Hình ảnh những nhân viên y tế mặc bộ đồ bảo hộ Hazmat để xịt khử trùng trên đường phố, mặt tiền các tòa nhà, ghế đá công viên, thậm chí cả bưu kiện... đã trở thành hình ảnh phổ biến ở Trung Quốc thời đại dịch.

Vì sao việc khử trùng hàng loạt tại Trung Quốc gây lãng phí và tiềm ẩn nhiều rủi ro?

Đan Thuỳ | 04/05/2022, 11:02

Hình ảnh những nhân viên y tế mặc bộ đồ bảo hộ Hazmat để xịt khử trùng trên đường phố, mặt tiền các tòa nhà, ghế đá công viên, thậm chí cả bưu kiện... đã trở thành hình ảnh phổ biến ở Trung Quốc thời đại dịch.

Nằm trong nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu loại bỏ các ca COVID-19 trong cộng đồng, thành phố Thượng Hải đã điều động khoảng 160.000 lượt người/ngày nhằm tiến hành khử trùng môi trường đối với 13.000 khu dân cư trong thành phố. Gần 1 triệu kiện hàng chuyển phát nhanh cũng được khử khuẩn mỗi ngày. Hiện có hơn 6.000 nhân viên y tế đang tham gia vào công việc khử trùng trên toàn thành phố. Đây là động thái mà chính phủ Trung Quốc coi là chìa khóa giúp hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron.

Bất kỳ khu vực ngoài trời nào cũng có nguy cơ trở thành mục tiêu của các đội phun khử trùng. Chính sách "Zero-COVID" nghiêm ngặt của Trung Quốc đã gây nên sự ám ảnh về việc phải khử trùng mọi thứ.

Ở một số khu vực lân cận thành phố, các trạm sản xuất hóa chất đặc biệt đã được thiết lập, trong khi ở những nơi khác, các phương tiện được trang bị bồn chứa hóa chất và các thiết bị để thực hiện việc khử trùng đường phố. Robot khử trùng đã được triển khai tại các ga đường sắt và được thiết lập để tuần tra tại một số trung tâm kiểm dịch.

anh-chup-man-hinh-2022-05-04-luc-10.25.59.png

Song những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt như thế này có thể gây ra sự lãng phí thời gian, công sức và nguồn lực. Các chuyên gia y tế cho biết việc lây lan vi rút qua các bề mặt là đặc biệt thấp và việc khử trùng các khu vực ngoài trời như công viên và đường phố phần lớn là vô nghĩa, thậm chí chúng còn gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Ông Nicholas Thomas, Phó giáo sư tại Đại học Hồng Kông cho biết: "Phun khử trùng trên đường phố là những hoạt động được thiết lập để củng cố lòng tin của người dân vào các biện pháp chống dịch của chính phủ". 

Khử trùng hàng loạt là một phần của chiến dịch lâu dài ở Trung Quốc nhằm chống lại nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), việc một người chạm vào bề mặt hoặc tiếp xúc với một vật nào đó sẽ không làm người đó dễ dàng mắc bệnh. Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm vi rút là vẫn có, dù tỷ lệ phần trăm rất thấp. 

Theo Emanuel Goldman, Giáo sư vi sinh tại Trường Y Rutgers-New Jersey (Mỹ), việc khử trùng hàng loạt không phải là một phần của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở các nước phương Tây.

"Rất ít có khả năng lây nhiễm COVID-19 qua tiếp xúc bề mặt. Vi rút sẽ chết nhanh chóng trong môi trường bên ngoài cơ thể người bị nhiễm bệnh và lây nhiễm vi rút rất kém qua việc tiếp xúc bằng ngón tay. Rửa tay bằng xà phòng, hoặc khăn lau tay bằng cồn là tất cả những gì bạn cần để giảm tỷ lệ mắc bệnh xuống 0", Emanuel Goldman nói.

Ở Trung Quốc, mối lo ngại về sự lây lan của vi rút qua các bề mặt đã có từ những tháng đầu của đại dịch, đặc biệt là sau khi các quan chức Trung Quốc cho biết một đợt bùng phát dịch bệnh tại một khu chợ ở Bắc Kinh có thể bắt nguồn từ việc một công nhân bị nhiễm bệnh do xử lý cá hồi đông lạnh nhập khẩu bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. 

Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng "rất khó có khả năng" mọi người có thể nhiễm COVID-19 qua thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm, song các nhà chức trách Trung Quốc đã nhiều lần chỉ ra hàng nhập khẩu đông lạnh hoặc các bề mặt bị ô nhiễm khác, như trên máy bay hoặc thậm chí là thư quốc tế là vật trung gian truyền bệnh.

Điều này đã dẫn đến một loạt các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt ở Trung Quốc như kiểm tra bề mặt hàng nhập khẩu để tìm dấu vết của vi rút và khử trùng hàng loạt hàng đông lạnh từ nước ngoài. Một số thành phố khác tại Trung Quốc đã triển khai việc khử trùng thư và bưu kiện quốc tế, mặc dù các chuyên gia y tế cho biết không có đủ bằng chứng cho thấy những vật dụng như vậy có thể mang vi rút.

Khi Trung Quốc tìm cách điều chỉnh lại câu chuyện xung quanh nguồn gốc của vi rút SARS-CoV-2, lần đầu tiên được phát hiện ở nước này, các quan chức đã đưa ra giả thuyết rằng vi rút có thể đã được lây lan qua hàng đông lạnh. Song giả thuyết này đã bị các chuyên gia quốc tế bác bỏ.

"Đối với chính sách "Zero-COVID" của Trung Quốc, đây là một rủi ro đáng kể. Tuy nhiên, đối với hầu hết các quốc gia hiện nay, điều này có thể không đáng lo ngại", Leo Poon, Giáo sư tại Trường Y tế công cộng của Đại học Hồng Kông chia sẻ. 

Ở Thượng Hải, nơi nguồn lực y tế vốn đã thiếu thốn do thành phố phải vật lộn với tình trạng bị đóng cửa kéo dài hằng tuần, việc triển khai các tình nguyện viên và nhân viên y tế cho mục đích khử trùng có thể trở thành rủi ro sai lầm.

 “Thực sự việc khử trùng hàng loạt khu vực ngoài trời không có ý nghĩa gì", Dale Fisher, Giáo sư tại Trường Y Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

Ông Goldman cũng cho rằng việc khử trùng hàng loạt cũng mang lại những mặt trái vì người dân có thể bị tổn hại sức khỏe khi tiếp xúc với những chất độc hại trong thuốc khử trùng.

Mặc dù WHO ủng hộ việc khử trùng bề mặt như lau các tay nắm cửa ở những khu vực công cộng, nhưng hướng dẫn của WHO cho biết "việc phun chất khử trùng, ngay cả ngoài trời, có thể gây độc hại cho sức khỏe con người và gây kích ứng hoặc tổn thương mắt, hô hấp hoặc da".

Trước đó, một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã cảnh báo trong một bài viết gửi tạp chí Science rằng việc sử dụng quá nhiều chất khử trùng clo có nguy cơ gây ô nhiễm nước và thậm chí khiến hệ sinh thái ở các hồ và sông gần đó bị nguy hại.

Các nhà chức trách tại Thượng Hải cũng bày tỏ những mối lo ngại lo ngại về việc khử trùng hàng loạt đang được triển khai hiện nay. "Những cách làm này về cơ bản không hiệu quả, có thể gây nguy hại cho sức khỏe và ô nhiễm môi trường", một quan chức Thượng Hải cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao việc khử trùng hàng loạt tại Trung Quốc gây lãng phí và tiềm ẩn nhiều rủi ro?