Nhờ các nghệ sĩ xăm hình, người dân Myanmar đã xăm các dòng chữ ý nghĩa hoặc gương mặt bà Aung San Suu Kyi lên cơ thể để phản đối quân đội cũng như thể hiện tình cảm với nhà lãnh đạo của mình.
Hơn 1 tháng qua, Myanmar được thế giới biết đến với các cuộc biểu tình của người dân sau khi quân đội Myanmar đảo chính ngày 1.2, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và nhiều lãnh đạo khác của chính quyền dân sự.
Từ thành phố lớn như Yangon và Mandalay đến Nyaung Shwe của bang Shan, một thị trấn nhỏ gần Hồ Inle, điểm du lịch nổi tiếng ở Myanmar, những người biểu tình đang đòi dân chủ.
Trong suốt các cuộc biểu tình kéo dài này, các nghệ sĩ đã giúp định hình cách thể hiện sự phản đối của người dân một cách trực quan, từ tranh minh họa về những người biểu tình đã chết, tranh tường khổng lồ, tác phẩm nghệ thuật đường phố đến ảnh châm biếm phản đối người lãnh đạo đảo chính là Thống tướng Min Aung Hlaing.
Hình xăm nghệ thuật - "vũ khí mới" của người dân
Có lẽ hình thức phản đối lâu dài và khắc sâu nhất chính là các hình xăm nghệ thuật.
Một số người đã xăm các dòng chữ như Freedom from Fear (Giải thoát khỏi nỗi kiếp sợ); Cách mạng mùa xuân với cụm từ Kabar Ma Kyay Bu (liên quan đến một bài hát phản đối và mang ý nghĩa "chúng ta sẽ không quên cho đến tận thế”), hoặc hình xăm khuôn mặt bà
Aung San Suu Kyi; bàn tay có ba ngón giơ lên – biểu tượng phong trào đấu tranh của người dân Myanmar và nước láng giềng Thái Lan. Trong đó, hình xăm phổ biến nhất là chân dung bà Aung San Suu Kyi.
Các tiệm xăm cho biết ngày càng có nhiều người đến xăm những họa tiết này sau khi quân đội Myanmar thực hiện cuộc đảo chính hồi đầu tháng 2.
“Hình xăm là kỷ niệm khắc sâu trên thân thể và theo bạn cả cuộc đời. Đó cũng là một cách để thể hiện ước mơ của chúng tôi. Những hình xăm không thể bị xóa và nó thể hiện sự đoàn kết của chúng tôi”, Htun Htun, một người dân của Nyaung Shwe, cho biết.
Htun Htun là 1 trong 70 người phản đối quân đội ở Nyaung Shwe hôm 12.3 bằng hình thức xăm mình. Đây sự kiện nhỏ do nhóm thanh niên địa phương thuộc dân tộc thiểu số Intha tổ chức, đã mời người biểu tình xăm hình để gây quỹ cho phong trào bất tuân dân sự, hay còn gọi là CDM.
CDM là phong trào đã chứng kiến hàng ngàn công nhân cổ cồn trắng và cổ cồn xanh, từ nhân viên y tế, chủ ngân hàng và luật sư đến giáo viên, kỹ sư và công nhân nhà máy, bỏ việc như hình thức phản đối cuộc đảo chính quân sự ngày 1.2 ở Myanmar.
Tại sự kiện này, 8 nghệ sĩ xăm hình thực hiện nhiều hình xăm trên cơ thể những người tham gia. Mỗi hình xăm mất khoảng 20 phút để hoàn thành và người được xăm quyên góp tối thiểu là 2 USD. Người tham gia có thể chọn 1 trong 4 hình nêu trên.
Khuôn mặt bà Suu Kyi - hình xăm phổ biến nhất
Moh Moh, 26 tuổi, người tham gia sự kiện không muốn cung cấp tên đầy đủ, đã bày tỏ quan điểm: “Tôi xăm hình vì tôi yêu mến bà Aung San Suu Kyi và ngưỡng mộ những người đã đứng lên phản đối chế độ độc tài. Để có được một hình xăm này, tôi phải chịu đau đớn nhưng chẳng là gì so với nỗi đau trong tim người dân chúng tôi (do cuộc đảo chính)".
Nyi Nyi Lwin, người đứng đầu phong trào, cho biết: "Chiến dịch xăm hình là ý tưởng của riêng chúng tôi - đó là một nhóm thợ xăm đang sử dụng sự kiện này để ủng hộ CDM. Những gì đang xảy ra với các cuộc biểu tình còn đáng lo ngại hơn cả COVID-19".
Anh cho biết sự kiện này cũng bị ảnh hưởng bởi những cuộc đàn áp chết người gần đây của lực lượng an ninh Myanmar. Một số người lo sợ vì có tin đồn rằng cảnh sát sẽ đến để bắt những người tham gia.
Các cuộc đụng độ vẫn đang diễn ra
Những tuần gần đây, quân đội và cảnh sát đã tăng cường trấn áp những người biểu tình tại các thị trấn và thành phố trên khắp Myanmar. Lực lượng an ninh đã bị cáo buộc giết người khi nổ súng trực tiếp vào đám đông và sử dụng đạn cao su, hơi cay và lựu đạn gây choáng chống lại người biểu tình. Có ít nhất 149 người đã chết trong các cuộc đàn áp biểu tình, trong đó có nhiều thanh thiếu niên.
Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) cho biết đến hơn 2.150 người bị bắt giữ, buộc tội và khoảng 300 người được thả, tính đến hết ngày 13.3.
"Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục bất chấp những người vô tội chết dưới bàn tay quân đội. Tình trạng này phải chấm dứt. Chúng tôi biểu tình để đòi tự do cho bà Aung San Suu Kyi và khôi phục nền dân chủ", nghệ sĩ xăm hình chào bằng ba ngón tay và nói.
Giống như trong bộ phim The Hunger Games (Đấu trường sinh tử), màn chào hỏi giơ ba ngón tay đã trở thành biểu tượng phản kháng của các nhóm người châu Á, tự gọi mình là thành viên của phong trào “Liên minh trà sữa” (Milk Tea Alliance) do sự phổ biến của loại đồ uống ở những nơi xảy ra các cuộc biểu tình. Phong trào, bắt đầu từ hồi tháng 4 trên mạng xã hội, kèm hastag #MilkTeaAlliance, hình thức phản đối trực tuyến phát triển ở Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Myanmar và cả Ấn Độ.
Giáo sư Wasana Wongsurawat tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) đánh giá “Liên minh Trà sữa” còn là dấu hiệu cho thấy thách thức Trung Quốc phải đối mặt liên quan đến ảnh hưởng của nước này trong khu vực.
Các thành viên ủng hộ phong trào đấu tranh vì dân chủ đã áp dụng những hình tượng tương tự tại các quốc gia bao gồm khẩu hiệu, biển báo phản đối, nón bảo hiểm giống nhau và kính bảo hộ quen thuộc hiện nay, chiến thuật biểu tình cùng kiểu chào bằng ba ngón tay.
Sự nổi tiếng của biểu tượng trong cuộc biểu tình bằng hình xăm ở Nyaung Shwe là dấu hiệu cho thấy phong trào đã lan rộng ra và tràn xuống những vùng hẻo lánh, xa xôi hơn trên đất nước Myanmar.
Quá khứ đau buồn
Cách Nyaung Shwe không xa, nằm ẩn mình trong những ngọn đồi Shan, là điểm du lịch nổi tiếng: Hồ Inle. Những tuần gần đây, hàng nghìn người đã tổ chức hình thức phản đối độc đáo trên hồ: Tụ tập trên thuyền gỗ và tàu cá truyền thống, giơ cao mái chèo và các dấu hiệu chống chế độ quân sự.
Các cuộc biểu tình cũng nổ ra gần các địa danh mang tính biểu tượng khác của Myanmar, bao gồm Bagan, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, nổi tiếng với hàng nghìn ngôi chùa và đền cổ.
Từ Yangon đến thủ đô Naypyidaw, thậm chí trong số những người Myanmar di cư ở Thái Lan, nhiều người đang xăm hình khuôn mặt của bà Suu Kyi 75 tuổi lên ngực và cánh tay. Từng đoạt giải Nobel Hòa bình và là cựu tù nhân chính trị, bà Suu Kyi đã đứng đầu Myanmar với tư cách là nhà lãnh đạo dân sự đầu tiên kể từ khi chế độ quân sự chấm dứt tại quốc gia này vào năm 2011.
Dù danh tiếng trên chính trường quốc tế bị giảm sút sau khi bà Suu Kyi bảo vệ quân đội chống lại các cáo buộc diệt chủng tại Tòa án Công lý Quốc tế và không lên tiếng về những hành động tàn bạo với cộng đồng Rohingya nhưng ở quê nhà, bà vẫn cực kỳ nổi tiếng, đặc biệt là với đa số người dân tộc Bamar. Nhiều người dân Myanmar rất quý mến bà.
Năm 1988, Aung Soe, 49 tuổi, từng tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hàng loạt, được gọi là cuộc nổi dậy 8888, bị quân đội đàn áp dữ dội và cuối cùng kết thúc bằng một cuộc đảo chính quân sự.
Ông nói: "Tất cả những người biểu tình thời đó đều xăm hình trên bắp tay để thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết, nhưng chúng khác với những hình xăm ngày nay”.
Aung Soe nói rằng trong cuộc đàn áp năm 1988, có ít nhất 3.000 người đã thiệt mạng và bản thân ông đã phải thường xuyên thay đổi địa điểm để trốn tránh nhà chức trách. Trong các cuộc biểu tình gần đây, nhiều người biểu tình, nhà hoạt động và nhà báo cũng đã trốn chạy vì sợ lực lượng an ninh bắt giữ.
Ông nói: “Thế hệ Z giàu cảm xúc hơn chúng tôi rất nhiều. Họ quan tâm rất nhiều đến tự do. Tình hình ngày nay, so với năm 1988, đã khác bởi chúng tôi hiện có chính phủ được bầu cử... và thế giới biết những gì đang xảy ra ở Myanmar. Trước đây, chúng tôi không thể truyền đi bất kỳ thông tin nào, dù ở trong nước hay nước ngoài. Cộng đồng quốc tế đã không quan tâm đến chúng tôi".
Văn hóa xăm mình
Myanmar có lịch sử xăm mình lâu đời và phong phú, đặc biệt là giữa các nhóm dân tộc đa dạng của đất nước. Ở các bang miền bắc Shan và trung tâm Karen, đàn ông xăm hình lên đùi để tượng trưng cho sự nam tính và dũng cảm. Những người khác tin rằng hình xăm truyền thống sẽ giúp họ có sức mạnh ma thuật. Ở bang Chin thuộc miền núi xa xôi ở phía tây Myanmar, phụ nữ địa phương được biết đến với hình xăm trên mặt.
Thế nhưng, việc xăm hình đã bị cấm ở Myanmar - khi đó được gọi là Miến Điện - dưới sự cai trị của thực dân Anh. Những phụ nữ Chin xăm hình lên mặt đã bị chính quyền xã hội chủ nghĩa của quân đội Miến Điện đặt ra ngoài vòng pháp luật vào những năm 1960.
Kể từ khi đất nước bắt đầu mở cửa và bắt tay vào một loạt cải cách từ năm 2011, hình xăm đã trở lại và phổ biến hơn, đặc biệt ở thế hệ trẻ.
Htun Htun cho biết tất cả bạn bè của anh ở Nyaung Shwe đang xăm hình để thể hiện sự phản đối, "nhưng ở Yangon thì không thể do cuộc đàn áp. "Tất cả chúng tôi đều hy vọng vào nền dân chủ và yêu cầu trả tự do cho các nhà lãnh đạo của mình”, anh nói.
Theo Htun Htun, sức mạnh của các cuộc biểu tình nhỏ là "đoàn kết mọi người trong một phong trào".
"Sự leo thang của bạo lực khiến tôi kinh hãi. Chúng tôi không có khả năng tự vệ. Súng đạn không phải là giải pháp", Htun Htun nói thêm.