Trong khi làm việc trên cao bên ngoài tòa nhà ở Milwaukee, hai công nhân đã bị một con chim cắt lao tới tấn công liên tục.
Việc giữ thăng bằng ở giàn giáo lơ lửng trên một tòa nhà cao hàng trăm mét không phải là vấn đề lớn với các công nhân. Tuy nhiên, con chim cắt đã khiến việc đó trở nên khó khăn nhiều lần.
Hình ảnh trong video cho thấy hai công nhân đang làm việc ở mặt ngoài tòa nhà cao nhất bang Wisconsinm thì bị một con chim cắt lao đến tấn công. Một trong hai công nhân ghi lại màn tấn công của con chim trong lúc cố gắng cúi thấp để tránh nó.
“Kẻ giận dữ” tấn công các công nhân thuộc loài cắt lớn và có lẽ nó chỉ đang cố gắng bảo vệ tổ. Loài chim ăn thịt bay nhanh nhất thế giới này nổi tiếng thường dùng những tòa nhà chọc trời thay cho vách đá để làm tổ.
Các loài chim săn mồi được cho là giao phối suốt đời và có thể sử dụng cùng một địa điểm làm tổ trong vài năm. Vì vậy, chúng sẽ ra sức bảo vệ tổ trước bất kỳ kẻ xâm phạm tiềm ẩn nào.
Vào những năm 1960, quần thể chim cắt trên khắp nước Mỹ đã biến mất, phần lớn do việc sử dụng rộng rãi các loại thuốc trừ sâu như DDT. Wisconsin đã cấm sử dụng hóa chất độc hại này vào năm 1972. Chính quyền liên bang cũng đưa ra quyết định tương tự một năm sau đó. Tuy nhiên, số lượng chim cắt và các loài khác hưng thiệt hại đã sụt giảm nghiêm trọng.
Tại Wisconsin, nhà bảo tồn và nuôi chim cắt Greg Septon đã khởi động một dự án phục hồi quan trọng. Ông bắt tay vào nhân giống một nhóm nhỏ chim cắt nuôi nhốt để đưa chúng trở lại tự nhiên.
Tòa nhà chọc trời nổi tiếng của Milwaukee trở thành nơi ở tạm thời của 14 con chim cắt lớn, được nhốt trong chiếc tổ nhân tạo vào năm 1987. Trong 5 năm tiếp theo, 103 con chim cắt đã được thả ở Wisconsin, tạo thành một quần thể đủ lớn mạnh để bắt đầu sinh sản riêng.
Những con chim đã thích nghi cực kỳ tốt với lối sống đô thị và có vẻ thích làm tổ trong các hộp nhân tạo đặt dưới bóng nhà máy điện hoặc trên nóc nhà cao tầng. Kể từ đầu những năm 1990, hơn 400 con chim cắt đã nở trong hộp do Cơ quan cộng đồng Wisconsin (WPS) dựng lên.