Theo chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu thảm họa thiên tai; và việc bảo đảm nguồn nước, cấp nước an toàn đang gặp nhiều thách thức lớn.
Khoa học - công nghệ

Việc bảo đảm nguồn nước đang gặp nhiều thách thức

Nhã Thanh 01/01/2024 13:50

Theo chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu thảm họa thiên tai; và việc bảo đảm nguồn nước, cấp nước an toàn đang gặp nhiều thách thức lớn.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái từng nhận định nước đã trở thành tài nguyên chiến lược thứ nhì sau tài nguyên con người, cũng là chìa khóa để đạt được tất cả mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, nhưng đang bị suy thoái trầm trọng.

Trong những năm qua, nhà nước đã đầu tư và có nhiều giải pháp nhưng theo Thứ trưởng Thái, điều này vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra với an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước ở nước ta.

Theo TS Nguyễn Minh Khuyến - Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên. Mặc dù tổng lượng nước trung bình hằng năm tương đối lớn, nhưng tập trung chủ yếu trong mùa mưa, lượng nước mùa khô kéo dài 7 - 9 tháng chỉ chiếm từ 20 - 30%.

Việt Nam cũng có tiềm năng khá lớn về nguồn nước dưới đất, nhưng tập trung chủ yếu ở các khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất trên toàn lãnh thổ ước tính khoảng 91 tỉ mét khối/năm.

2851_nuoc-sach638367606244522036.jpg
Nước đã trở thành tài nguyên chiến lược cực kỳ quan trọng - Ảnh: Internet

Theo số liệu năm 2020 của Tổng cục Thống kê, tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 8.610 mét khối/người/năm, cao hơn so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu.

Nhưng nếu chỉ xét nguồn nước nội sinh của Việt Nam thì tổng lượng nước bình quân trên đầu người chỉ đạt 3.280 mét khối/người/năm, thấp hơn so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900 mét khối/người/năm.

Theo TS Nguyễn Minh Khuyến, Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu thảm họa thiên tai lớn nhất ở Đông Nam Á, Thái Bình Dương, và rủi ro thiên tai đang gia tăng. Việc bảo đảm nguồn nước, cấp nước an toàn đang gặp nhiều thách thức lớn.

Trong đó phải kế đến tài nguyên nước ở Việt Nam phân bố không đều theo không gian và thời gian, hiệu quả khai thác, sử dụng nước trong các ngành còn thấp…

Cụ thể, tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao (khoảng 25%), công suất khai thác nước thực tế còn thấp hơn rất nhiều so với năng lực thiết kế, nhất là khai thác nước trong thủy lợi, nông nghiệp.

Hiện nay, mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 80,2 tỉ mét khối nước, trong đó nước mặt khoảng 77,2 tỉ mét khối (chiếm 95,3% tổng lượng nước khai thác, sử dụng trên cả nước cấp cho các ngành dùng nước); và lượng nước dưới đất khai thác sử dụng chỉ khoảng 3,83 tỉ mét khối/năm (chiếm 4,7% tổng lượng nước khai thác, sử dụng).

TS Khuyến cũng đề cập tới thách thức do tác động của biến đổi khí hậu và rủi ro do nước gây ra. Theo phân tích từ chuyên gia, tài nguyên nước là lĩnh vực chịu tác động lớn nhất bởi diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng, tập trung ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng là hai khu vực sản xuất lúa gạo và thủy sản chủ yếu của cả nước.

Dự báo đến năm 2030, có 45% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ nhiễm mặn, làm giảm 9% năng suất lúa so với hiện nay. Nhiều mối rủi ro, tác hại liên quan đến nước, như bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở, chiếm 87,6 - 91% tổng số các loại hình thiên tai, làm ảnh hưởng đến hơn 70% dân số…

Theo báo cáo của Bộ KH-CN liên quan đến an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, có 3 yếu tố chính tác động đến chế độ nước ở nơi đây, gồm phát triển thượng lưu, biến đổi khí hậu và lún sụt đất.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ KH-CN định hướng giải pháp hạn chế suy thoái đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, về định hướng giảm lún sụt đất, cần xây dựng mạng lưới cấp nước cơ bản, giải quyết được cho các vùng, hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm.

Với những vùng mạng lưới cấp nước chưa đáp ứng được, cần áp dụng các giải pháp cấp nước tại chỗ, gồm tích nước phân tán, quy mô hộ gia đình cho sinh hoạt; tận dụng tối đa không gian có thể tích trữ (ao hồ, kênh mương…).

Bài liên quan
Ứng dụng KH-CN đảm bảo an ninh nguồn nước
Một trong những mục tiêu của Chương trình KC.14/21-30 là ứng dụng, chuyển giao được các công nghệ tiên tiến để phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ dân sinh…

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
17 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc bảo đảm nguồn nước đang gặp nhiều thách thức