Trong chuyến thăm chính thức Mỹ kéo dài 3 ngày của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Mỹ và Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận thương mại trị giá hàng chục tỉ USD và xúc tiến đàm phán hiệp định thương mại song phương nhằm thay thế cho TPP.
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiệc do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức tối 30.5:
"Tổng thống Donald Trump ngày 31.5 sẽ chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng, dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Washington và Hà Nội - hai cựu thù với lịch sử chiến tranh đẫm máu và bi thương - ngày càng chia sẻ với nhau những lợi ích chung và triển vọng phát triển trong khu vực và thế giới", tờ The Washington Times nhận xét về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang phát triển lên tầm cao hơn, khi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên có chuyến thăm chính thức Nhà Trắng sau khi ông Donald Trump đắc cử.
Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu công nghệ cao từ Mỹ
Với chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump, nhiều chuyên gia dự đoán rằng quan hệ ngoại giao của Mỹ và Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn vì Việt Nam là một trong những nước có thâm hụt thương mại lớn nhất đối với Mỹ.
Tuy nhiên, theo Reuters ngày 30.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông đã ký các thỏa thuận mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trị giá gần&K7nbsp;15 tỉ USD trong chuyến thăm Washington. Mặt hàng mà Việt Nam sẽ mua của Mỹ là các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao và vốn là thế mạnh của Mỹ đồng thời là nhu cầu cần thiết của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
"Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu các công nghệ và dịch vụ cao cấp từ Mỹ. Và trong chuyến thăm lần này, nhiều thỏa thuận quan trọng sẽ được ký", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong buổi tiệc do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức.
Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đưa ra sau khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer bày tỏ mối quan tâm về sự gia tăng thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Ông cho rằng đây là một thách thức mới đối với hai nước. Ông Lighthizer cũng cho biết ông đang có những trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về cách giải quyết vấn đề này.
"Trong một thập kỷ qua, thâm hụt song phương đã tăng từ mức 7 tỉ USD lên gần 32 tỉ USD. Mức tăng đáng lo ngại này là thách thức mới, nhưng nó cũng tạo ra tiềm năng đáng kể để cải thiện mối quan hệ thương mại của chúng ta", ông Lighthizer nói.
Ông Lighthizer và các quan chức kinh tế của Mỹ đã cam kết với Tổng thống Donald Trump rằng sẽ cố gắng thực hiện các kế hoạch để giảm thâm hụt thương mại với các nước đối tác lớn. Năm ngoái, thâm hụt thương mại với Việt Nam năm ngoái là khoảng thâm hụt thương mại lớn thứ 6 của Mỹ - phản ánh việc Mỹ gia tăng nhập khẩu các sản phẩm bán dẫn và các sản phẩm điện tử khác của Việt Nam, ngoài các ngành truyền thống trước đây như giày dép, đồ may mặc và đồ gỗ.
Reuters cho rằng "vấn đề thương mại đã trở thành một mối đe dọa tiềm ẩn trong mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội vốn đang nồng ấm trong những năm gần đây vì những lo ngại chung đối với hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Đông Á".
Đàm phán hiệp định thương mại song phương nhằm thay thế TPP
Theo Washington Times, Việt Nam rất thất vọng với việc chính quyền mới của Mỹ hủy bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, Việt Nam nhanh chóng thay đổi kế hoạch tiếp cận với đối tác Mỹ khi ông Donald Trump đưa ra chính sách "nước Mỹ trên hết". Việt Nam đang hy vọng sẽ hạn chế được những thiệt hại do sự thất bại của TPP bằng cách đàm phán hiệp định thương mại song phương thay thế.
"Nếu hai nước tham gia vào một hiệp định thương mại tự do mà đem lại lợi ích cho cả hai bên theo ý kiến đề xuất của nhiều doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam, hiệp định trên sẽ phản ánh xu hướng phát triển và tiềm năng to lớn của kinh tế của hai nước, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho cả người Mỹ và người Việt Nam", ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam nói với Washington Times.
"Phát triển kinh tế song phương giữa hai nước sẽ khiến người dân của Việt Nam lẫn Mỹ được hưởng lợi", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong bài phát biểu của mình tại buổi tiệc do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức.
Cụ thể, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam trong năm 2016 đã nhập khẩu hơn 0,5 triệu tấn bông sợi để làm nguyên liệu cho ngành dệt may của mình và xuất khẩu quần áo chất lượng cao ngược lại cho Mỹ. Tương tự là việc nhập khẩu hơn 1 triệu tấn ngô, đỗ tương trong năm 2016 để sản xuất thức ăn chăn nuôi và bán cá tra sang thị trường Mỹ.
"Chúng ta có thể nâng cao kim ngạch thương mại lên cao hơn nữa, đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việc thúc đẩy thương mại song phương công bằng sẽ đạt mục tiêu kép trong việc giúp hai bên cùng có lợi", Thủ thướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.
Thiên Hà (theo Washington Times, Reuters)