Thông qua kinh nghiệm của một số quốc gia lân cận, đây là thời điểm mà mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt đến mức giới hạn cao nhất. Điều cần làm ở thời điểm hiện tại để tránh một sự đứt gãy về tăng trưởng trong tương lai là bắt đầu chuyển dần sang một mô hình tăng trưởng mới.

Việt Nam cần sớm chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới

Một Thế Giới | 09/03/2016, 17:04

Thông qua kinh nghiệm của một số quốc gia lân cận, đây là thời điểm mà mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt đến mức giới hạn cao nhất. Điều cần làm ở thời điểm hiện tại để tránh một sự đứt gãy về tăng trưởng trong tương lai là bắt đầu chuyển dần sang một mô hình tăng trưởng mới.

Không khó để nhận ra rằng Việt Nam đang tiến đến nấc thang cao nhất của mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư theo chiều rộng, dựa trên khai thác tài nguyên, gia tăng đầu tư và nhân công giá rẻ trong suốt những năm kể từ sau thời điểm Đổi mới năm 1986. Đây được xem là do tác động của việc chúng ta ký kết khá nhiều các hiệp định thương mại quan trọng trong thời gian vừa qua như TPP hay các FTA với EU và Hàn Quốc. 
Dòng vốn FDI đổ vào thị trường Việt Nam đang đạt mức kỷ lục, trong năm 2015 lên tới trên 22 tỷ USD và con số sau khi điều chỉnh lên tới 24,1 tỷ USD, xu hướng này còn được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2016 khi mà chỉ trong 2 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư FDI đã tăng tới 135% so với cùng kỳ.
Cùng với việc Chính phủ đang điều chỉnh chính sách để thúc đẩy giới doanh nghiệp trong nước phát triển, quá trình đô thị hóa, chuyển đổi lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp sang các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ, tình trạng thâm dụng lao động theo chiều rộng sẽ đạt đến đỉnh điểm trong vòng vài năm tới là kịch bản nhiều khả năng sẽ xảy ra.
Quá trình này được đánh giá sẽ diễn ra rất mạnh mẽ trong vòng 5 năm tới, khi mà các hiệp định thương mại quan trọng như TPP hay FTA EU-Việt Nam đã đi vào hoạt động và thực sự vào guồng. Sau thời điểm đó, quá trình đầu tư FDI đổ vào Việt Nam sẽ chậm dần lại và có xu hướng chuyển dịch sang các quốc gia lân cận khi đó có điều kiện đầu tư tốt hơn như chi phí nhân công hay giá cả hàng hóa. 
Ngoài ra, 5 năm cũng là khoảng thời gian đủ để các quốc gia trong khu vực có điều kiện tương đồng với Việt Nam có thể gia nhập các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang có như TPP hay các FTA lớn. Hiện tại các nước như Indonesia, Thái Lan hay Philippines cũng đánh tiếng muốn gia nhập TPP. Khi điều này diễn ra, mức độ hấp dẫn đầu tư của Việt Nam sẽ giảm xuống và có thể dẫn đến tình trạng dòng vốn FDI sẽ chuyển dần từ Việt Nam sang các quốc gia này.
Đó là lý do vì sao Việt Nam cần hướng tới một sự chuyển dịch mô hình tăng trưởng ngay từ thời điểm hiện tại để có thể giảm thiểu được các tác động do xu hướng dịch chuyển đầu tư gây ra, nhất là sau trường hợp của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. 
Dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chảy ồ ạt khỏi Trung Quốc đang khiến nền kinh tế số hai thế giới gặp vấn đề nghiêm trọng về tăng trưởng, giải quyết thất nghiệp và suy giảm nền kinh tế. Ngoài việc chính phủ Trung Quốc đã thiếu sự chuẩn bị cho kịch bản các nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi thị trường nước này, thì việc TPP được ký kết cũng thúc đẩy nhanh quá trình dịch chuyển đầu tư đó mà Bắc Kinh đã không thể tính trước.

Việt Nam vì thế đang ở trong một tình cảnh dễ chịu hơn nhiều so với Trung Quốc, khi mô hình tăng trưởng của Việt Nam giờ mới chuẩn bị bước vào giai đoạn cao nhất, đồng nghĩa với việc vẫn còn đủ thời gian để chúng ta xoay sở. Ngoài ra Việt Nam cũng có thể dự đoán trước thời điểm mà dòng vốn đầu tư sẽ lại có sự dịch chuyển tiếp theo để có thể ứng phó, ít nhất sẽ là trong vòng 5 năm tới khi mà Thái Lan, Philippines hay Indonesia có thể chính thức gia nhập TPP.

Xu hướng dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam vẫn đang tăng cao, có thể đạt đỉnh trong năm 2016 hoặc 2017, sẽ kéo theo việc mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đạt đỉnh trong vòng ít nhất là 5 năm tới và chúng ta cần tận dụng tối đa điều này.
Vì quá trình dịch chuyển dòng vốn đầu tư ồ ạt vào thị trường Việt Nam hiện nay có thể đem lại những tác động lớn rất cần thiết, chẳng hạn như quá trình đô thị hóa và dịch chuyển lực lượng lao động từ nông thôn lên thành thị, từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ vốn là nền tảng của một nền kinh tế phát triển và hiện đại. 
Theo thống kê, hiện dân số Việt Nam ở các vùng nông thôn vẫn chiếm tới 70% dân số cả nước, lực lượng lao động đang sản xuất trong nông nghiệp cũng chiếm tới hơn 65% lao động trên toàn quốc. Rõ ràng, quá trình dịch chuyển dân cư và lao động mà dòng vốn đầu tư mang lại trong thời gian sắp tới sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế theo hướng rất có lợi cho Việt Nam.
Vì thế, việc bắt đầu dịch chuyển sang mô hình kinh tế mới đối với Việt Nam có nghĩa là cần đặt những bước đầu tiên cho một hướng đi mới. 
Phát biểu tại hội nghị “Thúc đẩy sáng tạo” được tổ chức ngày 8.3 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh đặt vấn đề: “Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, gia tăng đầu tư và sử dụng nhân công giá rẻ của Việt Nam đã tới giới hạn. Trong bối cảnh hội nhập sâu với thế giới hiện nay, Việt Nam không còn lựa chọn nào khác là tăng năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo.” Theo tiến sĩ Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam, thì: “Kinh tế hiện nay được phát triển theo chuỗi và nếu không có công nghiệp hỗ trợ, nhất là công nghệ cao, thì khó bám vào”.
Theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới (WB), vấn đề cốt lõi của Việt Nam là phải thâm nhập và đạt được chỗ đứng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vì với việc ký kết và tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại kinh tế, mức độ hội nhập và kết nối của nền kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới đã ở mức rất cao, chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đạt được vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu nếu muốn phát triển. 
Việc lựa chọn một lối phát triển bình yên và né tránh cạnh tranh sẽ đồng nghĩa với việc bị tụt xuống một vị trí thấp hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để thực hiện được mục tiêu đó, thì rõ ràng mô hình thâm dụng lao động theo chiều ngang hiện nay không thể giúp được Việt Nam. Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới, và lần này là theo chiều dọc, tập trung vào các thế mạnh cốt lõi nhất như tất cả các nền kinh tế phát triển hơn chúng ta đã làm.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF, Baodansinh)


Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam cần sớm chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới