Mỹ đã cam kết triển khai nhiều hỏa lực đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2023. Tuy nhiên, các nhà lập pháp và các đồng minh cho rằng điều này đã quá muộn.

Vì sao Mỹ chưa ‘tự tin’ cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?

Hoàng Vũ | 28/12/2022, 06:55

Mỹ đã cam kết triển khai nhiều hỏa lực đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2023. Tuy nhiên, các nhà lập pháp và các đồng minh cho rằng điều này đã quá muộn.

“Năm 2023 có thể sẽ là năm biến đổi nhất trong thế trận lực lượng của Mỹ trong khu vực”, Ely Ratner, trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho biết vào đầu tháng 12.

Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa nói rằng Lầu Năm Góc phải đối mặt với một thách thức khó khăn trong việc thực hiện cam kết đó. Trung Quốc hiện có một lực lượng hải quân đủ lớn - được hỗ trợ bởi sức mạnh không quân và tên lửa đạn đạo "sát thủ tàu sân bay" - thách thức sự thống trị hải quân lâu nay của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và việc hỗ trợ hàng tỉ USD vũ khí cho Đài Loan đang bị trì trệ, do các vấn đề về chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch và cuộc xung đột ở Ukraine.

Hạ nghị sĩ Mike Gallagher, người sẽ trở thành lãnh đạo Ủy ban Trung Quốc Hạ viện, cho biết: “Chúng tôi đã có một cam kết khoa trương về việc thay đổi tư thế lực lượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng thực tế đang diễn ra trái ngược với điều đó”.

“Đối mặt với mối đe dọa quân sự của Trung Quốc sẽ đòi hỏi một cấu trúc lực lượng hải quân lớn hơn chúng ta có trong tương lai gần”, Alexander Gray, cựu chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết.

Lầu Năm Góc đã chi hàng tỉ USD kể từ năm 2021 cho các sáng kiến tập trung vào châu Á, bao gồm bảo trì căn cứ và di dời một số lực lượng Mỹ trong khu vực, nhằm duy trì “lợi thế cạnh tranh” trước quân đội Trung Quốc. Và sự hiện diện quân sự của Washington trong khu vực sẽ trở nên “sát thương hơn, cơ động hơn và kiên cường hơn” trong 12 tháng tới, quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Ely Ratner cho biết.

tau-chien-my.png
Tàu chiến Mỹ triển khai tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - Ảnh: Getty

Tuy vậy, các nhà phê bình cho rằng Mỹ có thể bị tụt lại quá xa để biến mục tiêu đó thành bất khả thi. Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch tạm thời cắt giảm số lượng tàu hải quân và giảm máy bay trong khu vực để chuẩn bị thay thế chúng bằng các phiên bản hiện đại hơn. Và những hạn chế về đóng tàu của Mỹ có thể gây khó khăn cho việc thực hiện kế hoạch giúp Úc chế tạo tàu ngầm hạt nhân – một phần trong chiến lược chung nhằm kiềm tỏa Trung Quốc.

“Cá nhân tôi không tin rằng chúng ta đang tiến đủ nhanh để thay đổi tương quan lực lượng ở Thái Bình Dương theo hướng có lợi cho chúng ta”, Hạ nghị sĩ Don Bacon, thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, cho biết.

Dự luật chính sách quốc phòng mà Tổng thống Biden đã ký thành luật hôm 23.12, bao gồm một điều khoản cho phép khoản tài trợ lên tới 10 tỉ USD để hỗ trợ an ninh cho Đài Loan trong 5 năm tới. Tuy nhiên các nhà lập pháp đã hạn chế khoản tài trợ bằng cách quy định rằng sự hỗ trợ phải ở dạng cho vay, không phải trợ cấp.

Bất chấp những thách thức, Lầu Năm Góc khẳng định rằng họ cam kết ưu tiên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Supple cho biết họ đang theo đuổi các cơ hội “sẽ tăng thêm tính linh hoạt và tăng cường khả năng của quân đội Mỹ để hoạt động trong tương lai với các đồng minh và đối tác”. “Chúng tôi hoàn toàn kỳ vọng việc tiếp tục làm việc chăm chỉ sẽ mang lại kết quả rõ ràng vào năm 2023”, ông Supple nói.

Lực lượng hải quân gồm 340 tàu chiến của Trung Quốc hiện là lực lượng lớn nhất thế giới và Lầu Năm Góc hồi tháng trước đã gọi đây là “lực lượng ngày càng hiện đại và linh hoạt”. Hải quân Mỹ chỉ có 292 tàu.

“Sau một thời gian, vấn đề số lượng trở thành vấn đề chất lượng, và người Trung Quốc đang xây dựng một lực lượng vượt trội về số lượng đến mức nó đang trở thành vấn đề răn đe chính”, Alexander Gray, cựu chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia nhận định

Nhật Bản và Hàn Quốc đều công bố các tài liệu chiến lược an ninh trong tháng này nhằm giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Nhật Bản đã phê duyệt hơn 2 tỉ USD chi tiêu quốc phòng hôm 23.12 để mua hàng trăm tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk. Trong khi đó, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Hàn Quốc - được công bố hôm 26.12 cam kết mở rộng hợp tác an ninh khu vực trong nỗ lực chống lại các mối đe dọa đối với nền dân chủ và bảo vệ các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.

Về phần mình, Lầu Năm Góc hoan nghênh chiến lược mới của Nhật Bản. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã trích dẫn “sự liên kết quan trọng” giữa chiến lược của Nhật Bản và tầm nhìn được vạch ra trong chiến lược Quốc phòng Mỹ.

Nhưng cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều không có các tiêu chuẩn an ninh mạng quân sự cho phép chuyển an toàn dữ liệu quân sự chiến thuật thời gian thực của Mỹ, một số chuyên gia cho biết. Điều đó gây khó khăn cho Mỹ trong việc phối hợp nhanh chóng và an toàn các biện pháp phản ứng quân sự chung với Tokyo và Seoul trong trường hợp xảy ra chiến sự với Trung Quốc.

Mỹ đã lôi kéo một số đồng minh giúp họ chống lại các lợi thế quân sự khu vực ngày càng chênh lệch so với Bắc Kinh. Trong một khu vực chủ yếu là nước, quân đội Mỹ phụ thuộc vào sự hỗ trợ hậu cần từ các đối tác trong khu vực như tiếp cận căn cứ và cảng.

Philippines đang tiến hành xây dựng các dự án quân sự chung với Mỹ. Động thái này có thể là tiền đề đưa hải quân Mỹ quay trở lại căn cứ cũ tại Vịnh Subic sau hơn 30 năm rút quân theo yêu cầu của Manila. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đang chạy đua để gia hạn các thỏa thuận đối tác chiến lược sắp hết hạn với các quốc đảo Thái Bình Dương Palau, Micronesia và Quần đảo Marshall. Những thỏa thuận đó cung cấp cho Mỹ khả năng tiếp cận cảng đáng tin cậy mà từ đó nước này có thể triển khai sức mạnh trên biển và trên không.

“Để mối quan hệ quốc phòng được củng cố và liền mạch… cơ sở hạ tầng phải sẵn sàng như căn cứ hải quân, căn cứ không quân, kho chứa, radar. Nhưng chúng tôi không có những thứ này ở Philippines. Điều đó có nghĩa là Mỹ không thể duy trì chuỗi cung ứng dài từ đảo Guam và Nhật Bản hay Hàn Quốc để phô diễn sức mạnh của mình ở khu vực”, Delfin Lorenzana, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho hay.

Và hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác có thể sẽ miễn cưỡng cung cấp hỗ trợ quân sự hoặc hậu cần trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc do lo ngại phản đòn từ Bắc Kinh. Drew Thompson, cựu quan chức Lầu Năm Góc cho biết: “Các chính phủ như Indonesia và Malaysia chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ trả đũa họ nếu họ được coi là đứng về phía Mỹ”.

Bài liên quan
Trung Quốc chạy đua tích trữ chip từ Mỹ trước khi ông Trump tăng cường lệnh trừng phạt
Khi lệnh hạn chế công nghệ từ Mỹ có thể gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, lượng mạch tích hợp Mỹ được nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng vọt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Mỹ chưa ‘tự tin’ cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?