Những thành viên lớn tuổi nhất của thế hệ Z hiện đã 27 tuổi, nhưng vẫn chưa có ai thành công như Elon Musk hay Mark Zuckerberg.
Thế giới số

Vì sao chưa có 'Elon Musk hay Mark Zuckerberg tiếp theo' trong thế hệ Z ở Thung lũng Silicon?

Sơn Vân 09/10/2024 22:27

Những thành viên lớn tuổi nhất của thế hệ Z hiện đã 27 tuổi, nhưng vẫn chưa có ai thành công như Elon Musk hay Mark Zuckerberg.

Thế hệ Baby Boomer (bùng nổ dân số) có Bill Gates, Steve Jobs và Jeff Bezos. Thế hệ X sản sinh ra Sergey Brin, Elon Musk, Travis Kalanick và Peter Thiel. Thế hệ Millennials tự hào về hàng loạt người sáng lập công nghệ nổi tiếng như Mark Zuckerberg, Whitney Wolfe Herd, Brian Chesky và cả tai tiếng như Elizabeth Holmes và Sam Bankman-Fried - tất cả đều là những người phá vỡ chuẩn mực, trên đường trở thành tỷ phú khi mới ngoài 20 tuổi.

Hiện tại, những thành viên lớn tuổi nhất của thế hệ Z đã 27 tuổi, nhưng vẫn chưa có ai thành công như Mark Zuckerberg hay Elon Musk. Thế hệ Z ở Thung lũng Silicon bị gắn mác là được nuông chiều, tự mãn và không quan tâm nhiều đến công việc mà muốn vạch rõ ranh giới giữa công việc và cuộc sống.

Trên thực tế, thế hệ Z không đáng bị đổ lỗi cho sự thiếu tiến bộ của họ ở Thung lũng Silicon. Những người sáng lập công ty và những người muốn trở thành như vậy thuộc thế hệ Z đang bước vào thế giới công nghệ hoàn toàn khác so với tiền bối của họ. Đó là một thế giới mà việc khởi nghiệp kỳ lân (công ty khởi nghiệp tỉ USD) khó khăn hơn nhiều và bị công chúng giám sát chặt chẽ hơn nhiều so với thế hệ Steve Jobs hay Bill Gates. Điều đó khiến nhiều người thuộc thế hệ Z tự hỏi liệu họ có thực sự muốn phấn đấu để đạt đến mức độ nổi tiếng toàn cầu hay không

"Những người sáng lập thuộc thế hệ Z vẫn nhiệt huyết và thông minh như 20 năm trước", Jerry Neumann, nhà đầu tư mạo hiểm và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Columbia, nhận xét.

Bản thân ngành công nghệ không còn phát triển nhanh như trước nữa. Khi những người thuộc thế hệ Millennials còn trẻ, internet còn mới mẻ, gần như không cần phải phá vỡ những thứ đã tồn tại vì chưa có nhiều quy tắc hoặc chuẩn mực mà thay vào đó có cơ hội để định hình internet và cách nó hoạt động.

Sau đó, iPhone ra đời, một sự tiến bộ công nghệ đã thay đổi xã hội, biến những ý tưởng như Uber, Instagram và Bumble thành hiện thực. Thế hệ Z đang trưởng thành trong thời đại mà các hãng công nghệ lớn vẫn còn lan tỏa và thống trị. "Không có cơ hội nào để xây dựng các hãng công nghệ lớn mạnh nhanh chóng như trước", Jerry Neumann nhận định. Nói cách khác, “những người sáng lập thuộc thế hệ Millennials đã chạy để những người thuộc thế hệ Z có thể đi bộ”.

Ngày nay, các nhà sáng lập trẻ chủ yếu làm việc trên những cải tiến công nghệ nhỏ trong một thị trường đã chín muồi, thường bị mua lại bởi các công ty lớn trước khi tên tuổi của họ trở nên nổi tiếng. Điều đó có thể đánh dấu sự thoát khỏi công ty khởi nghiệp thành công nhưng không phải là con đường dẫn đến sự nổi tiếng.

"Để trở thành Mark Zuckerberg hoặc Elon Musk tiếp theo, bạn cần phải là người tạo ra sự thay đổi lớn trong ngành công nghệ. Những nhà sáng lập nổi tiếng này đã thay đổi một ngành công nghiệp, hoặc tạo ra ngành công nghiệp hoàn toàn mới", Kimberly Eddleston, giáo sư về tinh thần kinh doanh và đổi mới tại Đại học Northeastern, cho hay.

vi-sao-chua-co-elon-musk-hoac-mark-zuckerberg-tiep-theo-trong-the-he-z-o-thung-lung-silicon.jpg
Theo giáo sư Kimberly Eddleston, để trở thành Mark Zuckerberg hoặc Elon Musk tiếp theo, bạn cần phải là người tạo ra sự thay đổi lớn trong ngành công nghệ - Ảnh: Getty Images

Khi duy trì được vị thế của mình, các hãng lớn nhất trong ngành đã mua lại các đối thủ cạnh tranh và công nghệ mới. Ngay cả khi Facebook không còn giữ được sự hấp dẫn như năm 2009, gần một nửa nhân loại vẫn sử dụng nhiều sản phẩm khác nhau của Meta Platforms, chủ yếu là mua lại, như Instagram và WhatsApp, mà không có đối thủ mới nổi rõ ràng nào.

Các nhà khởi nghiệp thuộc thế hệ Z cũng đang phải đối mặt với con đường khó khăn hơn để có được nguồn tài trợ. Đã qua rồi cái thời bước vào văn phòng của nhà đầu tư nổi tiếng Peter Thiel trong chiếc áo hoodie và nhận được khoản tài trợ lớn. Từ quý 4/2021 đến quý 4/2023, đầu tư vốn mạo hiểm đã giảm mạnh từ 52,8 tỉ USD xuống còn 10,6 tỉ USD.

Lãi suất tăng, cùng những câu chuyện cảnh báo về siêu lừa đảo như Elizabeth Holmes và Sam Bankman-Fried, đã làm tăng sự giám sát. Dù điều đó khiến rào cản khởi nghiệp công nghệ cao hơn, có lẽ những ý tưởng tồn tại sau quá trình này sẽ có giá trị hơn.

Alexandra Debow (22 tuổi) đã bỏ học tại Đại học New York và huy động được vốn tiền hạt giống trước cho ứng dụng xã hội chia sẻ ảnh Swsh của mình. Anh cho biết: "Đã có một sự làm mới tốt. Người ta không chỉ muốn sự cường điệu. Người ta muốn giá trị thực sự đằng sau nó".

Các công ty AI là ngoại lệ của xu hướng này và nhà đầu tư vẫn đang đổ tiền vào chúng. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà đó cũng là ngành mà có lẽ nhà sáng lập thuộc thế hệ Z nổi tiếng nhất đang chiếm ưu thế. Alexandr Wang (27 tuổi), nhà đồng sáng lập Scale AI vào năm 2016 khi bỏ học tại Viện Công nghệ Massachusetts, đã trở thành một trong những tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới, với giá trị tài sản ròng là 2 tỉ USD.

Scale AI thuê các nhà thầu làm công việc khó khăn là dán nhãn dữ liệu cho các công ty để đào tạo các mô hình học máy. Trong khi Alexandr Wang trở thành chủ đề trên các ấn phẩm lớn, tên tuổi của anh lại ít được biết đến bên ngoài thế giới công nghệ. Scale AI đã không cho Alexandr Wang tham gia phỏng vấn với câu chuyện này.

Cũng có sự thay đổi về cảm xúc giữa những người sáng lập trẻ tuổi: Một số người ít quan tâm đến việc trở thành những nhân vật công chúng lớn và đối mặt với phản ứng dữ dội sau đó.

Họ lớn lên trong hàng loạt hậu quả tiêu cực do những tiến bộ công nghệ nhanh chóng để lại. Họ đã thấy Mark Zuckerberg cười tươi trên bìa tạp chí Wired vào năm 2016 với tiêu đề "Facebook có thể cứu sống bạn?" và chỉ 15 tháng sau, họ lại thấy ông trên bìa với khuôn mặt bầm tím và đầy máu, trong đó có bài viết hé lộ về "cách một gã khổng lồ truyền thông xã hội lúng túng và phòng thủ đã tự đưa mình vào thảm họa".

"Khi hành động nhanh và làm thay đổi mọi thứ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bạn sẽ phải vào tù. Khi hành động nhanh và làm thay đổi mọi thứ trong phương tiện truyền thông xã hội, bạn sẽ phá hủy các cuộc bầu cử", Ibrahim Rashid (27 tuổi), người sáng lập Strong Haulers, cho biết. Strong Haulers là công ty khởi nghiệp giúp mọi người kiểm soát các triệu chứng bệnh tật như COVID-19 kéo dài.

Ibrahim Rashid từng không có ý định trở thành người sáng lập, nhưng kinh nghiệm cá nhân với COVID-19 kéo dài đã cho anh ý tưởng này. Ibrahim Rashid thành lập Strong Haulers vào năm 2022 nhưng vẫn tiếp tục làm việc trong lĩnh vực đầu tư bền vững trong khi phát triển công ty này.

Ibrahim Rashid nói anh theo dõi sát sao câu chuyện của Elizabeth Holmes, người phụ nữ thụ án 11 năm tù vì lừa đảo các nhà đầu tư và nói dối về khả năng chẩn đoán nhiều loại bệnh khác nhau của công nghệ tại hãng Theranos chỉ từ một giọt máu. Ngoài ra, còn có Bankman-Fried và Martin Shkreli, hai người từng có tên trong danh sách Forbes 30 Under 30.

new-york-times-bi-len-an-vi-bai-viet-sieu-lua-co-tung0biet-danh-steve-jobs-phien-ban-nu1.jpg
Elizabeth Holmes ngồi tù 11 năm vì lừa đảo các nhà đầu tư và nói dối về khả năng chẩn đoán nhiều loại bệnh khác nhau của công nghệ tại hãng Theranos chỉ từ một giọt máu - Ảnh: Getty Images

Đã có nhiều những người nổi tiếng trước đây rơi vào sự khinh miệt để khiến danh sách này trở thành "bị nguyền rủa". Năm ngoái, tạp chí Forbes thậm chí còn lập ra Hall of Shame (Đại sảnh Hổ thẹn) cho những người từng nhận giải này bị mất uy tín.

Khi Alexis Barreyat, người đồng sáng lập ứng dụng truyền thông xã hội BeReal, được vinh danh trong danh sách 40 Under 40 của Fortune năm 2022 ở tuổi 27, mục nhập của anh không xuất hiện với ảnh chân dung mà là ảnh đại diện trống. Alexis Barreyat không trả lời các câu hỏi qua email cho câu chuyện này.

Một số nhà sáng lập trẻ cho rằng sự chú ý có thể không đáng được tôn sùng như vậy. "Chúng tôi cố gắng áp dụng nhiều cách tiếp cận bảo thủ hơn. Chúng tôi muốn thành công, nhưng đã thấy sự sụp đổ của việc nổi tiếng có thể tồi tệ như thế nào. Tôi không nghĩ chúng tôi cảm thấy cần phải được tôn sùng như vậy", theo Julian Kage, sinh viên 19 tuổi tại Đại học Chicago thành lập công ty khởi nghiệp xét nghiệm chẩn đoán Exactics cùng những sinh viên đại học khác.

Thay vào đó, Julian Kage cho biết Exactics đã chậm chạp trong việc tương tác với báo chí và phương tiện truyền thông xã hội. Exactics đang bắt đầu tạo nội dung cho phương tiện truyền thông xã hội, chẳng hạn video giáo dục. Tuy nhiên, Julian Kage cho biết công ty muốn khoa học và sản phẩm "tự nói lên tiếng nói của mình", thay vì đảm nhận vai trò là người nói chuyện.

Thế hệ Z coi trọng các giá trị hơn ở nơi làm việc so với các thế hệ trước. Trong một cuộc khảo sát của hãng Deloitte, khoảng 40% lao động trẻ cho biết đã từ chối những nhà tuyển dụng không phù hợp với giá trị của mình hoặc từ chối các nhiệm mà họ thấy là phi đạo đức. Khoảng 35% lao động thuộc thế hệ Millennials cũng cho biết như vậy. Điều đó ảnh hưởng đến cách những người sáng lập nghĩ về công ty và bản thân họ.

Alexandra Debow nói: "Thế hệ Z mong đợi được thoải mái hơn và thể hiện bản thân nhiều hơn".

Với các nhà đầu tư ít chấp nhận rủi ro hơn và sự đổi mới diễn ra ở mức độ gia tăng hơn, Giáo sư Kimberly Eddleston cho biết con đường trở thành chủ doanh nghiệp siêu thành công dường như đang hoạt động ngược lại. Thay vì người ta trở nên nổi tiếng nhờ những ý tưởng của họ, ngày càng nhiều người thu lợi từ sự nổi tiếng với một thương hiệu.

Hãy nghĩ đến dòng sản phẩm làm đẹp của Kylie Jenner hoặc cà phê của YouTuber Emma Chamberlain. Kimberly Eddleston nói đây là những lựa chọn an toàn hơn cho các nhà đầu tư, nhưng có thể bỏ qua sự đổi mới. Bà cho hay: "Tôi lo rằng chúng ta đang mất đi tính cách cá nhân tiên phong của người Mỹ".

Có lẽ chúng ta sẽ không sớm thấy những người sáng lập thuộc thế hệ Z đứng trước đám đông và công bố những sản phẩm hào nhoáng mới nhất của họ. Thế nhưng, những câu chuyện về sự thành công nhanh chóng của họ có thể đã được phóng đại và rằng thực tế khó khăn hơn rất nhiều cho những người sáng lập trẻ tuổi hiện nay.

Dù những người từng bỏ Đại học Harvard táo bạo như Bill Gates và Mark Zuckerberg đã có sức ảnh hưởng lớn đến trí tưởng tượng của công chúng, số người dưới 30 tuổi sở hữu công ty vào năm 2015 (khi thế hệ Millennials chắc chắn chiếm phần lớn trong độ tuổi từ 20 đến 30) giảm 65% so với những năm 1980.

Nghiên cứu của tạp chí Harvard Business Review vào năm 2018 cho thấy những người sáng lập thành công nhất những năm gần đây khởi nghiệp với công ty họ ở độ tuổi trung bình là 45. Điều này không chỉ là tin tốt cho thế hệ Z mà còn cho cả thế hệ Millennials (những người lớn tuổi nhất trong số họ năm nay lên 43). Thành công vẫn có thể đang ở phía chân trời.

Bài liên quan
Trải nghiệm 9 tháng không dùng smartphone của cô gái Gen Z để cai nghiện điện thoại
Ella Jones (cô gái 23 tuổi sống ở Belfast, thủ đô Bắc Ireland) kể về trải nghiệm 9 tháng không dùng smartphone để cai nghiện điện thoại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong 'kỷ nguyên vươn mình'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Theo các chuyên gia, đối với an ninh phi truyền thống (ANPTT), một sự cố nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể bùng phát, trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao chưa có 'Elon Musk hay Mark Zuckerberg tiếp theo' trong thế hệ Z ở Thung lũng Silicon?