Quân đội Myanmar đã bắt giữ một số bác sĩ điều trị tại nhà cho bệnh nhân COVID-19 vì tức giận trước sự ủng hộ của họ với các cuộc biểu tình chống chính quyền, khi hệ thống y tế đang phải vật lộn để đối phó với làn sóng nhiễm trùng kỷ lục.
Kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào tháng 2, tình trạng hỗn loạn và biểu tình đã khiến phản ứng với COVID-19 của Myanmar rơi vào hỗn loạn. Các nhà hoạt động cho biết nhiều bác sĩ bị bắt vì vai trò nổi bật của họ trong phong trào bất tuân dân sự.
Hôm 22.7, Myanmar đã ghi nhận 6.701 ca mắc COVID-19 mới và
319 người chết. Qua đó, Myanmar đã có tổng cộng 253.364 ca COVID-19 với 6.133 người chết. Các dịch vụ y tế và tang lễ cho biết số người chết thực sự cao hơn nhiều với các lò hỏa táng quá tải.
Để giúp những bệnh nhân COVID-19 từ chối đến bệnh viện nhà nước vì phản đối quân đội, hoặc nhận thấy các bệnh viện quá chật chội để điều trị cho họ, một số bác sĩ tham gia chiến dịch chống chế độ quân sự đã đưa ra lời khuyên y tế miễn phí qua điện thoại và thăm khám người bệnh ở nhà trong một số trường hợp.
Thế nhưng, theo các bác sĩ và báo chí đưa tin trong vài tuần qua, 9 bác sĩ tình nguyện cung cấp thuốc từ xa và các dịch vụ khác đã bị quân đội giam giữ tại Yangon và Mandalay, hai thành phố lớn nhất Myanmar.
Nhóm thông tin của Hội đồng Quản lý Nhà nước do quân đội Myanmar đứng đầu đưa ra tuyên bố bác bỏ các báo cáo rằng 5 bác sĩ đã bị bắt ở Yangon, nhưng bỏ qua mọi liên quan đến các vụ bắt giữ bị cáo buộc ở Mandalay, bao gồm cả các bác sĩ hoạt động trong phong trào bất tuân dân sự.
Tất cả các cuộc điện thoại đến phát ngôn viên của quân đội Myanmar đều không được trả lời.
Một bác sĩ yêu cầu giấu tên vì sợ bị chính quyền quân sự nhắm tới, cho biết 4 đồng nghiệp của ông thuộc nhóm Medical Family – Mandalay đã bị bắt. Trong đó có Kyaw Kyaw Thet (đang dạy kèm cho các sinh viên y khoa) và bác sĩ phẫu thuật cấp cao Thet Htay (người mà các nhân chứng đã nhìn thấy bị còng tay và bầm tím trước khi bị dẫn đi vào ngày 16.7).
Nhóm của họ được thành lập để tư vấn cho những người mắc COVID-19 qua điện thoại cách thở, cách sử dụng máy tạo oxy, mua loại thuốc nào và cách dùng chúng.
"Chúng tôi đã khám chữa bệnh cho hàng trăm người mỗi ngày", bác sĩ cho biết và nói thêm rằng nhiều bệnh nhân nữa có thể đã chết nếu họ không được chăm sóc.
Các báo cáo truyền thông từ thành phố Yangon, vốn bị quân đội phủ nhận, cho biết 3 bác sĩ từ một nhóm phản ứng COVID-19 đã bị bắt sau khi bị dụ đến nhà bởi những người lính giả vờ cần được điều trị. Chính quyền cũng bác bỏ thông tin của cổng thông tin Myanmar News rằng lực lượng an ninh đã bắt giữ 2 bác sĩ trong một cuộc đột kích tiếp theo vào văn phòng của họ ở quận Bắc Dagon, thành phố Yangon.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia cũng cáo buộc lực lượng an ninh đã lấy bình oxy, quần áo bảo hộ và thuốc để sử dụng cho chính họ trong các cuộc đột kích đó.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia được thành lập hôm 16.4 bởi những người phản đối chính quyền quân sự bao gồm các thành viên Quốc hội bị lật đổ, các nhà lãnh đạo của cuộc biểu tình chống đảo chính và các dân tộc thiểu số.
Trước đó, quân đội Myanmar đã bắt các nhân viên y tế vì sự ủng hộ rõ ràng của họ cho phong trào bất tuân dân sự.
Nhóm hoạt động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết hàng trăm bác sĩ tham gia chiến dịch chống chế độ quân sự đã bị buộc tội tung tin giả và 73 người bị bắt.
Hậu quả là sự thiếu hụt nhân viên tại các bệnh viện và phòng khám đã khiến công chúng không tin tưởng vào chính quyền.
Một phát ngôn viên của quân đội Myanmar tuần trước đã kêu gọi mọi người hợp tác với chính phủ để khắc phục dịch bệnh. Theo một số bác sĩ, vụ bắt giữ mới nhất có thể là nỗ lực để buộc người dân phải phụ thuộc nhiều hơn vào chính quyền quân sự Myanmar.
Phủ nhận các vụ bắt giữ được báo cáo ở Yangon, chính quyền quân sự Myanmar đề cập đến thông tin về việc các bệnh nhân COVID-19 được điều trị bí mật và bị tính giá cao hoặc được hướng dẫn đến các phương pháp chữa trị trực tuyến, nói thêm rằng tính mạng đang mất đi một cách không cần thiết.
Yanghee Lee, cựu báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền ở Myanmar, đã cáo buộc chính quyền "vũ khí hóa COVID-19 vì lợi ích chính trị của riêng họ".