Việt Nam đang nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản, song gặp nhiều khó khăn và vẫn có nguy cơ nhận "thẻ đỏ".

Vì sao Việt Nam khó gỡ 'thẻ vàng' thủy sản?

Tuyết Nhung | 23/11/2023, 16:46

Việt Nam đang nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản, song gặp nhiều khó khăn và vẫn có nguy cơ nhận "thẻ đỏ".

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) cho biết Việt Nam là quốc gia ven biển có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế thủy sản. Đến năm 2022, ngành thủy sản đã đạt sản lượng trên 9 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 5,2 triệu tấn, sản lượng khai thác đat 3,8 triệu tấn); kim ngạch xuất khẩu thủy sản xếp thứ 3 thế giới, đạt 11 tỉ USD trong năm 2022.

danh-bat-thuy-san.jpg
Người dân đánh bắt thủy sản - Ảnh: IT

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 86.820 chiếc tàu cá, 83 cảng cá, 56 khu neo đậu tránh trú bão, 7.500 cơ sở nuôi biển. Tuy nhiên, theo ông Luân, ngành thủy sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, cơ sở hạ tầng yếu kém, sản xuất manh mún, tự phát, suy thoái về môi trường và hệ sinh thái, rào cản kỹ thuật gia tăng từ các thị trường xuất khẩu...

Trong thời gian tới, để phát triển ngành thủy sản bền vững, theo ông Luân, phải cấu trúc lại ngành thủy sản, chuyển từ khai thác thiếu bền vững sang phát triển kinh tế thủy sản bền vững; cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên xây dựng hệ sinh thái ngành hàng gồm có quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân; giúp người dân tìm sinh kế cho phù hợp với điều kiện thực tế, chuyển từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản và có thu nhập ổn định từ nuôi trồng thủy sản.

Ngành thủy sản cũng đang gặp khó khăn trong việc tổ chức lại sản xuất, các hợp tác xã, tổ hợp tác rất ít được quan tâm, hoạt động rời rạc. Vì vậy, ông Luân cho rằng các địa phương phải cần quan tâm nhiều hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư, chống khai thác IUU (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), đây cũng là một trong những nội dung để phát triển thủy sản bền vững, đặc biệt là đối với ngành khai thác thủy sản. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần tái cấu trúc lại ngành thủy sản, tăng nuôi biển, giảm khai thác, giảm áp lực lên nguồn lợi, kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học và triển khai đồng quản lý trong bối cảnh biến đổi khí hậu và biến động thị trường rất phức tạp hiện nay.

Ông Hùng cho biết những thách thức lớn hiện nay ảnh hưởng đến việc gỡ thẻ vàng của Việt Nam là: nguồn lợi thủy sản suy giảm; chất lượng khai thác suy giảm, đặc biệt đối với các loài cá có giá trị kinh tế; số lượng tàu cá lớn; nghề cá quy mô nhỏ, ven bờ chiếm số lượng lớn…

Ông Nguyễn Chu Hồi - đại biểu quốc hội, Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng để ngành thủy sản phát triển xanh và bền vững thì phải "xem mình đang ở đâu". Thủy sản là ngành kinh tế giữ vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp, đặc điểm của thủy sản là kinh tế hàng hóa, phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng, là thị trường và môi trường.

Việt Nam xuất phát từ nghề cá nhỏ, manh mún và đã tiến lên trở thành nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới nhưng cho đến nay chính sách vẫn còn "nhiều bất cập". Ông Hồi lấy ví dụ từ Nghị định 67, chuyện ngư dân lái thuyền thúng được vay đóng tàu to theo quy định nhưng lại không quen lái tàu to, không biết định vị vệ tinh là gì. Đây là một bài học.

Theo ông Hồi, về thị trường, vấn đề xây dựng chuỗi rất quan trọng, liên quan đến môi trường, truy xuất nguồn gốc; "chính sách, chương trình, đề án sắp tới khi điều chỉnh phải có hành động cụ thể".

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết nguồn lợi thủy sản đang có sự suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề này chính là tác động của con người, do đó cần phải tái cấu trúc ngành hàng thủy sản một cách mạnh mẽ, đồng thời có phương án để bà con ngư dân vào một quỹ đạo chung và xây dựng đề án chuyển đổi sinh kế cho người dân trong vùng không cho phép khai thác.

Về vấn đề chống khai thác IUU, Bộ trưởng Hoan khẳng định đây là việc hết sức quan trọng vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân. Do đó, để ngành thủy sản phát triển bền vững, gỡ được thẻ vàng của EC không chỉ có sự vào cuộc của bộ mà cần sự chung tay của các bộ ngành và địa phương.

Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) năm 2017. Điều này đồng nghĩa thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, tức doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn.

Mặc dù tích cực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt chống khai thác IUU và đạt được nhiều kết quả quan trọng được EC ghi nhận đánh giá cao, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa gỡ được thẻ vàng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận đến nay tình hình chống khai thác IUU đã có sự tiến bộ hơn rất nhiều so với đợt thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019, cụ thể như: Khung pháp lý cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tích cực; công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đã có sự chuyển biến tích cực; đã triển khai hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; thực hiện việc kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định của Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) về tổng thể đã có sự cải thiện tốt hơn so với trước.

Trong thời gian tới, các giải pháp tập trung để tháo gỡ thẻ vàng là: Thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn từ nay trở đi không để xảy ra tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu, đặc biệt nhập khẩu bằng tàu container; tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao hiệu quả phối hợp, bảo đảm nguồn lực.

Năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tăng 4,1% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt 9,026 triệu tấn, tăng 2,7% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt kỷ lục gần 11 tỉ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021. 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng đạt 5.093,6 nghìn tấn, tăng 1,9%. Trong đó, khai thác đạt 2.282,5 nghìn tấn, tăng 0,4%; nuôi trồng đạt sản lượng 2.811,1 nghìn tấn, tăng 3,1%.

Bài liên quan
Sau 5 năm bị cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU thế nào?
Sau 5 năm bị cảnh báo thẻ vàng, EU đang ở vị trí nào trong bức tranh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam?

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Việt Nam khó gỡ 'thẻ vàng' thủy sản?