Mặc dù có sự phát triển ấn tượng, nhưng thành công đạt được của nền kinh tế chưa thể đảm bảo cho sự phát triển lâu dài do những tác động của cải cách thể chế và cơ cấu kinh tế dường như đã tới hạn.

Việt Nam trước thách thức tăng trưởng để thoát bẫy thu nhập trung bình

01/04/2019, 20:22

Mặc dù có sự phát triển ấn tượng, nhưng thành công đạt được của nền kinh tế chưa thể đảm bảo cho sự phát triển lâu dài do những tác động của cải cách thể chế và cơ cấu kinh tế dường như đã tới hạn.

Ảnh minh họa từ VNN

Với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Úc, trong khuôn khổ hợp tác cùng Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp nghiên cứu và đưa ra những phát hiện quan trọng.

Bài viết này đề cập đến những khía cạnh nổi bật được trình bày trong Hội thảo Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045, được tổ chức tại Hà Nội trong hạ tuần tháng 3.2019.

Bối cảnh đầy thách thức

Trong thông cáo báo chí, Nhóm WB nhấn mạnh Hội thảo là sáng kiến nhằm làm rõ nội hàm quan trọng của những thảo luận mang tầm chiến lược, giúp định hình lại con đường phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ tới.

Còn phát biểu tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đều cho rằng muốn tránh được bẫy thu nhập trung bình thì Việt Nam phải duy trì được mức tăng trưởng từ 7-7,5% hàng năm trong giai đoạn 2021-2030. Đây là thách thức không nhỏ bởi các yếu tố tăng trưởng gần như đã đến giới hạn, song yêu cầu tăng trưởng lại đòi hỏi cao hơn nhiều so với trung bình đạt được 6,3%/năm của 10 năm gần đây.

Hành trình để Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao chỉ mới bắt đầu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình tăng trưởng thâm dụng lao động, dựa vào xuất khẩu Việt Nam từng theo đuổi đã lỗi thời; những nhân tố mới như các chuỗi giá trị toàn cầu, khả năng công nghiệp hóa và ngành dịch vụ có vai trò to lớn thúc đẩy phát triển chỉ mới hình hành. Do tác động của cải cách thể chế và cấu trúc còn nhiều hạn chế, việc điều chỉnh và thay đổi mô hình tăng trưởng càng trở nên cấp thiết nếu Việt Nam muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao.

Mục tiêu tăng trưởng đặt ra được thực hiện trong bối cảnh đầy thách thức. Ở trong nước, Việt Nam phải đối mặt với những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng. Trở lực phát triển bao hàm cả tốc độ dân số già hóa cao, tác động của tích lũy nhân tố giảm và chi phí môi trường ngày càng lớn. Mặt khác,Việt Nam phải lựa chọn hướng đi trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Những chuyển đổi về mô hình thương mại và đầu tư toàn cầu ít thuận lợi hơn cho tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội được định hình nhưng cũng tạo ra rủi ro mới.

Để đạt khát vọng tăng trưởng, nền kinh tế phải hoạt động hiệu quả và bền vững với mức tăng trưởng trung bình cao hơn nhiều mức đạt được trong những năm qua. Vấn đề đặt ra là cần phải thay đổi hoặc điều chỉnh ra sao? Tiếp tục đầu tư vào nhân tố nào để tăng trưởng bền vững? Đặc biệt, làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân?

Đó là những đòi hỏi lớn trong bối cảnh tiếp tục cải cách thể chế thị trường. Tìm lời giải cho những vấn đề đặt ra sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách xác định được động lực tăng trưởng, cũng như xây dựng chương trình cải cách nhằm phát huy cao nhất tiềm năng phát triển của đất nước.

Hội thảo Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 diễn ra vào hạ tuần tháng 3 ở Hà Nội.

Tiếp tục "đổi mới” để tăng trưởng với chất lượng cao

Trao đổi về mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045, đại diện Tổ Tư vấn Kinh tế cho rằng 2021-2030 là giai đoạn cực kỳ quan trọng, có tính quyết định để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đây là giai đoạn "bứt phá" với tốc độ tăng trưởng GDP phải đạt được từ 7-7,5%/năm. Mức tăng trưởng này tạo áp lực rất lớn khi mô hình tăng trưởng cũ hoặc bẫy thu nhập trung bình luôn rình rập.

Đến nay, những lợi thế so sánh dựa vào thâm dụng lao động, xuất khẩu hàng hoá gia công đang giảm dần. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghệ mang tính đột phá phát triển mạnh, buộc các nền kinh tế phải điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế xã hội của mình.

Điều tạo nên sự khác biệt giữa các quốc gia thành công và không thành công trong tăng trưởng chính là năng suất tổng hợp (TFP). Những nước mắc bẫy thu nhập trung bình có mức tăng TFP hàng năm khoảng 0,4%, trong khi các nền kinh tế vượt bẫy này thành công có mức tăng TFP lên tới 1,2%/năm. Tăng trưởng TFP của Việt Nam hiện thấp so với nhiều nước, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước có thu nhập cao, trong giai đoạn 2021-2045 đòi hỏi TFP của Việt Nam phải tăng bình quân hàng năm tới 2,67%.

Muốn duy trì tăng trưởng chất lượng cao nhưng theo WB, Việt Nam cần chuyển hướng chiến lược sang nền kinh tế dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo, đồng thời tận dụng tối đa lợi thế dân số vàng hiện có. Đây cũng là kiến nghị trong báo cáo do WB và Viện Khoa học Xã hội thực hiện, nhằm tìm ra một mô hình tăng trưởng mới giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế chất lượng cao trong giai đoạn 2021-2030.

Có thể nói, động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới chính là sự đột phá về tăng năng suất. Mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 sẽ dịch chuyển dần từ thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn và tri thức. Theo đó, tinh thần doanh nhân sẽ có vị trí trung tâm trong thúc đẩy tăng trưởng. Để hiện thực hoá mô hình, yếu tố quan trọng thúc đẩy TFP chính là xây dựng chiến lược công nghệ với cách tiếp cận hiện đại và xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Từ góc nhìn của WB, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam Ousmane Dione nhận xét: “Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ đột phá mang đến cả thách thức và cơ hội, đó là Đổi Mới 4.0. Để giảm nhẹ rủi ro và tận dụng triệt để cơ hội, Việt Nam phải thực hiện các bước loại bỏ nút thắt đang cản trở đầu tư tư nhân, tăng cường năng lực cho thể chế công, cũng như đầu tư vào những kỹ năng mà lực lượng lao động cần có trong thế kỷ 21”. Ông Ousmane Dione nhấn mạnh nhân tố quan trọng quyết định đến thành công tương lai tập trung vào chất lượng tăng trưởng và việc thực hiện.

Để tăng năng suất, cần cải thiện mạnh mẽ chất lượng tăng trưởng, bao gồm từ việc phân bổ nguồn lực hiệu quả, nâng cao chất lượng vốn nhân lực đến tăng đầu tư có hiệu quả vào cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, cũng như đổi mới và sáng tạo để mang lại kết quả tăng năng suất.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấ, để đổi mới sáng tạo hiệu quả cần có một chương trình cải cách cởi mở, lộ trình hợp lý. Việt Nam có thể hưởng lợi từ chuyển giao, áp dụng công nghệ và cần phải đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của nghị trình đổi mới.

Những thách thức trong quá trình phát triển của Việt Nam hiện nay phức tạp hơn nhiều so với 30 năm trước. Sự phức tạp này bắt nguồn từ thực tế phát triển ngày càng đa ngành. Giảm nghèo không chỉ đòi hỏi cải thiện đời sống kinh tế mà còn phải cải thiện các dịch vụ cơ bản và phát triển nguồn nhân lực. Tương tự, phát triển nhân lực không chỉ là về giáo dục mà còn cả về chăm sóc y tế trải suốt vòng đời một công dân, cũng như chăm sóc người cao tuổi và bảo trợ xã hội. Bản chất của phát triển liên vùng và phát triển khu vực tư nhân cũng mang tính đa ngành.

Để giải quyết các vấn đề phức tạp, phải có sự lãnh đạo và quyết tâm mạnh mẽ. Đồng thời, cần có hệ thống quản trị hiệu quả và phát triển, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng theo cả chiều ngang giữa các bộ ngành trong chính phủ lẫn chiều dọc giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Giải quyết những điểm yếu cơ bản liên quan đến cách thức chính phủ cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân sẽ là chìa khóa để thực hiện thành công các chiến lược thảo luận.

Cũng phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Úc tại Việt Nam ông Craig Chittick nhận xét, những bài nghiên cứu được trình bày tạo tiền đề đưa nền kinh tế Việt Nam bước vào một chương tăng trưởng mới. Đây sẽ là giai đoạn để Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thực hiện những bước cải cách mạnh mẽ, qua đó có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển đầy tham vọng.

Hy vọng vấn đề nêu ra của các nhà nghiên cứu và quản lý đối với phát triển tương lai của Việt Nam sẽ được các nhà hoạch định chính sách quan tâm, để từ đó xây dựng chiến lược phát triển quốc gia trong giai đoạn tới.

Lê Thành Ý

Bài liên quan
Fed cắt giảm lãi suất tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Theo TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất có 4 tác động đối với kinh tế - tài chính Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Phao cứu sinh' cho doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do bão số 3
một giờ trước Tài chính và đầu tư
Trận bão số 3 khiến nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng nề. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đề xuất các chính sách hỗ trợ thiệt hại, miễn giảm thuế, phí để có thể phục hồi sản xuất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam trước thách thức tăng trưởng để thoát bẫy thu nhập trung bình