Thời gian gần đây, những tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM ngày một gia tăng, nhiều trường hợp làm đẹp rơi vào tình trạng nguy kịch, thậm chí không ít người đã mãi mãi “ra đi” sau những cuộc trùng tu nhan sắc.
4 nguyên nhân làm gia tăng tai biến
Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn TP.HCM đã xuất hiện hàng loạt trường hợp tử vong sau khi phẫu thuật làm đẹp. Đó là người phụ nữ 50 tuổi có tên N.T.N.T.(ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) đến Bệnh viện Thẩm mỹ Gangwhoo (số 576-578 đường Cộng Hòa, phường 13, quận Tân Bình, TP HCM) để hút mỡ bụng bị nguy kịch. Mặc dù được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị tích cực nhưng chị T. cũng đã tử vong ngay sau đó.
Đau lòng hơn là chị H.T.N. (32 tuổi, quê Cà Mau) đã phải bỏ mạng sau khi hút mỡ bụng tại Viện thẩm mỹ Quốc tế Vera (số 104 đường Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) – nơi mình đang làm cộng tác viên. Chính chị N. là người đăng thông tin của Viện thẩm mỹ Quốc tế Vera lên mạng xã hội với lời quảng cáo, nơi đây làm đẹp chất lượng, uy tín để giới thiệu cho nhiều người. Tất nhiên, mỗi lần giới thiệu khách đến làm đẹp, chị N. được thẩm mỹ viện này trả “hoa hồng”. Nhưng không ngờ, đến một ngày thẩm mỹ viện mà N. giới thiệu cho mọi người là có chất lượng cao, uy tín cao đã biến mình trở thành nạn nhân và chết một cách tức tưởi.
Mới đây nhất, một phụ nữ 61 tuổi đến phẫu thuật cấy mỡ ngực tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn (số 666 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình) cũng bị tử vong dù được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy kịp thời để hỗ trợ đặt ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo).
Không chỉ có các bệnh viện thẩm mỹ, các cơ sở làm đẹp tư nhân mà ngay cả một bệnh viện công như Bệnh viện 1A sau khi nâng ngực cho chị N.T.N.N. (33 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng khiến người phụ nữ này tử vong tại chỗ.
Phân tích về thực trạng những sự cố y hoa trong phẫu thuật thẩm mỹ tại hội nghị khoa học: “Ứng xử ra sao với sự cố ý khoa”do báo Tiền Phong tổ chức hôm 26.5, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung – Tổng giám đốc Bệnh viện JW Hàn Quốc đã chỉ ra 4 nguyên nhân, đó là thiếu an toàn, thẩm mỹ “chui”, bác sĩ “ dỏm” và thị trường phẫu thuật thẩm mỹ đang “loạn”.
Theo bác sĩ Tú Dung, trong những năm gần đây, ngành phẫu thuật thẩm mỹ tại Việt Nam đang bùng nổ. Điều đáng nói, hàng nghìn cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ “chui” không được cấp phép vẫn đang “miệt mài làm đẹp”. Điều đó đã khiến cho trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 25.000 đến 35.000 ca phẫu thuật thẩm mỹ bị biến chứng, chiếm tỷ lệ lên đến 14% tổng số người phẫu thuật thẩm mỹ.
Trong số các cơ sở thẩm mỹ đang hoạt động tại Việt Nam, các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ rất ít, còn các phòng khám da liễu thực hiện thẩm mỹ lại chiếm một số lượng lớn. Những phòng khám da liễu này dù không được phép thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng vẫn ngang nhiên thực hiện thủ thuật này.
Theo thống kê của Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, số phòng khám da liễu thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ chiếm đến 56%, kế đến là phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ chiếm 38%, bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ 4%, còn khoa tạo hình thẩm mỹ thuộc bệnh viện chỉ có 2%.
Bác sĩ Tú Dũng cũng cho hay, chỉ tính từ năm 2019 đến nay, Bệnh viện JW Hàn Quốc đã tiếp nhận đến trên 500 ca phẫu thuật thẩm mỹ bị biến chứng. Trong đó phần lớn là các biến chứng ở mắt, mũi, tiêm filler…Những cơ sở làm đẹp gây biến chứng chủ yếu là người thực hiện không phải bác sĩ; cơ sở không đảm bảo an toàn, không được cấp phép; vật liệu y tế không rõ nguồn gốc.
“Thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân thiếu kiến thức về lựa chọn cơ sở uy tín, đặt niềm tin sai địa chỉ làm đẹp, ham rẻ, làm đẹp theo trào lưu và giấu bệnh nền. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước chưa kiểm soát vấn đề cấp phép hoạt động, chưa kiểm tra chứng chỉ hành nghề của bác sĩ hoạt động, thiếu sự răn đe mạnh tay với các cơ sở sai phạm, thiếu tuyên truyền cho người dân”, bác sĩ Tú Dung nói.
Làm sao để giảm những tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ?
Chia sẻ về những sự cố trong y khoa nói chung và phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng, BS.CK2 Bùi Nguyễn Thành Long – Phó phòng nghiệp vụ Y (Sở Y tế TP.HCM), cho rằng có đến 70% là do lỗi hệ thống, còn lại 30% là lỗi cá nhân.
Trong đó lỗi hệ thống thường bị bỏ qua, các chính sách chưa phù hợp, các quy định chưa lấy người bệnh làm trung tâm; quá tải, phân bổ nhân lực không hợp lý, thiếu trang thiết bị; thiếu kiểm tra, giám sát; văn hóa “đổ lỗi”…Đối với những lỗi cá nhân thường là do tắc trách, làm theo thói quen, bỏ qua các quy định, năng lực chuyên môn, không được đào tạo đủ, thiếu kinh nghiệm…
Nói về giải pháp để thay đổi ngành phẫu thuật thẩm mỹ nhằm hạn chế những tai biến, bác sĩ Tú Dung cho rằng, điều quan trọng nhất là các cơ quan nhà nước phải giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên; người đứng đầu các cơ sở thẩm mỹ phải đặt cái tâm, đạo đức nghề nghiệp lên đầu và các cơ quan truyền thông tuyên truyền, định hướng người dân thẩm mỹ an toàn.
Muốn làm được điều này, các cơ quan nhà nước phải giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ, xử phạt nghiêm minh những cơ sở vi phạm, giải thể ngay những cơ sở thẩm mỹ chui. Đối với người đứng đầu các cơ sở thẩm mỹ phải đặt yếu tố an toàn của khách hàng lên hàng đầu; tuân thủ quy trình phẫu thuật theo quy chuẩn của Bộ Y tế; nguồn lực phải đạt chuẩn ngành y và trang thiết bị y tế đầy đủ; không ngừng cập nhật, nâng cao chất lượng chuyên môn và công nghệ; tiếp nhận những phản hồi và cải thiện những yếu điểm.
Theo ông Bùi Nguyễn Thành Long, con người, cơ sở vật chất, chuyên môn, hệ thống là 4 trụ cột chính để bảo đảm an toàn cho người bệnh.
Hiện Hội đồng quản lý chất lượng khám, chữa bệnh (Sở Y tế TP.HCM) đã cho ra mắt sổ tay “khuyến cáo tăng cường triển khai hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện”. Theo đó, vấn đề an toàn người bệnh là ưu tiên số 1 trong mọi hoạt động. Việc này đòi hỏi phải vận dụng nhiều phương thức và công cụ quản lý khác nhau, đầu tư nguồn lực cho hoạt động đảm bảo an toàn người bệnh.