Theo tạp chí Science Advances, nhóm khoa học quốc tế do các nhà khoa học Mỹ hướng dẫn đã tìm thấy bằng chứng mới cho thấy bệnh Alzheimer có thể là do vi khuẩn gây ra.
Các tác giả của công trình nghiên cứu mới tuyên bố rằng họ đã thu được bằng chứng xác đáng về nguồn gốc của bệnh Alzheimer xuất phát từ loài vi khuẩn trong khoang miệng gây viêm chân răng. Cụ thể,porphyromonas gingivalis, mầm bệnh chủ chốt gây viêm quanh chân răng mạn tính, được xác định có trong não của những bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer.
Bệnh Alzheimer, phổ biến ở người cao tuổi, có liên quan đến sự hình thành các mảng lắng đọng protein, beta-amyloids, trong các cấu trúc não. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa nhiễm trùng vi khuẩn và căn bệnh này. Cụ thể, có bằng chứng về mối liên hệ giữa tình trạng nhiễm khuẩn ở khoang miệng và sự phát triển của bệnh Alzheimer. Loại men độc hại do vi khuẩn porphyromonas gingivalis tiết ra được gọi là gingipains cũng được xác định là có trong não của bệnh nhân Alzheimer.
Trong công trình nghiên cứu mới nhất, nhóm khoa học quốc tế cho biết, họ đã xác định được mối liên hệ giữa loài vi khuẩn porphyromonas gingivalis và bệnh Alzheimer. Các tác giả tuyên bố rằng ở những bệnh nhân Alzheimer, loài vi khuẩn này được tìm thấy không chỉ trong khoang miệng, mà còn trong não và dịch não tủy, còn trong những thử nghiệm ở chuột, loài vi khuẩn này gây ra những thay đổi giống như căn bệnh Alzheimer.
Cụ thể, các men độc hại gingipain do vi khuẩn tiết ra đã được tìm thấy trong hơn 90% mẫu não được nghiên cứu ở người, các tế bào thần kinh ở chuột bị nhiễm bệnh đã chết với tốc độ cao và nồng độ beta-amyloids tăng lên được quan sát thấy trong các tế bào.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm trên chuột một loại thuốc tác động tới gingipain. Kết quảnó đã loại bỏ khỏi não porphyromonas gingivalis tốt hơn so với kháng sinh và cũng làm giảm sự tích lũy beta-amyloid. Các nhà khoa học tin rằng cơ chế hoạt động của thuốc này có liên quan đến việc hạn chế khả năng vi khuẩn được nuôi dưỡng khi men gingipain không hoạt động. Ở người, thuốc này cũng đã được thử nghiệm, nhưng chỉ trên 9 tình nguyện viên - họ đã cho thấy dấu hiệu cải thiện trí nhớ, mặc dù cần có nghiên cứu sâu rộng hơn để đưa ra kết luận rõ ràng.
Những dữ liệu này cho thấy rằng các chất ức chế gingipain có thể có giá trị trong điều trị nhiễm khuẩn não porphyromonas gingivalis và thoái hóa thần kinh trong bệnh Alzheimer.
Nhìn chung, công trình nghiên cứu cung cấp bằng chứng đáng kể về sự liên quan của loài porphyromonas gingivalis trong sự xuất hiện của bệnh Alzheimer, nhưng các tác giả còn đi xa hơn. Họ cho rằng loài vi khuẩn này là nguyên nhân gây bệnh.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khác cũng cung cấp bằng chứng thu được về sự hiện diện của các loài vi khuẩn khác trong não, vì vậy, cộng đồng khoa học vẫn chưa vội kết luận một loại vi khuẩn riêng biệt là thủ phạm duy nhất gây bệnh.
Vũ Trung Hương