Liên quan vụ hô biến 5 căn nhà thành 34 căn hộ cho thuê tại Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng; luật sư cho rằng cần tạm dừng hoạt động kinh doanh tại công trình sai phép đồng thời với áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình.
>Đà Nẵng: ‘Hô biến’ xong 5 ngôi nhà thành 34 căn hộ cho thuê
Phạt tiền đến 20 triệu đồng
Luật sư Trần Hậu (Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) cho rằng: “Căn cứ trên Kết luận thanh tra đột xuất vào ngày 10.9.2019 ký bởi Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ và thực tế các công trình đang tồn tại, có thể thấy đã khá rõ các sai phạm của bà Nguyễn Thanh Huyền khi xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình được xây dựng không đúng diện tích, chiều cao, kết cấu công trình, công năng sử dụng khác Giấy phép xây dựng đã được cấp phép. Theo thông tin được cung cấp, hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú của bà Huyền đang thực hiện cũng chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện để được kinh doanh theo quy định pháp luật”.
“Theo pháp luật xây dựng hiện hành cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 28, và Điều 30 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, điểm a Khoản 4 và điểm d Khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư 03/2018/TT-BXD ngày 24/4/2018, hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng ngoài bị xử phạt với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (đối với nhà ở riêng lẻ đô thị) còn đồng thời buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng bị vi phạm”, luật sư Hậu cho hay.
Luật sư này phân tích: “Đây là quy định mang tính quy phạm mệnh lệnh, không có nội dung loại trừ áp dụng dù với nguyên do gì kể cả vì người vi phạm thiếu hiểu biết hay sự giám sát chậm trễ của cơ quan chức năng. Trường hợp người vi phạm không tự giác chấp hành, các cơ quan nhà nước sẽ tự lên phương án tháo dỡ, thuê đơn vị để cưỡng chế thực hiện và buộc người vi phạm phải chi trả cho các chi phí phát sinh đồng thời với khoản tiền phạt hành chính.
Mục đích quy định và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả không chỉ mang tính răn đe, xử lý sai phạm mà thông qua đó còn ngăn ngừa sự lặp lại của các sai phạm cũng như đảm bảo trật tự, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Nếu đã có cơ chế xử lý rõ ràng nhưng lại không áp dụng vô tình dẫn đến tình trạng xem thường pháp luật, người xây dựng sẽ cố tình sai phạm và khi bị phát hiện lại tìm cách hợp thức hóa, luồn lách để công trình sai phạm vẫn tiếp tục tồn tại mà người bị vi phạm thì chỉ bị phạt tiền với mức phạt quá nhẹ so với sai phạm đã thực hiện. Chủ đầu tư khi xây dựng trước hết cần tự giác tuân thủ pháp luật, tuân thủ nội dung được cấp phép, không thể viện lý do cơ quan chức năng chưa kiểm tra để lấp liếm rằng không biết đã vi phạm”.
Về việc hiện nay 33 căn hộ xây dựng sai phép đang được chủ cho thuê, sử dụng với mục đích cơ sở lưu trú, thu tiền kinh doanh, luật sư Trần Hậu nói: “Theo quy định tại Khoản 9 Điều 7 Nghị định 78/2015/NĐ-CP đã quy định trong trường hợp hộ kinh doanh kinh doanh ngành nghề có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện thì cơ quan đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngưng kinh doanh ngành, nghề có điều kiện đồng thời thông báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư cho rằng các hạng mục xây dựng sai giấy phép cần phải đập bỏ để thượng tôn pháp luật
Xử lý sai phạm không đúng cũng được xem là vi phạm pháp luật
Theo kết luận thanh tra ngày 10.9.2019 đã xác định hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú của bà Nguyễn Thanh Huyền không đủ điều kiện vì lý do cơ sở lưu trú chưa được cấp phép, sử dụng công trình sai công năng sử dụng. Như vậy đối chiếu quy định pháp luật thì cần tạm dừng hoạt động kinh doanh tại công trình sai phép đồng thời với áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình. Thế nhưng UBND quận Cẩm Lệ lại cho phép công trình được tồn tại trên cơ sở hướng dẫn thực hiện thủ tục chuyển đổi công năng sử dụng từ mục đích xây dựng nhà để ở sang kinh doanh dịch vụ lưu trú là không phù hợp với pháp luật”.
Thực tế hiện nay các công trình xây dựng không phép, sai phép đang diễn ra tràn lan, bùng phát từ các công trình đơn lẻ cho đến các dự án đầu tư với quy mô lớn. Nguyên nhân cho tình trạng này không chỉ bởi sự thiếu chặt chẽ, sát sao trong khâu quản lý, giám sát, thanh kiểm tra mà còn bởi sự nới lỏng, nể nang, không quyết liệt khi xử phạt công trình sai phạm.
Pháp luật ban hành là để mọi người nghiêm chỉnh tuân thủ, việc xử lý sai phạm không đúng theo quy định pháp luật cũng được xem là một hành vi vi phạm pháp luật.
“Trong sự việc này, bà Huyền không thuộc các đối tượng hạn chế, mất năng lực hành vi dân sự hay được hưởng những sự đặc quyền mà pháp luật đã quy định. Do vậy như bao công dân khác, bà Huyền buộc phải tuân thủ quy định pháp luật kể cả trong hoạt động xây dựng công trình và chế tài xử lý khi vi phạm. Các nội dung giải quyết nếu mang tính nương nhẹ, cá nhân sẽ tạo nên tác dụng ngược, tiền lệ xấu và gây nên những phản ứng tiêu cực và mất đi tính nghiêm minh pháp luật”,ông Hậu cho hay.
“Thực tế, có nhiều doanh nghiệp, cá nhân bằng một cách nào đó hay sử dụng phương thức mang tính chất cứ xây dựng trái phép, rồi tìm cách hợp thức hóa sai phạm, nếu tất cả mọi công dân đều dùng cách này thì pháp luật không còn ý nghĩa và giá trị gì nữa. Nhiều công trình xây dựng sai phép ngang nhiên được xây cất vì người ta có tâm lý sẽ “chạy” được đường để từ sai thành đúng, từ vi phạm đến hợp pháp, từ đáng ra bị xử lý sẽ được bỏ qua”.
“Chúng tôi cho rằng tiền lệ của các hoạt động vô pháp như vậy không nên được tiếp tục, và mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền thì phải làm những gì mà pháp luật buộc họ phải làm, không thể du di cho qua được”, luật sư Trần Hậu, nói.
>Đà Nẵng tháo dỡ hàng loạt quán nhậu không phép cạnh cầu Rồng
> Đà Nẵng: Thu hồi nhiều ngàn mét vuông đất công viên bị xẻ bán trái phép
Lê Đình Dũng