Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra tại Hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam ngày 22.7.

Việt Nam đang phát triển vắc xin ngừa COVID-19 dựa trên chuyển giao công nghệ từ Anh

22/07/2020, 15:47

Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra tại Hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam ngày 22.7.

Ứng cử viên vắc xin ngừa COVID-19 đang được nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) - Ảnh: T.N

Ông Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vắc xin phòng COVID-19 trong nước là hết sức quan trọng. Trên thế giới có 24 loại vắc xin ngừa COVID-19 đã tiến tới thử nghiệm giai đoạn 3 và trong đó có nhiều vắc xin được đánh giá là có kết quả khá tốt, ví dụ như vắc xin được nghiên cứu bởi Đại học Oxford và công ty dược phẩm AstraZeneca của Anh.

Hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam ngày 22.7

Về ứng cử viên vắc xin ngừa COVID-19 đang được nghiên cứu tại Đại học Oxford, kết quả mới nhất của thử nghiệm về vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 (AZD1222), được công bố ngày 20.7.2020 cho thấy vắc xin không gây ra các lo ngại ban đầu về sự an toàn, đồng thời tạo được ra phản ứng miễn dịch mạnh ở cả hai hướng của hệ thống miễn dịch.

Trong Giai đoạn I/II của thử nghiệm vắc-xin diễn ra tại Anh, từ ngày 23.4 đến ngày 21.5.2020, có 1.077 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18 đến 55 đã nhận được vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 hoặc vắc xin giả dược MenACWY.

Dữ liệu của giai đoạn thử nghiệm I/II cho vắc xin ngừa vi rút corona của Đại học Oxford cho thấy vắc xin không dẫn đến bất kỳ phản ứng bất ngờ nào và có độ an toàn tương tự các loại vắc xin trước đây thuộc loại này. Các phản ứng miễn dịch quan sát được sau khi tiêm vắc xin phù hợp với kết quả nghiên cứu trên động vật trước đây về khả năng chống lại vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các nhà khoa học sẽ phải tiếp tục chương trình thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt để xác nhận điều này ở con người.

Tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long cho biết công ty Vabiotech thuộc Bộ Y tế cũng đang phát triển vắc xin ngừa COVID-19, dựa trên quá trình đào tạo và chuyển giao công nghệ nguồn từ Đại học Bristol (Anh).

Quyền Bộ trưởng cho biết Việt Nam cũng là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vắc xin theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, mở ra cơ hội hợp tác, xuất khẩu vắc xin với các nước. "Chúng ta kỳ vọng có thể tự chủ được vắc xin. Vấn đề là cần thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để có vắc xin COVID-19 cho người Việt Nam, đồng thời có cơ chế đặc biệt để có thể tiếp cận nguồn vắc xin trên thế giới nhanh nhất", người đứng đầu Bộ Y tế nhìn nhận.

Ông Nguyễn Thanh Long nói thêm: "Việt Nam hiện đang kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, cách ly xã hội hay giãn cách xã hội chỉ là biện pháp tạm thời để hạn chế số ca lây nhiễm mới và ngăn chặn sự phát triển, bùng phát của đại dịch COVID-19. Còn nhiều điều về vi rút SARS-CoV-2 mà chúng ta vẫn cần tiếp tục tìm hiểu, nhưng giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh này là vắc xin phòng COVID-19. Hiện nay 4 nhà sản xuất trong nước đều đang trong quá trình nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19".

Về tình hình phát triển vắc xin COVID-19 trên thế giới, đại diện tổ chức PATH cho biết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh COVID-19, các nhà sản xuất, các cơ quan nghiên cứu cũng như các quốc gia hiện đang chạy đua trong việc nghiên cứu phát triển thuốc điều trị, vắc xin phòng bệnh cũng như sinh phẩm chẩn đoán giúp việc phát hiện sớm, điều trị, và phòng bệnh tiến tới khống chế dịch.

Tính đến ngày 15.7 vừa qua, trên toàn cầu có 163 ứng viên vắc xin COVID-19 đang được nghiên cứu phát triển: 23 vắc xin đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người còn lại 140 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng. Đồng thời các cơ quan quản lý của các nước cũng đã bắt đầu ban hành Hướng dẫn nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng và đăng ký cấp phép cho vắc xin COVID-19.

Trước tình hình trên, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các nhà sản xuất, các đơn vị nghiên cứu tiếp tục chủ động, tích cực nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19, các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế sớm hoàn thiện quy định về nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam trình Lãnh đạo Bộ ban hành; các đơn vị trong hệ thống NRA đẩy nhanh quá trình kiểm định, thẩm định hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành vắc xin phòng COVID-19 nhằm tạo điều kiện thúc đẩy công tác nghiên cứu sản xuất vắc xin tại Việt Nam trong thời gian ngắn nhất nhưng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn và hiệu quả cho người sử dụng góp phần vào công tác phòng chống đại dịch tại Việt Nam và trên thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Anh tại Việt Nam - ông Gareth Ward chia sẻ: "Đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề về sức khỏe. Trong nỗ lực toàn cầu để đẩy lùi dịch bệnh, chúng ta cũng cần đảm bảo yếu tố công bằng và tính tiếp cận dễ dàng với các loại vắc xin đang được phát triển cũng như phương pháp điều trị trên thế giới. Sự hợp tác của chúng ta tại buổi hội thảo hôm nay cho thấy tầm sâu sắc của mối quan hệ 10 năm đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Vương quốc Anh".

Bài và ảnh: Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
13 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam đang phát triển vắc xin ngừa COVID-19 dựa trên chuyển giao công nghệ từ Anh