Trận động đất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ cùng Syria vào rạng sáng 6.2 khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Người dân ở Ai Cập, Lebanon cũng cảm nhận được dư chấn.
Hà Lan, Iraq, Mỹ và nhiều nước khác ngay lập tức triển khai lực lượng giúp đỡ đồng thời viện trợ y tế. Công tác cứu hộ vẫn đang tiếp diễn.
Điều gì đã xảy ra?
Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra ở độ sâu 18 km và có tâm nằm ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới phía bắc của Syria. Loạt dư chấn sau đó tiếp tục khiến cả hai quốc gia rung chuyển.
Theo nhà nghiên cứu USGS Alex Hatem, chỉ trong 11 giờ đầu khu vực đã hứng chịu 13 dư chấn đáng kể với cường độ ít nhất là 5 độ richter. 9 tiếng sau trận động đất chính, Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu thêm một trận động đất 7,5 độ richter nữa. Các nhà khoa học chưa thể xác định đây có phải dư chấn hay không.
“Với sức mạnh của trận động đất chính thì chắc chắc có thêm nhiều dư chấn hơn. Chúng tôi dự báo dư chấn sẽ kéo dài vài ngày, vài tuần thậm chí vài tháng”, nhà nghiên cứu Hatem lưu ý.
Loại động đất
Các nhà khoa học xác định trận động đất vừa xảy ra là loại động đất trượt ngang: hai mảng kiến tạo trượt qua nhau theo chiều ngang.
Nhà nghiên cứu Eric Sandvol (Đại học Missouri) giải thích Trái đất có nhiều mảng kiến tạo gặp nhau ở các đường đứt gãy. Mảng kiến tạo thường cọ sát vào nhau từ từ, nhưng khi quá căng chúng có thể trượt qua nhau rất nhanh giải phóng lượng lớn năng lượng.
Theo nhà nghiên cứu Hatem, trong trường hợp mới nhất, một mảng di chuyển về phía tây còn mảng kia di chuyển về phía đông nên trượt qua nhau gây động đất. Nhà nghiên cứu Sandvol cho biết dư chấn sẽ giảm dần về sức mạnh lẫn cường độ.
Khu vực này thường xảy ra động đất không?
Trận động đất mới nhất xảy ra ở khu vực hoạt động địa chấn được gọi là đới đứt gãy Đông Anatolian - nơi từng ghi nhận nhiều trận động đất gây thiệt hại nặng nề trong quá khứ.
“Gần như toàn bộ Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong khu vực hoạt động địa chấn. Đây không phải điều gì mới với nước này”, theo nhà nghiên cứu Sandvol.
Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 1.2020 hứng chịu động đất 6,7 độ richter gây thiệt hại đáng kể ở miền đông. Năm 1999 từng xảy ra động đất 7,4 độ richter cướp đi sinh mạng khoảng 18.000 người.
Vì sao trận động đất mới nhất gây thương vong lớn?
Trận động đất mới nhất rất mạnh - hiện tượng hiếm thấy với động đất xảy ra trên đất liền. Nhà nghiên cứu Margarita Sego (Cơ quan Khảo sát địa chất Anh) cho biết thông thường động đất mạnh xảy ra ngoài biển.
Ngoài ra địa điểm xảy ra động đất còn là khu vực đông dân cư: Gaziantep - thủ phủ của tỉnh cùng tên với hơn 2 triệu dân.
Nhà nghiên cứu USGS Kishor Jaiswal còn chỉ ra công trình ở địa điểm bị động đất dễ bị tổn thương.
Không được như miền bắc với nhiều công trình kiến trúc mới đạt chuẩn chống chịu động đất hiện đại, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ có không ít tòa nhà cao tầng cũ kỹ. Còn về phía Syria, tình trạng xây dựng “nóng” cùng thời gian dài chìm trong chiến tranh khiến các công trình kiến trúc kém chất lượng.
Trận động đất mới nhất khiến hàng nghìn công trình sụp đổ, đáng chú ý nhất là hiện tượng sụp theo kiểu “bánh kếp”: tầng trên sụp đè lên tầng dưới - dấu hiệu cho thấy công trình không hấp thụ được rung lắc.
Nỗ lực cứu hộ thì bị cản trở bởi thời tiết lạnh giá, giao thông tắc nghẽn vì người dân khu vực chịu ảnh hưởng tìm cách sơ tán.