Mặc dù Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình tiền lương, tiền thưởng tết... trước ngày 27.12, nhưng đến hôm nay là 28.12, đa số các địa phương vẫn chưa có báo cáo.

Vì sao nhiều địa phương chưa báo cáo thưởng tết?

Tin và ảnh: Tuyết Nhung | 28/12/2020, 14:12

Mặc dù Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình tiền lương, tiền thưởng tết... trước ngày 27.12, nhưng đến hôm nay là 28.12, đa số các địa phương vẫn chưa có báo cáo.

Trước bối cảnh nền kinh tế, xã hội chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, để tăng cường công tác hỗ trợ, giám sát thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện giáp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đầu tháng 12 đã đề nghị các địa phương chủ động phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, Liên đoàn lao động và các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống công nhân lao động.

thuong-tet(1).jpg

Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng, nợ lương của doanh nghiệp trên địa bàn trước ngày 27.12.

Đến ngày hôm nay (28.12), đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận vẫn nhiều địa phương chưa gửi báo cáo về tình hình thưởng tết. Tình hình gửi báo cáo của các địa phương thường chậm so với thông báo của Bộ khoảng 2 tuần vì khi Bộ gửi báo cáo cho Sở, các Sở mới gửi xuống doanh nghiệp.

Một số Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương cho rằng năm nay các doanh nghiệp sẽ chậm gửi báo cáo hơn so với mọi năm vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số khu vực ở miền Trung còn thiệt hại nặng nề bởi bão lũ. Vì vậy, các doanh nghiệp phải cân đối tài chính, chốt lại các khoản nợ ngắn hạn, dài hạn... từ đó mới lên được lương thưởng và nợ tết.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết hiện chưa có con số thống kê chính thức về tình hình thưởng tết ở các doanh nghiệp. Dự kiến Hà Nội sẽ thông báo chính thức trong tháng 12 âm lịch. Hiện mới có một số doanh nghiệp gửi báo cáo về Sở.

Một trong những địa phương báo cáo sớm nhất năm nay là Đà Nẵng. Cụ thể, ngày 27.12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng đã công bố số liệu khảo sát về tiền lương năm 2020, thưởng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trong các doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo đó, tiền thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 cao nhất ở đây là 127 triệu đồng thuộc về nhóm doanh nghiệp FDI. Ở nhóm này, thấp nhất là 358.000 đồng, bình quân người quản lý là hơn 15 triệu đồng và bình quân người lao động là gần 4,5 triệu đồng.

Đối với các công ty TNHH MTV do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, tiền thưởng cao nhất là 42 triệu đồng, thấp nhất là 500.000 đồng, bình quân người quản lý là 9,6 triệu đồng và bình quân người lao động là gần 8 triệu đồng.

Đối với các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước, tiền thưởng cao nhất là 63,5 triệu đồng, thấp nhất là 1 triệu đồng, bình quân người quản lý là 12,7 triệu đồng và bình quân người lao động là 10,7 triệu đồng.

Đối với các doanh nghiệp dân doanh, tiền thưởng cao nhất là 75 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng, bình quân người quản lý là 12,7 triệu đồng và bình quân người lao động là 6,1 triệu đồng.

Tiền thưởng tết dương lịch năm 2021 đối với các công ty TNHH MTV do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ cao nhất là 27 triệu đồng, thấp nhất là 300.000 đồng, bình quân người quản lý là 2,6 triệu đồng và bình quân người lao động là 2,5 triệu đồng.

Đối với các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của nhà nước, tiền thưởng cao nhất là 26,6 triệu đồng, thấp nhất là 200.000 đồng, bình quân người quản lý là 6,6 triệu đồng và bình quân người lao động là 4 triệu đồng.

Đối với các doanh nghiệp dân doanh, tiền thưởng cao nhất là 30 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng, bình quân người quản lý là gần 2 triệu đồng và bình quân người lao động là 1,3 triệu đồng.

Đối với các doanh nghiệp FDI, tiền thưởng cao nhất là 83,4 triệu đồng, thấp nhất là 200.000 đồng, bình quân người quản lý là 21,8 triệu đồng và bình quân người lao động là hơn 10 triệu đồng.

Đặc biệt, Tết Tân Sửu năm 2021 là năm đầu tiên có hiệu lực của Bộ luật Lao động 2019, trong đó quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Như vậy, việc thưởng tết trong năm 2021 sẽ có nhiều thay đổi so với năm cũ, doanh nghiệp nào khó khăn về nguồn thu thì có thể thưởng bằng tài sản, hiện vật hay là bằng chính sản phẩm của công ty.

Được biết, báo cáo thưởng tết không phải là quy định bắt buộc, đây là thông tin thị trường đáp ứng nhu cầu xã hội, thuộc phạm vi quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bài liên quan
Các địa phương phải báo cáo kế hoạch thưởng Tết trước 31.12
Các doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động biết kế hoạch thưởng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 và các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải gửi báo cáo về Bộ trước 31.12.2016.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp các Tổng thống Guinea-Bissau, Madagascar và Ghana
2 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, tại Lâu đài Villers-Cotterêts, Pháp, chiều 4.10.2024 (giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp xúc ngắn với Tổng thống Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embaló, Tổng thống Madagascar Andry Nirina Rajoelina và Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Akuffo-Addo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao nhiều địa phương chưa báo cáo thưởng tết?