Lần thứ hai liên tiếp, Singapore dẫn đầu trong bảng xếp hạng 45 quốc gia có điều kiện sống tốt nhất đối với chuyên gia nước ngoài, theo báo cáo do HSBC vừa công bố. Trong khi đó, Việt Nam xếp thứ 2 trên 6 nước ASEAN và thứ 19 trong danh sách này.
Các chuyên gia nước ngoài tại Singapore khẳng định họ được tạo cơ hội tuyệt vời để phát triển sự nghiệp, đồng thời tận hưởng một cuộc sống chất lượng cho bản thân và gia đình. Cứ 5 chuyên gia tại Singapore thì hơn 3 người nói rằng đảo quốc này thuận lợi để phát triển sự nghiệp, và thừa nhận thu nhập của họ tăng lên kể từ khi chuyển đến làm việc tại đây.
Thu nhập trung bình của chuyên gia nước ngoài tại Singapore là 139.000 USD/năm , cao hơn so với thu nhập trung bình toàn cầu là 97.000 USD. 2/3 số chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng chất lượng giáo dục tại Singapore tốt hơn đất nước của họ.
1. Singapore
2. New Zealand
3. Canada
4. Cộng hòa Séc
5. Thụy Sĩ
6. Na Uy
7. Áo
8. Thụy Điển
9.Bahrain
10. Đức
Nguồn: HSBC
Bảng xếp hạng năm nay cũng ghi nhận vị trí thứ 19 của Việt Nam, một sự cải thiện đáng kể so với thứ 25 trong cuộc khảo sát hồi năm ngoái. Nếu chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam giữ vị trí thứ 2 (chỉ sau Singapore) trong số 6 nước được xếp hạng bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Khoảng 35% chuyên gia nước ngoài cho rằng Việt Nam là thị trường lý tưởng để phát triển sự nghiệp.
3 lý do phổ biến nhất thúc đẩy các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam là để tìm kiếm thách thức mới (46%), đi theo yêu cầu của nhà tuyển dụng (26%) và muốn cải thiện chất lượng sống (24%).
Về thu nhập, 35% số chuyên gia cho biết họ kiếm được nhiều tiền hơn. Cụ thể, thu nhập trung bình của chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam là 103.000 USD/năm, cao hơn mức trung bình của toàn cầu và chỉ thấp hơn Singapore trong phạm vi ASEAN.
Việt Nam tạo ấn tượng tốt nhờ vào lợi thế kinh tế. 72% các chuyên gia nước ngoài tại đây cảm thấy tin tưởng vào nền kinh tế, trong khi 62% đánh giá cao sự ổn định chính trị của Việt Nam.
Tuy nhiên, có đến 59% đánh giá việc quản lý tiền bạc tại Việt Nam còn nhiều hạn chế khi họ gặp nhiều vấn đề về tài khoản ngân hàng, bảo hiểm và đóng thuế. Mặc dù yêu thích đời sống văn hóa xã hội tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề môi trường.
Ông Sabbir Ahmed, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản HSBC Việt Nam, nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất Châu Á nên không có gì bất ngờ khi đất nước này là một điểm đến hứa hẹn cho nhiều chuyên gia nước ngoài.
“Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần tập trung cải thiện môi trường, các chương trình giáo dục và các dịch vụ tài chính để nâng cao trải nghiệm cho các chuyên gia nước ngoài và gia đình của họ”, ông Ahmed nhấn mạnh.
Ông cho rằng việc đầu tư vào các nền tảng trực tuyến mà một số ngân hàng đang triển khai gần đây chính là hướng tiếp cận đúng đắn để làm hài lòng đối tượng khách là chuyên gia nước ngoài này.
Khảo sát Chuyên gia nước ngoài của HSBC là một trong những cuộc khảo sát có bề dày lịch sử và quy mô lớn nhất. Ở năm thứ 9 này, cuộc khảo sát đã thu hút hơn 26.800 ngườitham gia.
Cũng theo bảng xếp hạng của HSBC, Thụy Sĩ dẫn đầu về tiêu chí Kinh tế năm thứ hai liên tiếp. Cứ 10 chuyên gia nước ngoài ở Thụy Sĩ thì có gần 9 người cảm thấy tự tin về ổn định chính trị, 8 người tự tin về kinh tế với mức thu nhập trung bình là 188.000 USD/năm.
New Zealand dẫn đầu về tiêu chí Trải nghiệm. Phần đông các chuyên gia đánh giá cao môi trường của đất nước này về chất lượng không khí và nước. Họ cũng cảm thấy dễ dàng hòa nhập với người dân và văn hóa bản địa nơi đây.
Thụy Điển dẫn đầu về tiêu chí Gia đình. Khoảng 3/4 số chuyên gia nước ngoài cho rằng con cái của họ có chất lượng sống tốt hơn tại quê nhà do chất lượng giáo dục tại Thụy Điển tốt hơn, chi phí cho giáo dục rẻ hơn.