Tình trạng dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong các lô hàng xuất khẩu, không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật... gây thiệt hại lớn cho nông sản Việt Nam.

Trung Quốc liên tục 'than' nông sản Việt không tuân thủ quy định

Tuyết Nhung | 24/08/2023, 19:15

Tình trạng dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong các lô hàng xuất khẩu, không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật... gây thiệt hại lớn cho nông sản Việt Nam.

Ngày 24.8, Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) cho biết, đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Newzealand và Úc là những thị trường nhập khẩu có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

sau-rieng.jpg
Tình trạng dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong các lô hàng xuất khẩu, không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu gây thiệt hại lớn cho nông sản Việt - Ảnh: TN

Tuy nhiên, gần đây Cục Bảo vệ thực vật liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc nhiều loại nông sản không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật (KDTV) bao gồm các sản phẩm chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn... xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; dư lượng hóa chất trong nông sản vượt quá quy định gồm sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu sang Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay ớt đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc. Các thông báo này cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng KDTV và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn dư trong nông sản xuất khẩu.

"Nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng dư lượng hóa chất BVTV tồn dư trong các lô hàng xuất khẩu, không tuân thủ các quy định về KDTV và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt", ông Đạt nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp đề nghị Bộ NN-PTNT sớm xây dựng quy định, chế tài và quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói hiệu quả hơn, bảo vệ chủ sở hữu mã số. Đồng thời, cần chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Đối với các vi phạm về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Hoàng Trung đề nghị các địa phương kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương. "Sử dụng các biện pháp hành chính, nếu các lô hàng hóa đến cửa khẩu mà cơ quan kiểm dịch thực vật phát hiện sẽ yêu cầu xuất về nội địa, không cho phép xuất khẩu và tạm dừng việc khai thác, sử dụng mã số đó", Thứ trưởng Hoàng Trung chỉ đạo.

Khi nào điều tra, xác định nguyên nhân chính xác để tìm biện pháp khắc phục và đã đàm phán được các yêu cầu KDTV cũng như an toàn thực phẩm với nước nhập khẩu, lúc đó mới thông báo cho địa phương và chủ sở hữu các cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng tiếp tục được phép khai thác, xuất khẩu trở lại.

"Bộ NN-PTNN đã làm việc với Bộ Tư pháp, đang xin phép Chính phủ cho phép xây dựng thêm 2 Nghị định. Thứ nhất là Nghị định hướng dẫn cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thứ hai là Nghị định về các chế tài xử phạt trong lĩnh vực này", Thứ trưởng cho hay.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu và để được các nước nhập khẩu cấp thêm các mã số mới cho hàng nông sản Việt Nam.

Tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương. Phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng. Phát hiện, xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận KDTV cho các lô hàng không tuân thủ quy định pháp luật về KDTV.

Về phía các địa phương, Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đề nghị xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện giám sát thường xuyên việc sơ chế, chọn lọc hàng hóa để đảm bảo không nhiễm sinh vật gây hại tại các nhà đóng gói đã được cấp mã số. Nâng cao chất lượng kiểm tra ban đầu đối với các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; tăng cường giám sát mã số sau khi được cấp. Rà soát các vùng trồng đã cấp mã số, không cấp mã số cho các vùng trồng nằm trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (trừ trường hợp cây dược liệu dưới tán rừng theo quy định của pháp luật) hoặc những vùng có nguy cơ sạt lở...

Bài liên quan
Xuất khẩu nông sản ĐBSCL - Bài 1: Niềm vui và nỗi lo với thanh long xuất khẩu
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết hiện nay giá thanh long xuất khẩu đã tăng rất mạnh so với hai năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó, người trồng thanh long còn nhiều nỗi lo.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc liên tục 'than' nông sản Việt không tuân thủ quy định