Ngoại trưởng Sri Lanka Dinesh Gunawardena nói Trung Quốc có thể gia hạn thuê cảng Hambantota đến 198 năm, cho rằng đây là "sai lầm" của chính quyền tiền nhiệm.

Vành đai và Con đường: Trung Quốc có thể thuê cảng Sri Lanka đến 198 năm

Hoàng Vũ | 25/02/2021, 13:17

Ngoại trưởng Sri Lanka Dinesh Gunawardena nói Trung Quốc có thể gia hạn thuê cảng Hambantota đến 198 năm, cho rằng đây là "sai lầm" của chính quyền tiền nhiệm.

Thỏa thuận cảng Hambantota được ký kết vào năm 2017 bởi chính phủ tiền nhiệm Sri Lanka nhằm trang trải các khoản nợ của họ đối với Trung Quốc. Theo đó, cựu thủ tướng Ranil Wickremesinghe khi đương nhiệm đã đồng ý cho công ty China Merchants Port Holdings (công ty thuộc tập đoàn nhà nước Trung Quốc China Merchants Groups) thuê cảng Hambantota trong vòng 99 năm, đổi lấy khoản vay 1,1 tỷ USD được cho là giúp giảm bớt gánh nặng nợ vay từ Trung Quốc. Cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa trước đó đã vay Trung Quốc trong suốt 10 năm trong 2 nhiệm kỳ để xây dựng các dự án trong nước.

Dự án này thuộc khuôn khổ của sáng kiến Vành đai và Con đường vốn đang gây nhiều tranh cãi với cáo buộc Bắc Kinh "ngoại giao bẫy nợ" để tạo ảnh hưởng địa chính trị. Dự án cũng đặt ra nhiều lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng cảng biển vào mục đích quân sự bởi vị trí của Hambantota ở cực nam của Sri Lanka, nhìn ra các tuyến đường biển quan trọng của Nam Á, khiến nó trở thành một trung tâm hàng hải quan trọng tiềm năng ở khu vực Ấn Độ Dương.

cang.png
Cảng Hambantota - Ảnh: AFP

Chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, em trai cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa đã nỗ lực thay đổi thỏa thuận được cho là gây tổn hại tới an ninh quốc gia của Sri Lanka, song chưa đáng kể. Ngay sau khi nhậm chức vào cuối năm 2019, ông Gotabaya Rajapaksa cho biết ông muốn đàm phán lại thỏa thuận với Trung Quốc nhưng sau đó lại bác bỏ kế hoạch.

Phải đến tận đầu tháng 2 năm nay, Chủ tịch Cơ quan Quản lý cảng biển Sri Lanka Daya Ratnayake mới tuyên bố Tổng thống Rajapaksa đang xem xét lại thỏa thuận, cho rằng quốc gia Nam Á này không nhận được nhiều lợi ích từ thỏa thuận với Trung Quốc.

"Chúng tôi đang xem xét lại các đề xuất ngay bây giờ. Thật không may, một thương vụ như vậy với cảng Hambantota đáng lẽ không nên được thực hiện”, Ratnayake nói.

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Sri Lanka Dinesh Gunawardena cũng khẳng định sự “không chắc chắn” về thỏa thuận. "Chính quyền tiền nhiệm đã mắc sai lầm trong thỏa thuận cảng Hambantota khi cho phép Trung Quốc thuê tới 99 năm và gia hạn thêm 99 năm nữa khi giai đoạn đầu tiên kết thúc", ông nói nhưng không tiết lộ liệu Sri Lanka có yêu cầu thay đổi điều khoản cho thuê hay không.

Pang Zhongying, một học giả về quan hệ quốc tế của Đại học Hải dương Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn đối với các hoạt động của họ ở Sri Lanka do sự cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng tăng với Mỹ và cả Ấn Độ trong khu vực.

“Sri Lanka từ lâu được cho là sân sau của Ấn Độ và Sri Lanka có mối quan hệ khá phức tạp với Ấn Độ. Khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng có khả năng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa trong khu vực”, ông Pang nói.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24.2 đã bác bỏ thông tin thỏa thuận đang được tái đàm phán.

"Những thông tin liên quan vừa qua không phù hợp với phản ánh thực tế. Thỏa thuận dựa trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng giữa hai nước, nhằm biến cảng này thành trung tâm hậu cần, vận tải và công nghiệp tại Ấn Độ Dương. Với những nỗ lực chung từ phía Trung Quốc và Sri Lanka, cảng Hambantota đã vượt qua những thách thức của đại dịch và duy trì được đà phát triển tốt trong việc mở rộng hoạt động”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho hay.

 

Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vành đai và Con đường: Trung Quốc có thể thuê cảng Sri Lanka đến 198 năm