Đồng đô la Mỹ (USD) đóng vai trò là trụ cột của nền kinh tế toàn cầu và được coi là đồng tiền an toàn nhất để nắm giữ.

Vì sao USD vẫn thống trị, euro bị bán phá giá sau khi Nga tấn công Ukraine?

Sơn Vân | 06/03/2022, 23:22

Đồng đô la Mỹ (USD) đóng vai trò là trụ cột của nền kinh tế toàn cầu và được coi là đồng tiền an toàn nhất để nắm giữ.

Đồng đô la Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ mùa xuân năm 2020 vào tuần trước khi lo ngại gia tăng về việc cuộc chiến của Nga ở Ukraine sẽ lan rộng qua nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính.

Một lý do giải thích cho sự gia tăng mạnh mẽ của đồng đô la Mỹ: Các nhà đầu tư quyết định không muốn giữ euro nữa do châu Âu gần với nơi xảy ra xung đột. Họ bán phá giá đồng tiền chung của khối này và thay vào đó mua đô la Mỹ.

Chiến lược gia Francesco Pesole của ING (ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia Hà Lan) nói: “Các thị trường châu Âu không hấp dẫn trong thời điểm này, đơn giản vì sự tiếp xúc về mặt địa lý của họ với Ukraine và Nga”.

Chứng khoán Mỹ đã hoạt động tốt hơn so với chứng khoán châu Âu kể từ khi Nga tấn công Ukraine vì nền kinh tế Mỹ cách ly hơn với chiến tranh và những hậu quả của nó.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục vào tuần trước do lo ngại về những gì sẽ xảy ra với năng lượng xuất khẩu từ Nga.

Nền kinh tế Mỹ trông vẫn khỏe mạnh mặc dù lạm phát cao: 678.000 việc làm đã được bổ sung vào tháng 2.2022, dữ liệu công bố hôm 4.3 cho thấy, phá vỡ các dự báo.

Thêm vào đó, đồng đô la Mỹ đã tăng giá sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói rằng ngân hàng trung ương có mục tiêu bắt đầu tăng lãi suất vào cuối tháng này, mặc dù tình hình ở Ukraine đã làm mờ triển vọng. Lãi suất cao hơn sẽ giúp thu hút vốn từ nước ngoài, đặc biệt là nếu các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu buộc phải trì hoãn việc tăng lãi suất của chính họ lâu hơn.

Đô la Mỹ chiếm 60% dự trữ toàn cầu vào năm 2021.

Francesco Pesole nói: "Các thị trường và ngân hàng trung ương muốn giữ đồng đô la Mỹ vì nó là một loại tiền tệ rất thanh khoản. Nó có thể giao dịch cao. Nó được hỗ trợ bởi một nền kinh tế rất mạnh và vững chắc".

Đồng đô la Mỹ mạnh hơn có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty kiếm được tiền ở nước ngoài, nhưng mối quan tâm lớn hơn là sự đi lên của đồng đô la Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các nền kinh tế mới nổi, vốn thường phải trả nợ bằng đô la Mỹ.

Đã có một số lo lắng về việc liệu sự sụp đổ kinh tế Nga có khiến các nhà đầu tư từ bỏ các thị trường rủi ro hơn như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ hay Mexico hay không. Sự tăng giá của đồng đô la Mỹ có thể gây thêm áp lực.

Đã có một số cuộc bàn tán về việc liệu cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể làm lung lay sự thống trị của đồng đô la Mỹ, củng cố quyết tâm của Nga cùng Trung Quốc phát triển các cơ chế tài chính thay thế, sẽ làm cho các lệnh trừng phạt của phương Tây kém hiệu quả hơn theo thời gian. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra trong ngắn hạn.

Francesco Pesole nói: “Không có dấu hiệu nào cho thấy sự thống trị của đồng đô la Mỹ đang bị thu hẹp lại. Đây là một kịch bản chỉ có trong dài hạn”.

vi-sao-usd-van-thong-tri-toan-cau-euro-bi-ban-pha-gia-khi-nga-tan-cong-ukraine.jpeg
Cuộc chiến ở Ukraine khó có thể làm lung lay sự thống trị của đồng đô la Mỹ

Cuộc tấn công Ukraine của Nga đã làm biến đổi nền kinh tế toàn cầu

Chỉ chưa đầy một tuần, cuộc chiến ở Ukraine đã làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu, khi các biện pháp trừng phạt nhanh chóng từ phương Tây đã cô lập Nga, làm sụp đổ tiền tệ và tài sản tài chính của nước này, đồng thời khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt.

Nền kinh tế 1,5 ngàn tỉ USD của Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Một tháng trước, Nga đang làm ăn bội thu trong lĩnh vực năng lượng, xuất khẩu hàng triệu thùng dầu thô mỗi ngày với sự trợ giúp từ các công ty dầu mỏ lớn của phương Tây; các thương hiệu phương Tây đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ở Nga và các nhà đầu tư đã cho các công ty của nước này vay.

Giờ đây, một loạt các biện pháp trừng phạt đã khiến các ngân hàng lớn nhất Nga lao đao, các thương nhân đang tránh xa các thùng dầu thô Urals (dầu đặc trưng của Nga) và các công ty phương Tây đang tháo chạy khỏi Nga hoặc đóng cửa hàng. Chứng khoán Nga đã bị loại khỏi các chỉ số toàn cầu và giao dịch của một số công ty Nga đã bị tạm dừng ở New York, London.

Cuộc tấn công Ukraine của Nga đã vấp phải phản ứng chưa từng có từ Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Nhật Bản, Úc và các quốc gia khác. Ngay cả Thụy Sĩ, vốn nổi tiếng là nước trung lập, đã cam kết áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga.

Các lệnh trừng phạt đã khiến hai ngân hàng lớn nhất Nga, Sberbank và VTB, không được giao dịch bằng đô la Mỹ. Phương Tây cũng đã loại bỏ nhiều ngân hàng Nga, bao gồm cả VTB, khỏi SWIFT - dịch vụ nhắn tin toàn cầu kết nối các tổ chức tài chính và tạo điều kiện cho các khoản thanh toán nhanh chóng, an toàn.

Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp - Bruno Le Maire, EU đang cố gắng ngăn chặn việc ngân hàng trung ương Nga bán đô la Mỹ và các ngoại tệ khác để bảo vệ đồng rúp và nền kinh tế của nước này.

Oliver Allen, nhà kinh tế thị trường tại công ty Capital Economics, cho biết: “Các nền dân chủ phương Tây đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi theo đuổi chiến lược gây áp lực kinh tế mạnh mẽ lên Nga thông qua việc loại bỏ nước này khỏi thị trường tài chính toàn cầu một cách hiệu quả. Nếu Nga tiếp tục con đường hiện tại của mình, rất dễ nhận thấy các biện pháp trừng phạt mới nhất có thể chỉ là những bước đầu tiên trong việc cắt đứt nghiêm trọng và lâu dài các mối quan hệ tài chính, kinh tế của Nga với phần còn lại của thế giới".

Bài liên quan
Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine dùng smartphone chống xe tăng Nga
Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine, đang nhờ cậy các gã khổng lồ công nghệ tẩy chay Nga, thúc giục hacker tham gia cuộc tấn công và đề nghị Elon Musk di chuyển vệ tinh để mang lại lợi ích cho người dân Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao USD vẫn thống trị, euro bị bán phá giá sau khi Nga tấn công Ukraine?