Theo luận tội của VKS, vụ án Việt Á là điển hình cho “lợi ích nhóm”, “thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống”.
Sự kiện

VKS: Vụ Việt Á là điển hình cho sự ‘thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống’

Nhã Thanh 11/01/2024 16:25

Theo luận tội của VKS, vụ án Việt Á là điển hình cho “lợi ích nhóm”, “thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống”.

Theo kế hoạch, chiều mai (12.1), HĐXX TAND TP.Hà Nội sẽ tuyên bản án sơ thẩm đối với 38 bị cáo trong vụ án Việt Á.

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS nêu rõ vụ án này là một điển hình cho “lợi ích nhóm”, “thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống”.

Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền, vì lợi ích vật chất đã thực hiện trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho nhà nước đặc biệt nghiêm trọng…

vks.jpg
Đại diện VKS nêu quan điểm luận tội - Ảnh: N.A

Theo VKS, một bộ phận lãnh đạo cấp cao tại các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã thông đồng với doanh nghiệp, lợi dụng tình hình dịch bệnh để hưởng lợi.

Cụ thể, các bị cáo đã giúp Công ty Việt Á được phối hợp tham gia thực hiện Đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về kit xét nghiệm COVID-19 do Bộ KH-CN là đại diện chủ sở hữu.

Sau đó, bằng nhiều thủ đoạn, các bị cáo đã thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu của đề tài thuộc sở hữu nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Việt Á; sản xuất, thương mại trái phép trên cả nước với giá đã được nâng khống, thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

nguyen-thanh-long.jpeg
38 bị cáo bị đưa ra xét xử tại TAND TP.Hà Nội - Ảnh: N.A

Ảnh hưởng xấu trong lĩnh vục KH-CN

Trịnh Thanh Hùng là Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH-CN). Tuy nhiên, theo VKS, bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, thỏa thuận nhận tiền từ Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á) nên đã cấu kết, thông đồng thực hiện chuỗi hành vi sai phạm.

Cụ thể, VKS xác định Hùng đã để Công ty Việt Á được tham gia phối hợp nghiên cứu đề tài với mục đích sử dụng kết quả đề tài để sản xuất, thương mại kit xét nghiệm, thỏa thuận về việc chia phần trăm doanh thu của Việt Á từ việc bán tiêu thụ kit xét nghiệm trái quy định pháp luật.

Trong việc này, Hùng đã nhận 350.000 USD từ Việt. Hành vi sai phạm của bị cáo Trịnh Thanh Hùng bị VKS nêu rõ là đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, gây ảnh hưởng xấu trong lĩnh vực KH-CN, là khởi đầu của chuỗi sai phạm, kéo dài, xuyên suốt…

Hành vi của Hùng phạm vào tội “Nhận hối lộ” và VKS đề nghị HĐXX xử phạt Trịnh Thanh Hùng từ 14 – 15 năm tù.

trinh-thanh-hung.png
Bị cáo Trịnh Thanh Hùng khai báo tại tòa - Ảnh: N.A

Tự bào chữa, bị cáo Trịnh Thanh Hùng nói rõ thời điểm 2 lần nhận tiền từ Phan Quốc Việt đều là những dịp lễ, tết. Vì vậy, theo bị cáo nhận thức khi đó, việc nhận quà là theo truyền thống của người Việt Nam, mọi người đến gặp gỡ, cảm ơn nhau vì những việc đã xảy ra trước đó.

Tuy nhiên, trong phần đối đáp, VKS dẫn chứng nhiều tin nhắn giữa Hùng và Phan Quốc Việt, trong đó có lời khai “kit test của ông Hùng đấy” để nói lên công lao của Hùng với Việt Á. VKS cũng nêu rõ nội dung “hai bị cáo còn nhắn với nhau rằng đi làm căn cước luôn đi không mòn mất vân tay”. Quá trình thẩm vấn, VKS hỏi mòn vân tay là gì? Bị cáo Hùng trả lời “đếm tiền nhiều mòn vân tay”.

Tại tòa, ông Hùng giãi bày rằng việc nhận tiền của Việt là nỗi đau lớn nhất đối với bị cáo khi đã làm mất đi thành quả học tập, lao động trong nhiều năm công tác.

2-cuu-lanh-dao-bo-khcn.jpg
Hai bị cáo là cựu lãnh đạo Bộ KH-CN, gồm Chu Ngọc Anh (trái) và Phạm Công Tạc

Ngoài ra, cựu Vụ phó cho rằng những tham mưu của bản thân cho bị cáo Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc (cựu Bộ trưởng và cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN) đã thành công, đạt mục đích. Kit xét nghiệm Việt Á ra đời đạt chất lượng cho công tác chống dịch; nó chỉ sai ở quá trình thẩm định giá, hiệp thương giá, công bố giá.

Trước đó, chiều 29.12.2023, Tòa án Quân sự thủ đô Hà Nội đã tuyên phạt Trịnh Thanh Hùng 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đây là vụ án liên quan đến Việt Á do phía quân đội giải quyết.

Phan Quốc Việt là chủ mưu

Theo VKS, trong vụ án này, Phan Quốc Việt giữ vai trò chủ mưu, tổ chức thực hiện chuỗi hành vi sai phạm.

Cụ thể, sau khi được tham gia đề tài, Việt tiếp tục cấu kết với Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký của ông Long), Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ VPCP) và các bị cáo khác để thực hiện nhiều hành vi sai phạm.

phan-quoc-viet.png
Phan Quốc Việt tại tòa - Ảnh: N.A

Đáng chú ý, Việt còn cấu kết với cựu lãnh đạo Bộ KH-CN để được đề nghị tặng Bằng khen; cấu kết với các bị cáo thuộc Bộ Y tế để được hiệp thương theo giá đã được nâng khống; giới thiệu với các lãnh đạo tỉnh/thành để bán thương mại kit xét nghiệm.

Theo VKS, để được giúp đỡ, Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, tiền cảm ơn nhiều cựu quan chức.

Ngoài ra, để tiêu thụ kit xét nghiệm tại các địa phương với số lượng lớn và được thanh toán theo giá nâng khống, Việt cùng các nhân viên công ty đã thông đồng, cấu kết với lãnh đạo, nhân viên các cơ sở y tế công lập thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật về đấu thầu, ứng hàng sử dụng trước, hợp thức thủ tục, hồ sơ thanh toán sau. Sau khi tiêu thụ, Việt chỉ đạo nhân viên tính toán và chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng.

Cựu Giám đốc CDC Bắc Giang chủ động trả lại 2 sổ tiết kiệm

Liên quan đến hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Bắc Giang, VKS xác định bị cáo Lâm Văn Tuấn (cựu Giám đốc CDC Bắc Giang) đã thông đồng với Phan Huy Văn (Giám đốc Công ty Dược vật tư y tế Phan Anh - Bắc Giang) và Phan Quốc Việt về việc CDC Bắc Giang ứng kit xét nghiệm thông qua Công ty Phan Anh để sử dụng trước, hợp thức thủ tục đấu thầu để thanh toán sau.

lam-van-tuan-cuu-gd-cdc-bac-giang-.png
Bị cáo Lâm Văn Tuấn (cựu Giám đốc CDC Bắc Giang) - Ảnh: N.A

Để hợp thức hồ sơ, Tuấn chỉ đạo nhân viên dưới quyền phối hợp, thông đồng với Việt Á, các công ty thẩm định giá để lấy tài liệu, báo giá, ban hành Chứng thư thẩm định giá; ký các tờ trình, dự toán, thủ tục đấu thầu giúp Công ty Phan Anh trúng thầu và được thanh toán theo giá do doanh nghiệp đưa ra trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 100 tỉ đồng.

Tuấn còn được hưởng lợi 5 tỉ đồng nhưng khi biết Công ty Việt Á bị điều tra, Tuấn đã chủ động trả lại 2 sổ tiết kiệm với số tiền 5 tỉ đồng.

Theo luật sư bào chữa, thời điểm Tuấn thực hiện hành vi phạm tội vào đúng lúc dịch COVID-19 nên mọi việc khi đó chỉ là mong muốn có được kit xét nghiệm, giúp nhanh chóng phát hiện ca mắc, khoanh vùng, dập dịch.

Điều này khiến bị cáo Tuấn phải áp dụng cơ chế đặc thù là mượn kit xét nghiệm trước, tiến hành các thủ tục sau… Do vậy, luật sư đề nghị HĐXX có cách nhìn khoan hồng, nhân văn hơn với các cán bộ CDC trong vụ án này nói chung, với ông Tuấn nói riêng.

VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt Lâm Văn Tuấn từ 6 – 7 năm tù.

Bài liên quan
Việt Á khiến hàng loạt lãnh đạo CDC các tỉnh thành vướng vòng lao lý
Ngoài những bị cáo tại CDC các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương, Nghệ An bị đưa ra xét xử trong vụ án Việt Á do Cơ quan CSĐT Bộ Công an thụ lý, thì kit xét nghiệm của Việt Á còn “vươn vòi” gây họa tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VKS: Vụ Việt Á là điển hình cho sự ‘thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống’