Đã có bằng chứng khoa học cho thấy tiêm tăng cường vắc xin tăng cường khả năng bảo vệ trước COVID-19, nhưng câu hỏi về mức độ bảo vệ và số mũi tiêm cần thiết vẫn chưa có lời giải đáp. Nay tranh luận lại có thêm một ẩn số: biến thể Omicron.

Vấn đề tiêm tăng cường vắc xin COVID-19 ‘nóng lên’ vì biến thể Omicron

Cẩm Bình | 04/12/2021, 10:17

Đã có bằng chứng khoa học cho thấy tiêm tăng cường vắc xin tăng cường khả năng bảo vệ trước COVID-19, nhưng câu hỏi về mức độ bảo vệ và số mũi tiêm cần thiết vẫn chưa có lời giải đáp. Nay tranh luận lại có thêm một ẩn số: biến thể Omicron.

Dữ liệu thực tế từ Israrel và Anh chỉ ra rằng tiêm tăng cường 1 mũi vắc xin mRNA làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Vài tháng sau khi Israel trở thành quốc gia đầu tiên triển khai tiêm mũi 3 cho tất cả người dân, số ca nhiễm ghi nhận mỗi ngày của nước này vẫn ở mức thấp.

Loạt dữ liệu trên làm lung lay quan điểm không ủng hộ tiêm tăng cường của giới chức y tế một số quốc gia. Giờ đây với hy vọng có thể đi trước một bước ngăn chặn biến thể Omicron lan rộng, giới chức y tế các nước Bắc Mỹ và châu Âu đều hối thúc nhóm dân số trưởng thành tiêm mũi 3. Vắc xin tăng cường đối phó nhiều biến thể khác nhau đang được nghiên cứu phát triển, nhưng các bác sĩ kêu gọi không nên chờ đợi: miễn dịch tạo ra bởi mũi tiêm hiện tại góp phần ngăn chặn số ca nhiễm Omicron gia tăng.

Nếu biến thể Omicron làm suy yếu hiệu quả của vắc xin, số mũi tiêm tăng cường có thể phải tăng lên hoặc vắc xin phải thay đổi công thức – một lần nữa làm dấy lên câu hỏi liệu vắc xin COVID-19 có phải tiêm nhắc lại thường xuyên không. Ngoài ra, vì Omicron xuất hiện mà loạt dự báo về tình hình dịch bệnh thời gian tới có khả năng sai lầm.

Nhà dịch tễ học Ali Ellebedy thuộc đại học Washington (Mỹ) nhận định: “Thật không may. Chúng ta vẫn đang sống trong tình hình không chắc chắn”.

bid41586-021-03592-2_19910422.jpg
Giới chức y tế nhiều nước thay đổi quan điểm về tiêm tăng cường - Ảnh: Getty Images

Tiêm nhắc lại thường xuyên?

Trước lúc Omicron xuất hiện, nhà dịch tễ học Ellebedy cùng nhiều chuyên gia khác tin rằng mũi thứ 3 là đủ. Hệ miễn dịch ghi nhớ đặc điểm mầm bệnh từng gặp trước rất lâu dài, nên hầu hết người đã tiêm 2 - 3 mũi vắc xin đều duy trì được khả năng bảo vệ lâu dài khỏi nguy cơ bệnh diễn biến nặng và tử vong.

“Phản ứng miễn dịch của chúng ta với những loại vắc xin này rất mạnh mẽ, nếu bạn khỏe mạnh. Trừ phi xuất hiện biến thể gây ngạc nhiên lớn nào, tôi không nghĩ ra lý do để chúng ta tiêm mũi thứ 4”, nhà dịch tễ học Ellebedy phát biểu với tạp chí Nature chỉ vài giờ trước khi xuất hiện thông tin về Omicron.

Biến thể mới có thể làm thay đổi tình hình. Nhà sinh học Alessandro Sette thuộc Viện nghiên cứu miễn dịch La Jolla (Mỹ) cho biết trong số nhiều đột biến ở Omicron, có rất ít đột biến làm tổn hại đến khả năng nhận dạng vi rút và tấn công tế bào nhiễm vi rút của tế bào T – một thành phần quan trọng trong hệ miễn dịch, tuy nhiên hiểu biết về biến thể mới vẫn còn rất sơ khai, cần thực hiện nhiều thí nghiệm tìm hiểu kỹ hơn.

Thậm chí khi hệ miễn dịch từng người luôn mạnh mẽ và cá nhân đã tiêm chủng được bảo vệ khỏi tình huống xấu, lo ngại về sức khỏe cộng đồng vẫn sẽ thúc đẩy nỗ lực tiêm nhắc lại thường xuyên.

Nếu tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng còn cao, tiêm tăng cường giúp kiểm soát sự lây lan bằng cách tăng lượng kháng thể trung hòa ngăn chặn vi rút xâm nhập tế bào. Trong trường hợp Omicron là biến thể sở hữu khả năng lây lan mạnh, tiêm tăng cường đặc biệt hữu ích.

Nếu vắc xin hiện tại không có tác dụng, các nhà sản xuất có kế hoạch B: ít nhất 4 công ty đã bắt đầu phát triển vắc xin chuyên đối phó Omicron.

58f2990b-d0fb-49de-9062-48cbfb780a33_e504f149.jpg
Tiêm bao nhiêu mũi vắc xin là đủ? - Ảnh: SCMP

Tiêm tăng cường giúp kiểm soát đại dịch?

Dựa trên kinh nghiệm của Israel, tiêm tăng cường là chiến lược hiệu quả. Biến thể Delta cùng với tình hình miễn dịch suy yếu từng khiến nước này lọt vào nhóm có số ca nhiễm mỗi ngày cao nhất thế giới. Chương trình triển khai tiêm mũi 3 cho tất cả người dân khiến số ca nhiễm giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 9.

Mặc dù vài trường hợp tiêm 3 mũi dương tính với COVID-19, triệu chứng của nhóm đối tượng này khá nhẹ và không có bằng chứng họ lây lan vi rút. Nhà khoa học Dvir Aran thuộc Viện nghiên cứu Công nghệ Technion – Israel cho biết: “Chúng tôi chưa nhận thấy mũi tiêm tăng cường giảm hiệu quả”.

Một số nơi khác cũng ghi nhận thành công tương tự. Tiêm tăng cường giúp làm đổi hướng “đường cong đại dịch” tại Anh, nhà dịch tễ học Matt Keeling thuộc đại học Warwick nhận định: “Chúng tôi sẽ lún vào một đợt bùng phát mới nếu không tiêm tăng cường”.

Mô hình tính toán lập ra bởi nhà dịch tễ học Keeling cùng đồng nghiệp chỉ ra rằng nếu liều thứ 3 đem lại sự bảo vệ lâu dài, tiêm tăng cường giúp giảm tỷ lệ nhập viện và giữ tỷ lệ này ở dưới mức hiện tại trong ít nhất 2 năm. Còn nếu miễn dịch suy giảm nhanh chóng, cứ mỗi 6 hoặc 12 tháng phải tiêm tăng cường để tránh số ca trở nặng và tử vong tăng.

Tiêm tăng cường ở nước giàu làm chậm nỗ lực tiêm chủng ở nước nghèo?

Các nhà sản xuất trên thế giới sản xuất được khoảng 1,5 tỷ liều vắc xin COVID-19 mỗi tháng, vì vậy trên lý thuyết có thể cung cấp vắc xin cho nước giàu tiêm tăng cường nhưng không giảm nguồn cung phân phối cho nước chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, đang cố gắng phủ mũi 1 và mũi 2.

Theo nhà nghiên cứu chính sách y tế Andrea Taylor thuộc Viện Y tế toàn cầu Duke: “Vấn đề là phần lớn lượng vắc xin chỉ tập trung ở một số nơi nhất định chứ không đến được nơi cần chúng nhất.

Cho đến khi thế giới giải quyết được loạt vấn đề vận chuyển, hạ tầng y tế, ưu tiên công bằng, khoảng cách về vắc xin sẽ chỉ ngày càng mở rộng vì nước giàu tích trữ để triển khai tiêm tăng cường cho người dân quốc gia mình.

“Lòng hào phóng của chúng ta bị hạn chế bởi nỗi lo chúng ta cần lượng vắc xin cực lớn để tiêm tăng cường cho người dân chúng ta”, nhà dịch tễ học Madhukar Pai thuộc đại học McGill bình luận.

Ngay cả khi vắc xin dồi dào, điều phối tiêm tăng cường ở nơi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao với tiêm phủ mũi 1 hoặc 2 ở nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp cũng vô cùng khó khăn, COVAX - sáng kiến đem lại tầm nhìn toàn cục và chiến lược chia sẻ vắc xin - không hoàn hảo. Theo giám đốc Viện Vắc xin quốc tế Jerome Kim: “COVAX không có cơ chế kiểm tra, cân bằng hoặc buộc thực thi nào”.

Nhà dịch tễ học Pai cùng nhiều chuyên gia khác lo ngại triển khai tiêm tăng cường gửi đi thông điệp sai lầm về ưu tiên của các nước giàu trong thời kỳ dịch bệnh. Theo ông thì Omicron là yếu tố cảnh tỉnh về sự cần thiết của hành động tập thể chống dịch, nhưng dường như thế giới đang tiếp tục đi theo hướng cũ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
35 phút trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vấn đề tiêm tăng cường vắc xin COVID-19 ‘nóng lên’ vì biến thể Omicron