“Một nhà nước phục vụ thì không cần thiết phải để người dân xin mình thì mới phục vụ, nhà nước phải tự mình đi phục vụ. Tôi nhất trí là Nhà nước cần phải thực hiện nghĩa vụ này một cách chủ động hơn là bắt buộc người dân phải đi đòi hỏi”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói.
“Cò kè bớt một thêm hai…với dân”
Phát biểu tại phiên thảo luận về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) không đồng tình khi dự thảo tiếp cận theo hướng chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu, Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự. Còn nếu như người bị oan không có đơn yêu cầu thì việc xin lỗi công khai và phục hồi danh dự sẽ không diễn ra.
Vị này cho rằng, việc phục hồi danh dự của người bị oan phải là trách nhiệm công vụ chứ không phải là quan hệ dân sự.
Đồng tình với nhận định này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng một nhà nước văn minh phải là một nhà nước lịch sự. “Bất kỳ ai phạm lỗi với 1 cá nhân nào đó người ta còn phải xin lỗi trước, thậm chí chưa cần phải nói rằng anh phải xin lỗi tôi người ta đã phải xin lỗi”.
Theo đại biểu này, luật pháp quy định dân có rất nhiều quyền nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được, đặc biệt là những người có trình độ văn hóa thấp. Vị này nhấn mạnh: “Chúng ta phải hết sức công bằng với người dân. Trách nhiệm phổ biến giáo dục pháp luật của chúng ta có thể chưa đến nơi đến chốn, vậy tại sao chúng ta lại bắt người dân phải hiểu được hết quyền của mình”.
“Chúng ta đang xây dựng một nhà nước phục vụ, một nhà nước phục vụ thì không cần thiết phải để người dân xin mình thì mới phục vụ, nhà nước phải tự mình đi phục vụ. Tôi nhất trí là nhà nước cần phải thực hiện nghĩa vụ này một cách chủ động hơn là bắt buộc người dân phải đi đòi hỏi”, ông Nhưỡng nói.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng việc thương lượng bồi thường phải mang tính nhân văn, để thúc đẩy quá trình bồi thường nhanh hơn, có lợi cho nhân dân hơn chứ không phải đem thương lượng ra để nhằm giảm bớt nghĩa vụ bồi thường.
“Qua thực tiễn việc thương lượng giải quyết bồi thường đối với những người bị oan, bị thiệt hại, tạo ra một cảm giác là cơ quan chức năng liên quan, cò kè thêm bớt với người dân và người dân đã bị thiệt hại rõ ràng, mà cứ bị thương lượng nhằm giảm bớt các khoản bồi thường. Cho đến khi người dân không thể theo đuổi được nữa nên buộc họ phải chấp nhận mức bồi thường cơ quan nhà nước đưa ra, như vậy là không công bằng”, ông Sang nói.
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chia sẻ, nhân dân cho rằng Nhà nước ta cũng "chơi đẹp", khi chịu trách nhiệm và bồi thường khi gây oan sai. Tuy nhiên, nhân dân cũng đặt ra vấn đề là đối với những cá nhân, tổ chức mà họ gây hại cho nhà nước rất lớn vì trục lợi, vì tham nhũng, lợi ích nhóm và hoàn toàn cố ý thì sau này luật nào điều chỉnh?
“Hiện nay sau thanh tra, kiểm tra có phát hiện thì cũng chỉ kỷ luật chuyện này chuyện nọ còn tài sản thu lại rất ít. Đây là vấn đề hết sức bức xúc nên cũng mong sớm có thêm chính sách này”, ông Phong cho hay.
Cơ quan nào bồi thường oan sai?
Theo ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), trong những vụ án oan sai nghiêm trọng đã xảy ra cho thấy trong một vụ án oan sai nêu lên thường là một chuỗi tố tụng liên tục từ điều tra truy tố, xét xử. Theo đó, nếu chỉ buộc tòa án phải bồi thường xin lỗi công khai là chưa thực sự hợp lý.
Vị này cho rằng, trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những điểm rơi khó xác định một cách rõ ràng, rành mạch, cơ quan nào là cơ quan trái quy định gây oan sai sau cùng. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo luật Chính phủ đã quy định rõ hơn việc giải quyết vấn đề này nhưng trên thực tế thì không hề đơn giản như vậy, đó là chưa kể việc các cơ quan sợ trách nhiệm, lo ảnh hưởng đến uy tín của mình, của ngành nên đã đẩy quả bóng trách nhiệm sang cho ngành khác
Để rõ ràng về thẩm quyền và tránh đùn đẩy trách nhiệm, ĐB Trịnh Ngọc Thúy (TP.HCM) đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan làm oan sau cùng, bởi vì sau quá trình tố tụng, quan điểm giải quyết của cơ quan này vẫn kết tội người bị oan. Qua đó phân tích rõ nguyên nhân, bản chất, hậu quả của việc gây thiệt hại, giúp nâng cao trách nhiệm trong quản lý công chức và khắc phục hậu quả một cách triệt để.
“Là người có kết luận sau cùng oan sai trong quá trình giải quyết, công chức, viên chức nào có liên quan thuộc các cơ quan khác đến việc làm oan này, có nghĩa là có quyết định, có cùng quan điểm kết tội thì phải có nghĩa vụ liên đới hoàn trả cho nhà nước và chịu trách nhiệm bị xử lý”, bà Thúy nêu.
ĐB Nguyễn Văn Chiến(Hà Nội) lại cho rằng Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm bổi thường, bởi vì luật đã giao cho Viện kiểm sát quyền mà cơ quan điều tra và xét xử không có. Đó là quyền phải giám sát về việc tuân thủ pháp luật trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Đại diện Viện kiểm sát phải có mặt trong suốt 3 quá trình này. Do vậy, việc dẫn đến oan là cơ quan kiểm sát sẽ phải là cơ quan đứng ra đại diện giải quyết vấn đề bồi thường.
Không đồng ý với quan điểm này, ĐB Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho rằng trong tố tụng hình sự thì nguyên tắc trách nhiệm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đã được phân định, mỗi cơ quan đều có trách nhiệm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và đồng thời phải có trách nhiệm giải quyết những hậu quả do thực hiện nhiệm vụ của mình gây ra. Do đó, nếu quy định chỉ Viện kiểm sát chịu trách nhiệm thì sẽ tạo ra việc các cơ quan khác sẽ không ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
Vị này đồng ý với nguyên tắc là cơ quan quyết định gây oan sau cùng là người chịu trách nhiệm thay mặt nhà nước để giải quyết và bồi thường. Mặt khác, việc giao cho Viện kiểm sát đứng ra làm hết việc này thì cũng là một áp lực đối với ngành kiểm sát.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đồng tình cao với nguyên tắc chung cơ quan quyết định gây ra oan sai sau cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Ông Cầu cũng tranh luận ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và với ý kiến của đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La)là xác định điểm rơi rất khó để xác định cơ quan nào gây oan sai sau cùng.
“Tôi cho rằng xác định điểm rơi để phân định cơ quan nào gây ra sau cùng rất dễ, không khó như chúng ta tưởng. Việc xác định điểm rơi này chỉ cần chia ra 2 nhóm quan hệ: Thứ nhất là nhóm quan hệ với Viện kiểm sát và Tòa án, đây là nhóm quan hệ trung tâm giữa bên buộc tội và bên kết tội. Ai ra quyết định buộc tội sai thì người đó phải đền bù, ai ra quyết định kết tội sai thì người đó phải đền bù”, ông Cầu nói.
Mối quan hệ thứ hai ông Cầu cho là mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với cơ quan điều tra, trong mối quan hệ này thì người ra quyết định sau cùng nhất là người có quyết định hiệu lực pháp lý cao nhất. Ví dụ, cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn thì Viện kiểm sát phải đền bù, đó là nguyên tắc. Viện kiểm sát áp dụng biện pháp nào thì Viện kiểm sát phải đền bù. Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan điều tra áp dụng biện pháp nào mà sau này oan sai là Viện kiểm sát phải đền bù.
“Người thi hành công vụ ở cơ quan tư pháp là một ngành nghề rất nhiều rủi ro, chịu nhiều áp lực, lương thấp, lại phải chịu bồi thường thiệt hại thì có gì đó chưa công bằng. Ví dụ, một người làm công chứng viên, luật sư, thẩm định giá về giá..., luật quy định là chủ sở hữu lao động có trách nhiệm mua bảo hiểm nghề nghiệp và gây ra thiệt hại thì có công ty bảo hiểm đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường, họ không phải mất gì. Công chức ngành tư pháp suy cho cùng cũng chỉ là người làm công ăn lương, khi xảy ra sai sót, sai lầm trong nghề nghiệp thì không được chủ sở hữu lao động là nhà nước bảo vệ mà phải tự phải gánh chịu, có khi bán tài sản của vợ con chưa chắc đã bồi thường đủ. Từ những phân tích trên tôi đề nghị có 2 phương án: Một là mua bảo hiểm trách nhiệm cho người thi hành công vụ. Hai là chỉ buộc những người gây thiệt hại xác định là có tư lợi cá nhân mới phải chịu trách nhiệm hoàn trả cho nhà nước ((ĐBQH Phạm Hồng Phong - Hậu Giang)