Ngoài quân lính, tàu chiến, dân đảo đến quán uống bia, chơi cầu lông... là "vũ khí bí mật" Trung Quốc trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“Vũ khí bí mật” Trung Quốc trên đảo Phú Lâm là dân thường

Một Thế Giới | 11/03/2016, 05:08

Ngoài quân lính, tàu chiến, dân đảo đến quán uống bia, chơi cầu lông... là "vũ khí bí mật" Trung Quốc trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

"Vũ khí bí mật" Trung Quốc chính là dân thường TQ

Theo tin trang Foreign Policy (Mỹ) đăng tải ngày 8.3, việc chính quyền TQ đưa dân đến sống ở đảo Phú Lâm là một cách để Bắc Kinh củng cố tuyên bố ngang ngược độc chiếm Biển Đông. Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng dân sự là một cái giá rẻ để TQ đòi chủ quyền 90% Biển Đông, củng cố quyền kiểm soát và tìm sự ủng hộ của người dân TQ.   

Phú Lâm trước đây không có người ở, nay có khoảng 1.000 người gồm quân nhân và dân thường kiếm sống bằng cách đánh cá ở nơi mà TQ gọi là “thành phố Tam Sa”.
TQ chiếm Hoàng Sa năm 1974 nhưng mãi hai năm gần đây, TQ mới tiến hành xây cơ sở hạ tầng, đường băng trên các đảo của Hoàng Sa và cả trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hồi giữa tháng 2, có thông tin được Trung Quốc xác nhận là Bắc Kinh đã dàn tên lửa đất đối không HQ-9 và hệ thống radar tại Phú Lâm.
Nhưng không chỉ có các cơ sở quân sự, TQ vài năm qua tranh thủ sự không để ý của cộng đồng quốc tế, cũng đã xây các cơ sở dân sự ở Phú Lâm. Theo trang Foreign Policy, năm 2012, một ngư dân TQ cho Tân Hoa Xã biết khi lần đầu ông đến Phú Lâm năm 1979, người dân sống trong nhà tranh. Nay họ đã có thể uống cà phê ở quán lúc ban sáng, đêm xuống thì uống bia giải khát. Khi không phải đi đánh cá, người dân TQ chơi thể thao như cầu lông, đá banh.   

Theo giới truyền thông nhà nước TQ, một ngôi trường được khánh thành hồi cuối năm 2015, là nơi mà 40 trẻ con của dân đảo đến học tập. Tiện nghi nhà ở cũng được bán đầy ở phố chính của Phú Lâm là “Đường Bắc Kinh”.

Người dân có thể đi ăn nhà hàng, đến tiệm trà, gửi thư ở một bưu điện, được chữa trị tại một bệnh viện và thoải mái dùng thẻ ATM. Họ cũng có thể mua quần áo, đồ dùng điện tử tại nhiều cửa hàng nhỏ.

“Thành phố Tam Sa” cũng có riêng đài truyền hình “Tam Sa TV”. Nó trở thành một “trung tâm hành chính” cho các đảo nhỏ và vùng “lãnh hải của TQ” trên Biển Đông, kể cả quần đảo Trường Sa.  

Theo trang Foreign Policy, dân TQ ở “Tam Sa” rất khoái thông tin sẽ có thêm quân đến trú đóng. Một số cư dân mạng Weibo bàn đến chuyện dọn đến “Tam Sa” định cư, vì “ở đó có lính bảo vệ ta, cảnh đẹp, sống ở đảo này rất lý tưởng”.  

Người khác thì mơ đến đây trồng rau sạch, trong khi TQ khuyến khích người dân đi du lịch “Tam Sa” trong khi người TQ ở Bãi Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị TQ chiếm trái phép) đã đón chào hai chuyến bay hạ cánh thử nghiệm trên đường băng dài 3.000m tại đây.

Các cơ sở hạ tầng mới chắc chắn cải thiện đời sống dân đảo, theo Foreign Policy. Vương Chí Anh, một dân đảo, nói với nhà báo TQ ngày 1.1.2016: “Từ khi Tam Sa lên thành phố, chúng tôi chẳng phải lo chuyện miếng ăn nước uống, điện nước, sóng điện thoại di động”.  

Vương từng được bầu là một trong 10 “Công dân Tam Sa kiểu mẫu” năm 2015, đã cùng chồng và con trai đến đảo này từ hơn 10 năm trước. Bà Vương nói: “Đảo này là nhà mới của tôi, đời sống tiện nghi không thua các thành phố khác”.
TQ xây đường băng lấn biển ở đảo Phú Lâm
TQ “quy hoạch đô thị” trái phép để đòi khu đặc quyền kinh tế (EEZ)

“Tam Sa” do chính phủ TQ điều hành, được lên cấp thành phố năm 2012 “nhằm tuyên bố với thế giới rằng TQ có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ không thể tranh cãi ở khu vực này”. Theo thông tin của Tân Hoa Xã hồi tháng 8.2014, cho biết thêm việc nâng cấp nhằm “giúp quản lý 2 triệu km vuông đảo, các vùng ven biển và lãnh hải ở biển Hoa Nam”.  

TQ cũng mời tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép, như ở bãi Đá Chữ Thập. Các dự án tương lai có thể là một tuyến hàng không dân sự thường xuyên, xây các bờ kè và một trung tâm cứu hộ hàng hải, theo Tân Hoa Xã ngày 15.1.2016. Phùng Văn Hải, chủ tịch “thành phố Tam Sa” nói trong tương lai gần cũng sẽ lắp đặt cáp quang học dưới đáy biển và hệ thống Wi-Fi ở nơi này.

Các chuyên gia nhận định điều kiện sống tốt cho dân cư “Tam Sa” có thể củng cố việc đòi chủ quyền lãnh thổ của TQ. “Nếu họ không thể duy trì dân cư thì Phú Lâm sẽ không thể có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý như Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) đã quy định”, theo Bill Hayton, tác giả cuốn sách “Biển Đông: cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á”, và là nhà nghiên cứu của Viện Hoàng gia các vấn đề quốc tế (London).

Theo “Tam Sa TV” hồi cuối năm ngoái, hiện ở Phú Lâm, nhiệm vụ trọng tâm là lắp đường ống dẫn nước, xây nhà máy xử lý nước để chuyển nước biển thành nước sinh hoạt. Bãi Đá Chữ Thập với 200 quân cũng đã có nhà máy xử lý nước biển và hệ thống trữ nước mưa. Các máy đo được lắp đặt trong nhà tắm, để hạn chế dân thường chỉ tắm 45 lít nước/tuần.

Nhà nghiên cứu Hayton cho biết: “Không có nước ngọt sẽ làm hỏng mục tiêu của tất cả cơ sở hạ tầng dân sự, vốn cần có để chứng minh đảo có thể nuôi dân, nhằm để TQ có được vùng EEZ”.  

Tầm cỡ chiến lược quân sự của đảo Phú Lâm

Việc TQ ngang ngược tuyên bố độc chiếm 90% Biển Đông đã gây quan ngại cho các nước láng giềng của TQ. Với chủ trương “ngoại giao nước lớn”, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình quyết tâm đòi chủ quyền này mạnh hơn các tiền nhiệm, hậu quả dẫn đến những va chạm hàng hải: Mỹ đã cho tàu chiến, máy bay thực hiện các cuộc tuần tra quyền tự do hàng hải (FONOP) ở bãi Đá Chữ Thập hồi tháng 10.2015 và đến đảo Phú Lâm hồi đầu năm 2016.

Ngày 26.2, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, cảnh báo Trung Quốc đang từng bước thực hiện kiểm soát trái phép toàn bộ Biển Đông nên Mỹ cần tăng cường FONOP.
Ông nói việc TQ xây đường băng, lắp các trạm radar trên những đảo nhân tạo trái phép thuộc Trường Sa, triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa cho thấy Bắc Kinh quyết làm chủ khu vực.

Đô đốc Harris lo ngại nhất khả năng TQ lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên toàn bộ Biển Đông, để có thể dùng sức mạnh quân sự đe dọa bất kỳ tàu và máy bay nào di chuyển trong khu vực này. “Đó sẽ là hành vi gây bất ổn nghiêm trọng”, đô đốc Harris nhấn mạnh.

Tàu chiến Mỹ tuần tra FONOP
Đảo Phú Lâm đã được quân sự hóa, có diện tích đủ lớn để TQ triển khai các loại vũ khí và khí tài quân sự hiện đại. Cơ sở hạ tầng ở Phú Lâm được TQ đầu tư từ nhiều năm qua, gồm cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu có tải trọng tối đa 5.000 tấn, sân bay với đường băng dài 2.500m, đủ để các chiến đấu cơ thế hệ 4 như J-10, J-11, JH-7 hay Su-30 cất và hạ cánh.

Các đảo tại Hoàng Sa giúp hải quân TQ có thể triển khai lực lượng từ đảo Hải Nam vượt hơn 400km đến các đảo nhỏ một cách thông suốt. Hoạt động này giảm thiểu các hạn chế về tiếp tế - tiếp liệu. Chúng còn là những căn cứ quan trọng cho TQ thu thập tình báo, theo dõi, giám sát hoạt động của tàu dân sự và tàu quân sự của các nước láng giềng.  

Trong kịch bản thời bình, khả năng kiểm soát - phòng thủ cho phép TQ kiểm soát chặt hoạt động của tàu thuyền, qua đó chứng minh “chủ quyền” của TQ ngay trên thực địa.

Là đảo lớn nhất và có ý nghĩa chiến lược nhất, Phú Lâm án ngữ phía bắc Biển Đông. Lợi thế này sẽ gia tăng đáng kể độ rủi ro cho hải quân Mỹ, một khi lực lượng này muốn tác chiến tại vùng biển Hoàng Sa.

Trong kịch bản xung đột, Mỹ không chỉ không thể tiếp cận chiến trường mà còn gặp khó khăn trong việc hỗ trợ hiệu quả cho các nước đồng minh.

Trung Quốc sẽ lại phớt lờ đơn kiện của Philippines

Có lẽ vào tháng 5 tới, Tòa án trọng tài thường trực The Hague sẽ có phán quyết về đơn kiện của Philippines tố cáo TQ đòi độc chiếm Biển Đông. Nếu tòa xử Philippines thắng, “một kịch bản lạc quan” là TQ sẽ tuân thủ UNCLOS, theo ông Hayton.   

Vấn đề là TQ không chịu tham gia vụ kiện này. Năm 2015, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố một phán quyết sơ bộ của tòa trên là “vô hiệu lực” và nói trong tương lai, các phán quyết sẽ không có hiệu lực ở TQ.   

Lý Minh Giang, giáo sư ở Đại học kỹ thuật Nam Anh (Singapore) nói: “Rất có khả năng Bắc Kinh sẽ phớt lờ phán quyết của Tòa. Nhiều lãnh đạo cấp cao TQ cho rằng Mỹ dính líu ngay từ đầu và Manila đâm đơn kiện để gây sức ép lên Bắc Kinh”.

Những người khác cho rằng TQ không thể hoàn toàn phớt lờ phán quyết nghiêng về Philippines, vì TQ sẽ bị cộng đồng quốc tế gây sức ép phải tuân thủ. Bộ Ngoại giao TQ từ chối bình luận với trang Foreign Policy.

Tạ Mỹ Yến, nhà phân tích cấp cao về TQ ở tổ chức nghiên cứu International Crisis Group, nói rằng dù không có khả năng quốc tế chấp nhận tuyên bố ngang ngược của TQ, việc xây dựng cơ sở phi quân sự nhằm mục đích khác.

Bà nói: “Bắc Kinh muốn thể hiện sự kiểm soát hiệu quả và sử dụng chúng để tăng uy tín của chính quyền với nhân dân TQ, chặn các nước khác đòi chủ quyền khỏi mục tiêu làm suy yếu tầm kiểm soát của TQ”.

Vĩnh Thụy (theo Foreign Policy)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Vũ khí bí mật” Trung Quốc trên đảo Phú Lâm là dân thường