Theo yêu cầu từ chính phủ Romania, cuộc họp cổ đông tuần tới của công ty hạt nhân Nuclearelectrica dự kiến sẽ chấm dứt nhiều năm đàm phán thỏa thuận xây hai lò phản ứng với Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN).

'Vành đai và Con đường' bị Mỹ cản trở

10/06/2020, 08:02

Theo yêu cầu từ chính phủ Romania, cuộc họp cổ đông tuần tới của công ty hạt nhân Nuclearelectrica dự kiến sẽ chấm dứt nhiều năm đàm phán thỏa thuận xây hai lò phản ứng với Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN).

Mỹ nhiều lần công khai chỉ trích những dự án hạ tầng do Trung Quốc tài trợ ở khắp nơi trên thế giới - Ảnh: Tân Hoa Xã

Dù đã có hai lò phản ứng cung cấp khoảng 1/5 lượng điện toàn quốc, nhưng Nuclearelectrica vẫn quyết định cùng CGN thành lập liên doanh chịu trách nhiệm xây dựng và vận hành thêm hai lò nữa, theo một bản ghi nhớ ký kết năm 2015.

CGN nắm giữ 51% cổ phần của liên doanh. Dự án nằm trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Vậy mà vào tuần trước, Romania - đồng minh của Mỹ - tuyên bố Nuclearelectrica khởi động các thủ tục liên quan để ngừng đàm phán với CGN, tìm đối tác mới.

Một đồng minh khác của Mỹ là Israel mới đây cũng quyết định trao dự án khử mặn nước biển trị giá 1,5 tỉ USD cho một đơn vị trong nước thay vì Công ty CK Hutchison trụ sở tại Hồng Kông, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo về đầu tư liên quan đến Trung Quốc.

Giới quan sát đánh giá hai vụ việc trên là minh chứng rõ nét cho thế đối đầu Mỹ - Trung ngày một khốc liệt, cuốn nước nhỏ vào cuộc cạnh tranh quyền lực khốc liệt.

Đàm phán xây hai lò phản ứng bắt đầu từ cuối năm 2013 – lúc ông Lý Khắc Cường trở thành Thủ tướng Trung Quốc đầu tiên thăm Romania sau gần 20 năm. Ca ngợi mối quan hệ với Romania là phần không thể thiếu của mối quan hệ với Đông Âu, Thủ tướng Lý chứng kiến lễ ký kết một loạt thỏa thuận song phương trong đó có bản ghi nhớ về sử dụng năng lượng hạt nhân theo cách hòa bình mở đường cho Nuclearelectrica - CGN bàn chuyện hợp tác.

Tuy nhiên triển vọng hợp tác bỗng trở nên bất định khi Romania - Mỹ ký tuyên bố chung vào năm ngoái, kêu gọi phối hợp song phương chặt chẽ hơn về năng lượng hạt nhân. Đầu năm nay Thủ tướng Romania Ludovic Orban dọa bỏ thỏa thuận hợp tác xây hai lò phản ứng.

Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương (của Romania) Andreea Brinza cho rằng có thể ý kiến từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) góp phần khiến giới chức Bucharest thay đổi thái độ với Trung Quốc.

“Tôi nghĩ chính quyền Romania sau khi xét đến những việc như Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng, Mỹ đưa CGN vào danh sách đen, Romania cho quân Mỹ đồn trú và đặt hệ thống tên lửa Mỹ, vấn đề liên quan đến viện trợ nhà nước đã quyết định tốt nhất không nên tiếp tục dự án xây hai lò phản ứng với CGN”, theo Phó chủ tịch Brinza.

Học giả Jakub Jakobowski thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông tại Warsaw (Ba Lan) xem trường hợp của Romania là ví dụ điển hình về cách thức mà Mỹ - Trung cạnh tranh nhau ở Trung và Đông Âu. Cũng theo ông, giới chức Bucharest “vỡ mộng” vì chẳng thu về lợi ích kinh tế gì đáng kể từ Trung Quốc. Chính quyền nhiều quốc gia Trung và Đông Âu vì sức ép từ phía Mỹ cộng thêm nỗi thất vọng về Trung Quốc nên đã hy sinh một phần quan hệ với đối tác châu Á nhằm lấy lòng Washington lẫn EU, đem lại khó khăn cho sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI).

Mỹ thời gian qua nhiều lần công khai chỉ trích những dự án hạ tầng do Trung Quốc tài trợ ở khắp nơi trên thế giới. Trong chuyến thăm Warsaw tháng 2.2019, Ngoại trưởng Mike Pompeo khuyến cáo các nước rằng Trung Quốc cùng Nga đe dọa đến lợi ích dân chủ và thị trường tự do. Quan chức ngoại giao này tháng trước cũng lưu ý Israel về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Bài liên quan
Trung Quốc chạy đua tích trữ chip từ Mỹ trước khi ông Trump tăng cường lệnh trừng phạt
Khi lệnh hạn chế công nghệ từ Mỹ có thể gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, lượng mạch tích hợp Mỹ được nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng vọt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
10 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Vành đai và Con đường' bị Mỹ cản trở