Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, tuy nhiên, thời điểm hiện nay thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, bệnh có thể gây thành dịch lớn.

Vào mùa nóng, trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng cao

Hải Yến | 12/06/2018, 08:32

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, tuy nhiên, thời điểm hiện nay thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, bệnh có thể gây thành dịch lớn.

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, trong tuần qua (từ 4 - 10.6), thành phố đã ghi nhận thêm 86 trường hợp mắc tay chân miệng, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 744 ca.

Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng bao gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Khi bị tay chân miệng, nhiều trẻ quấy khóc cả đêm không ngủ. Có trẻ ngủ khoảng 15 - 20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15 - 20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm. Và biểu hiện giật mình là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Do đó, cha mẹ khi chăm sóc con bị tay chân miệng cần lưu ý phát hiện triệu chứng này ở trẻ và cần đưa trẻ đi thăm khám để được xử trí kịp thời.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, khoa Truyền nhiễm của bệnh việnđã tiếp nhận và điều trị hơn100 ca mắc tay chân miệng. Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm cho hay, khi các bệnh nhi vào bệnh viện đa phần có diễn biến nhẹ nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí tử vong.

Bệnh chân tay miệng có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Các biện pháp khắc phục là dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa… Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, cần cách ly tại nhà để tránh lây bệnh cho các trẻ khác và cộng đồng.

Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng người nhà vào thăm bệnh nhân rất đông nhưng rất ít người rửa tay trước khi ra khỏi phòng bệnh. Chính họ lại có thể trở thành nguyên nhân gieo rắc bệnh từ bệnh viện ra cộng đồng.Bác sĩ Đỗ Thiện Hải khuyến cáo, tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây cho người khác, dễ bùng phát thành dịch chính, vì thế người lớn phải luôn chú ý rửa tay sạch sẽ cho con em mình và cả bản thân mình, đặc biệt khi có người nhà mắc bệnh.

Khi trẻ em đã mắc bệnh tay chân miệng thì có những tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Người nhà cần chú ý cho con em mình ăn uống cẩn thận để giảm bớt bệnh như:

- Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad…

- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…

- Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt…Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vào mùa nóng, trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng cao