Theo các nhà phân tích, vụ lừa đảo tiền tiết kiệm rúng động Trung Quốc xảy ra gần đây được cho là một cuộc khủng hoảng chính trị có thể làm xói mòn niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính quốc gia.

Vụ lừa đảo ngân hàng lớn nhất lịch sử Trung Quốc có thể là một thảm họa chính trị lâu dài

Đan Thuỳ | 14/07/2022, 13:08

Theo các nhà phân tích, vụ lừa đảo tiền tiết kiệm rúng động Trung Quốc xảy ra gần đây được cho là một cuộc khủng hoảng chính trị có thể làm xói mòn niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính quốc gia.

Theo đó, 4 ngân hàng nông thôn có trụ sở ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã đóng băng hàng triệu tài khoản tiền gửi trong tháng 4 vừa qua, khiến nhiều công ty rơi vào tình trạng không thể thanh toán tiền lương cho nhân viên và khách hàng cá nhân không thể rút tiền tiết kiệm.

Ít nhất 6 tỉ USD tiền gửi tại 4 ngân hàng nhỏ ở Hà Nam bị phong tỏa, ảnh hưởng đến khoảng 400.000 khách hàng.

Theo Ủy ban Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, kết quả điều tra chỉ ra New Fortune Group Hà Nam - một công ty đầu tư tư nhân có cổ phần ở 4 nhà băng nhỏ tỉnh Hà Nam đã thông đồng với các nhân viên ngân hàng để huy động vốn trái phép thông qua những nền tảng trực tuyến của bên thứ 3.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc chưa xác nhận số tiền bị đóng băng trong 4 ngân hàng. Tuy nhiên, những người gửi tiền đã lập nhiều nhóm trên mạng xã hội để thể hiện sự bất bình, nói rằng số tiền bị đóng băng lên tới hàng chục tỉ nhân dân tệ.

Cảnh sát Hà Nam đã bắt giữ một số nghi phạm liên quan đến vụ bê bối, trong khi Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm của tỉnh này tối 10.7 cho biết đã kiểm tra tài chính của các ngân hàng và sẽ sớm đưa ra kế hoạch bồi thường.

anh-chup-man-hinh-2022-07-14-luc-11.39.03.png
Hàng trăm người Trung Quốc đã biểu tình đòi lại tiền trong vụ lừa đảo tài chính lớn với hàng chục tỉ nhân dân tệ bị giam tại ngân hàng - Ảnh: Internet

Các nhà phân tích cho rằng, đòn đánh vào niềm tin của công chúng đối với sự ổn định tài chính và khả năng của chính phủ trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ có thể là một vấn đề dài hạn, trừ khi chính quyền trung ương có thể tìm cách trả số tiền kịp thời cho những nạn nhân của vụ bê bối này.

Dali Yang, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Chicago (Mỹ), cho biết cuộc biểu tình ở Hà Nam là một cuộc khủng hoảng chính trị lớn vì quy mô và tính chất nghiêm trọng của nó.

"Đây là một cuộc khủng hoảng tín nhiệm liên quan đến không chỉ một số ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam mà còn với một số lượng lớn các chủ tài khoản cơ sở trên toàn quốc. Thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Theo chủ nghĩa Mác, rủi ro tài chính và kinh tế về cơ bản là rủi ro chính trị và đó là lý do tại sao nhiều người lo ngại về việc ngăn chặn vấn đề lan rộng hơn", ông Yang chia sẻ.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi trên các video được lan truyền rộng rãi tại Trung Quốc, đám đông người biểu tình tập trung tại một chi nhánh của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ở Trịnh Châu. Họ ném những chai nước rỗng, giơ cao biển và hét lên "trả lại tiền cho chúng tôi".

Những cuộc biểu tình lớn là điều hiếm gặp tại Trung Quốc, nhưng hiện nay, tình hình dường như đã vượt ngoài tầm kiểm soát của giới chức trách địa phương. Trong 2 cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 23.5 và 26-27.6, đám đông lên tới hàng trăm người.

anh-chup-man-hinh-2022-07-14-luc-11.40.50.png
Nhóm người trưng biểu ngữ đòi tiền trước cửa ngân hàng tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, sáng 10.7. Ảnh: AFP

Tệ hơn nữa, trong một video clip được lan truyền rộng rãi về một cuộc biểu tình vào ngày 10.7, những người biểu tình đã bị những người mặc quần áo trắng không rõ danh tính đánh đập. 

Bên cạnh đó, vào tháng 6.2022, khi các nạn nhân cố gắng biểu tình, nhiều người nhận thấy mã sức khỏe trên điện thoại di động của họ cần thiết để sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc vào các tòa nhà đã chuyển sang màu đỏ - gắn cờ họ là nguy cơ nCoV cho dù họ không bị nhiễm COVID-19 cũng như không tiếp xúc gần với các trường hợp nhiễm bệnh. 

Các nhà chức trách thừa nhận rằng hơn 1.000 mã số sức khỏe đã bị chuyển sang màu đỏ không rõ lý do. Họ đổ lỗi cho trục trặc kỹ thuật và phủ nhận việc lỗi mã y tế là cố ý.

"Cách giải quyết vấn đề của chính quyền tỉnh Hà Nam đối với tình trạng bất ổn là nhằm mục đích xử lý người dân thay vì bản chất vấn đề bằng cách thuê những người mặc đồ trắng trấn áp", Alfred Wu, Phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu tại Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ. 

Một học giả khác tại Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết vụ bê bối này đã giáng một đòn nặng nề vào lòng tin của công chúng so với các vụ gian lận tài chính khác từng diễn ra trước đây. 

"Các ngân hàng đã được cơ quan quản lý ngân hàng chấp thuận và tiền gửi khác với đầu tư. Nó có ảnh hưởng lớn đến niềm tin của công chúng", người này cho biết. 

Tuy nhiên, học giả này cho biết những câu hỏi về cách thức hoạt động bất hợp pháp của 4 ngân hàng nhỏ trong hơn một thập kỷ và tại sao chính quyền địa phương trong nhiều tháng không giải quyết được những lời kêu gọi của những người biểu tình, cho thấy khả năng quản trị doanh nghiệp yếu kém đến mức nào.

"Những tác động có thể rất lớn. Nếu chính quyền địa phương cho phép các hoạt động bất hợp pháp như vậy tồn tại trong 10 năm, liệu điều tương tự có xảy ra với các ngân hàng địa phương khác ở các khu vực khác", học giả này chia sẻ đồng thời nhấn mạnh rằng chính phủ nên nhanh chóng kiểm tra tất cả các ngân hàng địa phương để đảm bảo họ không có những gian lận tương tự. 

Có hơn 4.000 ngân hàng ở vùng nông thôn Trung Quốc, nhiều ngân hàng trong số đó được xây dựng để phục vụ nền kinh tế địa phương. Họ chỉ được phép nhận tiền gửi từ khu vực địa phương nơi họ đặt trụ sở nhưng các nền tảng bên thứ 3 đã được sử dụng để thu hút số tiền gửi từ những người gửi tiền bên ngoài khu vực và trong vụ bê bối ngân hàng ở Hà Nam, nạn nhân đến từ nhiều vùng khác nhau trên cả nước. 

Cuối tháng 6, 4 ngân hàng tại Hà Nam thông báo bắt đầu thống kê thông tin của những khách hàng bị ảnh hưởng theo yêu cầu của các cơ quan quản lý. Nhưng với những người gửi thông qua nền tảng bên thứ 3, nếu cảnh sát kết luận rằng khoản tiền gửi là trái phép, họ có thể mất trắng.

Theo tuyên bố của các cơ quan quản lý tài chính cấp tỉnh, khách hàng tại 4 ngân hàng nông thôn ở Hà Nam, miền Trung và một ngân hàng ở tỉnh An Huy lân cận, sẽ được chính quyền hoàn trả tiền từ ngày 15.7.

Họ cho biết khoản thanh toán đầu tiên sẽ dành cho các khách hàng có tổng số tiền gửi tiết kiệm dưới 50.000 nhân dân tệ (7.445 USD) tại một ngân hàng. Những khách hàng có khoản tiền lớn hơn trong tài khoản của họ sẽ được thông báo riêng vào đợt khác. 

Ông Wu cho rằng vụ việc này là một lời nhắc nhở đối với các nhà chức trách rằng khi sinh kế của người dân bị đe dọa, họ sẽ làm mọi cách để đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Bài liên quan
Chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng 0 đồng: Bước đầu thuận lợi cho chặng đường tiếp theo
Việc chuyển giao bắt buộc với GPBank và DongA Bank đã đánh dấu bước khởi đầu thuận lợi cho các ngân hàng, tạo cơ hội mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới, hiện đại, đóng góp vào sự an toàn và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ lừa đảo ngân hàng lớn nhất lịch sử Trung Quốc có thể là một thảm họa chính trị lâu dài