Khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sang thăm Anh tuần trước, một số người nói đùa trên mạng xã hội rằng: “Bà có thể đem cho chúng tôi ít cà chua được không?”.
Trong 2 tuần qua, người dân Anh phải mua các loại rau củ chính của món salad như cà chua, dưa leo (dưa chuột) theo khẩu phần giới hạn do tình trạng thiếu hụt rau củ. Tại nhiều cửa hàng, quầy bán hàng tươi sống trống trơn, còn các siêu thị thì áp đặt giới hạn số túi rau củ salad hoặc ớt chuông cho người mua.
Giới chức Anh đổ lỗi cho thời tiết xấu ở Tây Ban Nha cùng Bắc Phi - nơi đảo quốc sương mù nhập khẩu hầu hết trái cây lẫn rau củ, đồng thời nhắc nhở tình trạng thiếu hụt này có thể kéo dài đến 1 tháng. Nhưng nhiều người chỉ ra rằng, các quốc gia châu Âu khác không rơi vào cảnh tương tự, một số thì đổ lỗi cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Chính phủ Anh bác bỏ ý kiến xem Brexit là nguyên nhân. Nhưng người tiêu dùng rất tức giận và chế giễu lời khuyên từ Bộ trưởng Môi trường Therese Coffey rằng "trân trọng sản phẩm nội địa, ăn nhiều củ cải hơn là thực phẩm nhập khẩu".
Theo giới chuyên gia, Brexit cũng là nguyên nhân góp phần gây ra thiếu hụt này ở Anh. Loạt yếu tố đáng chú ý khác là Anh phụ thuộc quá mức vào hàng nhập khẩu trong mùa đông, chi phí năng lượng tăng cao, các siêu thị lớn triển khai chiến lược cạnh tranh giá.
Thời tiết lạnh giá, chi phí năng lượng tăng cao
Nhiệt độ lạnh bất thường tại Tây Ban Nha, mưa lớn cùng lũ lụt ở Morocco - hai quốc gia cung cấp cà chua hàng đầu của Anh - khiến sản lượng sụt giảm mạnh. Đây được coi là nguyên nhân chính gây ra sự thiếu hụt.
Tại tỉnh Almeria, nơi sản xuất 40% lượng rau củ tươi xuất khẩu của Tây Ban Nha, sản lượng cà chua, dưa chuột và cà tím ở 3 tuần đầu tháng 2 giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Các đơn vị xuất khẩu trái cây và rau củ Tây Ban Nha (FEPEX) cho biết tình hình đang cải thiện.
Nắng nóng cùng hạn hán tại châu Âu năm ngoái cũng ảnh hưởng đến mùa vụ một số nước khác, trong đó có Đức.
Một quốc gia xuất khẩu cà chua lớn khác là Hà Lan lại bị giảm sản lượng vì chi phí năng lượng tăng cao. Nhiều nông dân không trả nổi tiền điện cho việc bật đèn LED sưởi ấm trong nhà kính.
Ngay tại Anh, một số nông dân cũng buộc phải bỏ trống nhà kính. Richard Diplock - Giám đốc điều hành nông trại Green House Growers - cho biết chi phí năng lượng của đơn vị mình tăng gấp 6 lần các mùa đông trước.
“Chúng tôi xác định bản thân không đủ khả năng sưởi ấm nhà kính vào tháng 12 và tháng 1. Chúng tôi cũng ngừng trồng vào tháng 2. Rất nhiều đơn vị trồng cà chua cũng trong tình cảnh tương tự”, theo Giám đốc Diplock.
Brexit gây thất vọng
Tình trạng thiếu hụt ở Anh tương phản với cảnh các quầy hàng rau củ đầy ắp tại châu Âu làm dấy lên tâm lý thất vọng về Brexit.
Giới chuyên gia nhận định, thủ tục cùng chi phí bổ sung do Brexit dù không phải nguyên nhân chính nhưng có góp phần gây thiếu hụt.
“Một giả thuyết cho việc xuất khẩu sang Anh ít đi là nếu nguồn cung hạn chế thì tại sao bạn phải làm thêm thủ tục giấy tờ để xuất sang Anh chứ? Chi phí giao dịch quyết định nơi hàng hóa đến. Brexit chắc chắn làm trầm trọng hóa vấn đề, nhưng tôi không nghĩ chuyện này có tác động lớn. Nguyên nhân lớn hơn đến từ biến đổi khí hậu và thiếu đầu tư vào ngành”, theo giáo sư nông nghiệp Michael Winter (Đại học Exeter).
Cạnh tranh giá
Nông dân cho biết, một nguyên nhân nữa là các siêu thị lớn cố gắng duy trì tính cạnh tranh bằng chiến lược giữ giá ở mức thấp, ngay cả khi giá thực phẩm tăng vọt.
Ở một số nước thành viên Liên minh châu Âu như Đức, rau củ đầy ắp nhưng giá cả tăng vọt. Các siêu thị Anh lại không muốn trả thêm tiền hay tăng giá.
“Giá dưa leo tại Anh luôn là 75 pence bất kể thời điểm nào. Các nhà sản xuất ở Bắc Phi và Tây Ban Nha sẽ có lợi nhuận tốt hơn nếu cung cấp cho các siêu thị châu Âu khác”, Giám đốc Diplock cho biết.
Thiếu đầu tư
Giám đốc Diplock nhận định, cho dù chi phí năng lượng không tăng thì nông dân Anh cũng khó bù đắp lượng rau củ nhập khẩu thiếu hụt.
Trong mùa đông, cà chua và dưa chuột sản xuất nội địa chiếm chưa tới 5% lượng hàng tại các siêu thị Anh.
Liên minh Nông dân quốc gia Anh nhiều lần cảnh báo việc phụ thuộc quá mức vào hàng nhập khẩu khiến đảo quốc sương mù dễ bị "tổn thương" trước hiện tượng thời tiết bất thường, cùng loạt yếu tố bên ngoài chẳng hạn như cuộc chiến tại Ukraine.
Nông dân Anh cũng phàn nàn rằng chính phủ thiếu đầu tư vào nông nghiệp, không cấp kinh phí giúp họ chống chọi với khó khăn khi chi phí năng lượng tăng cao.