NSƯT Thành Lộc mong muốn trong thời gian tới giải thưởng Trần Văn Khê sẽ được mở rộng cho những người có tác phẩm nghiên cứu liên quan đến phát triển và bảo tồn âm nhạc cổ truyền dân tộc.
Sau nhiều năm chuẩn bị, lần đầu tiên giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê được chính thức công bố vào sáng 23.7 tại TP.HCM.
Tại buổi lễ trang trọng, 6 giải thưởng và 9 suất học bổng đã được trao cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, lưu truyền và phát triển những giá trị âm nhạc của dân tộc theo di nguyện của GS Trần Văn Khê.
Đến dự sự kiện với vai trò khách mời, NSƯT Thành Lộc đã chia sẻ riêng với phóng viên Một Thế Giới về giải thưởng Trần Văn Khê năm nay. NSƯT Thành Lộc mong muốn trong thời gian tới, giải thưởng sẽ được mở rộng cho những người có tác phẩm, công trình nghiên cứu liên quan (gián tiếp) đến việc phát triển và bảo tồn âm nhạc cổ truyền dân tộc.
Xem video chia sẻ của NSƯT Thành Lộc:
Về Quỹ học bổng Trần Văn Khê:
Thực hiện di nguyện của GS Trần Văn Khê, Nhóm Thân hữu Trần Văn Khê gồm các ông bà Trần Quang Hải (đã mất năm 2022), Tôn Nữ Hỉ Khương (đã mất năm 2022), Trần Bá Thùy, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Nhã, Nguyễn Thế Thanh, Lê Quốc Ân, Lê Ngọc Hân (thư ký) đã cùng Đại học Văn Lang tiến hành thành lập Quỹ học bổng Trần Văn Khê vào năm 2021; tổ chức lễ ra mắt quỹ và kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS Trần Văn Khê; trao tặng giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê lần đầu tiên vào ngày 23.7 tại TP.HCM.
Danh sách các cá nhân nhận giải thưởng Trần Văn Khê:
- NSƯT - Nhà giáo - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đời, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc Dân tộc Nhạc viện TP.HCM
- Nhà nghiên cứu - PGS.TS Đặng Hoành Loan
- Nhà nghiên cứu - Nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền
- NSƯT - TS Nguyễn Thị Hải Phượng - Trưởng khoa Âm nhạc Dân tộc Nhạc viện TP.HCM
- NSƯT - TS Cồ Huy Hùng - Trưởng khoa Âm nhạc Dân tộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
- Thạc sĩ - Nhạc sĩ Âm nhạc dân tộc Phan Nhứt Dũng
9 học sinh sinh viên nhận học bổng Trần Văn Khê là những người đang theo đuổi các khoa nhạc cụ dân tộc tại các học viện âm nhạc trong nước gồm:
- Nguyễn Hải Minh - đàn tranh
- Phạm Bảo Toàn - sáo trúc
- Võ Trần Lan Nhi - đàn nguyệt (Nhạc viện TP.HCM)
- Trịnh Nhật Minh - đàn bầu
- Nguyễn Đức Thiện - sáo trúc
- Đỗ Bảo Uyên - đàn tam thập lục (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)
- Huỳnh Tuệ Lâm - đàn tranh; Võ Thị Hương Giang - đàn tranh
- Phan Duy Khánh - đàn nguyệt (Học viện Âm nhạc Huế)