Hai thị trường lớn chuyên nhập khẩu tôm Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đã có dấu hiệu chững lại từ tháng 5 và giảm mạnh trong tháng 7.

Vì sao Mỹ, Trung Quốc giảm mua tôm Việt Nam?

Tuyết Nhung | 31/08/2022, 17:30

Hai thị trường lớn chuyên nhập khẩu tôm Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đã có dấu hiệu chững lại từ tháng 5 và giảm mạnh trong tháng 7.

2bdc1d6a-711e-4f85-8f20-1d5ec271b716.jpeg

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 7 xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục đà giảm của tháng 6, chỉ đạt trên 381 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số các thị trường xuất khẩu chính, xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc giảm, lần lượt 54% và 17%. Xuất khẩu sang các thị trường còn lại như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc vẫn giữ được đà tăng trưởng.

Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong 5 tháng đầu năm, sau đó bắt đầu giảm nhẹ trong tháng 6 và giảm sâu hơn trong tháng 7. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu tôm đạt 2,65 tỉ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ bắt đầu chững từ tháng 5, giảm 36% trong tháng 6 và tiếp tục giảm 54% trong tháng 7. Tính 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 550 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng nhập khẩu tôm của Mỹ từ các nguồn cung đã chững lại kể từ tháng 5. Nguyên nhân được cho là tồn kho cao. Các vấn đề về logistics, vận tải như tắc cảng, giá cước vận chuyển tăng, thiếu kho lạnh cũng khiến nhập khẩu tôm của Mỹ giảm. Sức mua thủy sản trong đó có tôm tại phân khúc bán lẻ cũng giảm do hiện là mùa hè, người ta có nhiều việc khác để quan tâm hơn.

Lạm phát tại Mỹ khiến người dân chi tiêu dè dặt. Tuy nhiên thời gian tới, tình hình sẽ khả quan hơn khi thị trường việc làm Mỹ đang mạnh. Việc làm không thiếu sẽ khiến thu nhập của người tiêu dùng tốt hơn và có thể thúc đẩy chi tiêu đối với tôm. Dự báo giá tôm tại Mỹ cũng chịu áp lực giảm trong nửa sau năm 2022.

Sau khi ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 7 giảm 17%, chỉ đạt 38 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 371 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù kinh tế Trung Quốc đã mở cửa trở lại và nới lỏng các quy định liên quan đến COVID-19 tại các cảng biển nhưng các quy định về nhập khẩu vẫn rất khắt khe, tạo ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Trên thị trường Trung Quốc, các nhà cung cấp tôm của Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh với các nhà cung cấp từ Ecuador. Ecuador đang có chiến lược đẩy mạnh xuất hàng sang Trung Quốc để bù đắp cho lượng xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm.

Xuất khẩu tôm sang thị trường EU trong tháng 7 vẫn tăng 16% so với cùng kỳ nhờ trợ lực từ Hiệp định EVFTA. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng 7 vẫn tăng trưởng khá ổn định là 5% và 22%. Cước tàu tới Nhật Bản và Hàn Quốc không cao như tới các nước phương Tây, lạm phát tại các nước này cũng  chưa phải là vấn đề quá căng thẳng. Đây được coi là các yếu tố giúp duy trì đà tăng trưởng ổn định trong xuất khẩu tôm sang hai thị trường này.

Bài liên quan
Anh chặn vụ công ty Trung Quốc định thâu tóm công ty phần mềm
Thương vụ thâu tóm đơn vị thiết kế phần mềm Pulsic ở thành phố Bristol được thực hiện bởi Công ty Super Orange HK trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã bị chính phủ Anh ngăn chặn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Mỹ, Trung Quốc giảm mua tôm Việt Nam?