Ông Lê Việt Quốc, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo của Google, người được đồng nghiệp gọi là “ông thầy dạy cho máy móc hiểu cảm xúc của con người” cho biết mình “mang đến một tin xấu, đó là Việt Nam có thể chưa sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0”.
Phát biểu khai mạc buổi công bố sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam chiều 19.8, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh truyền thống dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay là trọng dụng nhân tài, coi nhân tài là rường cột quốc gia. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí mạnh thì thế nước vững. Nguyên khí yếu thì thế nước suy”. Điều này đúng trong mọi thời đại chứ không riêng gì thời Lê.
Bộ trưởng cho biết Thủ tướng đánh giá rất cao việc trở về của các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bùng nổ và trở thành cơ hội lớn, ngàn năm có một, đối với các nước đang phát triển như nước ta.
“Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự trở thành chìa khóa, là con đường ngắn nhất để bước vào kỷ nguyên phát triển nhanh, bền vững. Bất kỳ quốc gia nào chậm chân trên con đường này thì chắc chắn không thể thành công”, Bộ trưởng Dũng nói.
Theo đó, sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo đã có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho thế hệ tài năng, trí thức người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài hưởng ứng tham gia, cùng gặp gỡ, tạo mối liên kết, trao đổi những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Ông Dũng cho biết các bộ, cơ quan của Chính phủ cam kết sẽ nỗ lực tối đa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bạn về môi trường sống và làm việc tại quê hương, để các nhân tài thỏa sức sáng tạo, thỏa sức cống hiến.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cần tối ưu hóa cơ hội kết nối này, chủ động trao đổi, chia sẻ và hợp tác với các bạn trẻ tài năng, trí tuệ tiêu biểu ngày hôm nay để hình thành những ý tưởng đổi mới sáng tạo, những chương trình, dự án, những kế hoạch hành động cụ thể, nhằm tạo ra những giá trị mới, phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đóng góp cho nền kinh tế.
TS Bùi Hải Hưng - nhà nghiên cứu của Google Deepmind (Mỹ) cho hay, ngành AI (trí tuệ nhân tạo) thế giới tương đối “có duyên” với người Việt đang làm về công nghệ. Số người Việt Nam trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực AI không phải là nhỏ, trong đó có những chuyên gia hàng đầu thế giới tại các môi trường hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft…, những giáo sư tại các đại học hàng đầu thế giới. Đặc biệt, có những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này đã tương đối thành công.
Thế nhưng, Việt Nam vẫn chưa có tiếng nói, dấu mốc trên bản đồ AI thế giới. “Việt Nam nên làm gì? Theo tôi, nên tập trung xây dựng một trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu của Việt Nam và đây là cách hiệu quả nhất để thế giới biết đến Việt Nam trên bản đồ AI”, TS Bùi Hải Hưng kiến nghị. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy trình đào tạo AI tại Việt Nam nên chú trọng đầu tư cơ sở điện toán đám mây.
Trong khi đó, PGS-TS Hồ Anh Văn từ Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản, cho rằng, công thức thành công của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là: Thành công = năng lực x nhiệt huyết x cách nghĩ. Và nếu các trí thức ở nước ngoài cần sự nhiệt huyết, thì Chính phủ cần có các chính sách cụ thể và các trí thức trong nước cần sự đón nhận sẵn sàng.
Ông Lê Việt Quốc, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo của Google, người được đồng nghiệp gọi là “ông thầy dạy cho máy móc hiểu cảm xúc của con người” cho biết mình “mang đến một tin xấu, đó là Việt Nam chưa sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0”.
Ông Việt liên hệ sang Trung Quốc và cho biết trí tuệ nhân tạo của quốc gia này đang phát triển rất mạnh. Ví dụ như Đại học Thanh Hoa đã lọt vào tốp 10 trường đại học tốt nhất thế giới. Trong khi đó, các trường đại học của Việt Nam gần như vắng bóng, ngay như trường kỹ thuật tốt nhất là Đại học Bách khoa thì không biết xếp hạng thứ bao nhiêu. Do đó, để có thể bắt nhịp được cuộc cách mạng này, ông Việt cho rằng Việt Nam cần phải có nỗ lực rất lớn và cần phải có chiến lược rõ ràng.
Phát biểu ý kiến, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đất nước này không thể mãi nghèo. Muốn phát triển thì chỉ có người Việt Nam nhận trách nhiệm đầu tiên. Không ai có thể bảo vệ và xây dựng nước ngoài người Việt Nam. Chúng ta trân trọng sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế nhưng sứ mệnh đó là của chính chúng ta. Phải truyền cho nhau khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh”.
Do đó, Phó thủ tướng cho rằng cuộc cách mạng 4.0 là một thời cơ và Việt Nam phải nắm lấy nó. “Điều quan trọng nhất là các nhà khoa học trong và ngoài nước cần có khát vọng, lòng tin và hãy xem mình là người trong cuộc”.
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương kỳ vọng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là diễn đàn thu hút và kết nối các tri thức khoa học, chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước; thúc đẩy hợp tác trong cộng đồng KHCN Việt Nam để nâng cao năng lực KHCN, nâng cao chất lượng nghiên cứu đào tạo trong nước.
Trong giai đoạn tiếp theo, ông Chính cho rằng đội ngũ trí thức trong nước cần đẩy mạnh kết nối chặt chẽ, hiệu quả với các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức Việt Nam đang ở nước ngoài tạo thành nguồn lực dồi dào, sức mạnh dân tộc to lớn để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lam Thanh