuất kháng thể trước nguy cơ mà chúng phải đối mặt.

Glenda Grey, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi, cho biết có nhiều người chưa được tiêm vắc xin trong số những người nhập viện ở Nam Phi và bằng chứng là vắc xin Pfizer vẫn còn khả năng bảo vệ.

Chúng tôi nhận thấy vắc xin này đang duy trì hiệu quả. Nó có thể giảm đi một chút, nhưng chúng tôi đang thấy hiệu quả vẫn được duy trì với những trường hợp nhập viện và điều đó rất đáng khích lệ”, bà Glenda Grey nói.

Bài liên quan
Pfizer: Có thể cần tiêm mũi vắc xin thứ 4 sớm hơn vì biến thể Omicron
Giám đốc điều hành Pfizer cho biết biến thể Omicron có thể làm tăng khả năng chúng ta sẽ cần đến mũi vắc xin COVID-19 thứ tư sớm hơn dự kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số ca mắc COVID-19 kỷ lục và nhập viện tăng cao trong đợt dịch Omicron, Bộ Y tế Nam Phi vẫn lạc quan