Bùi Quang Huy chỉ đạo các lãnh đạo, nhân viên của Công ty Nhật Cường tham gia “nhóm chat” để giao dịch, thống nhất việc mua bán, thống nhất phương thức thanh toán, giao nhận hàng hóa với các nhà cung cấp…
Theo kế hoạch, ngày 5.5 tới đây, TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 15 bị cáo trong vụ án hình sự “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) và một số đơn vị liên quan.
Trong vụ án này, bị can Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc công ty Nhật Cường) bị cơ quan chức năng xác định là người chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo thực hiện tội phạm
Cụ thể, Bùi Quang Huy là người tổ chức thành lập và điều hành toàn bộ hoạt động của Công ty Nhật Cường, Công ty Nhật Cường Quảng Châu (Trung Quốc), trong đó có hoạt đông buôn lậu các mặt hàng điện thoại di động các loại hiệu Iphone, HTC New One, Samsung Galaxy….
Cơ quan công tố còn xác định Bùi Quang Huy trực tiếp tạo lập các “nhóm chat” để thực hiện việc giao dịch mua bán hàng hóa với 16 nhà cung cấp và trao đổi thống nhất với 9 đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép từ nước ngoài về Việt Nam, giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ.
Sau đó, Huy chỉ đạo các lãnh đạo, nhân viên của Nhật Cường tham gia “nhóm chat” để giao dịch, thống nhất việc mua bán, thống nhất phương thức thanh toán, giao nhận hàng hóa với các nhà cung cấp và các đường dây vận chuyển để tiếp nhận hàng hóa đưa về khu của Công ty Nhật Cường, thông qua các cửa hàng của công ty để tiêu thụ.
Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã tiêu thụ được 255.000 sản phẩm, thu lợi bất chính 221 tỉ đồng.
Hiện bị can bỏ trốn nên Cơ quan CSĐT đã quyết định truy nã, Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Những nhà cung cấp ‘tiếp tay’ cho hành vi buôn lậu
Từ năm 2014 đến ngày 9.5.2019, Bùi Quang Huy đã chỉ đạo, tổ chức hoạt động mua bán điện thoại (bao gồm cả điện thoại cũ và mới) và các sản phầm khác từ nước ngoài của 16 nhà cung cấp, gồm Anh Hưng HP, Công ty Miền Tây, Chị Linh CHT, Anh Mai Hải Phòng, công ty Unitech, Anh Tuấn SG, Anh Tiến Lokchun, Chị Sa RC, công ty Rix, chị Yến Hải Phòng, Hùng MC, Anh Can, chị Quy Vinaphone, cty FTP – SG, công ty Sunbai, Anh Việt – SG.
Toàn bộ hoạt động mua bán đều không có hóa đơn, chứng từ, không khai báo với cơ quan chức năng khi đưa hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam do Bùi Quang Huy trực tiếp chỉ đạo điều hành.
Từ ngày 13.1.2014 đến ngày 6.5.2019, Bùi Quang Huy trực tiếp và chỉ đạo Trần Ngọc Ánh thực hiện giao dịch mua bán của nhà cung cấp “công ty Miền Tây” do Ngô Xuân Sử làm đại diện, thu gom ở Hồng Kông, tổng số 606 đơn hàng với 84.403 sản phẩm điện thoại di động và máy tính bảng hiệu Apple. Tổng trị giá thanh toán hơn 426 tỉ đồng.
Đối với nhà cung cấp “Anh Hung HP”, trong khoảng thời gian từ ngày 4.11.2015 đến ngày 4.5.2019, Bùi Quang Huy, Trần Ngọc Ánh thực hiện giao dịch mua bán với Đỗ Văn Hùng (được thể hiện trên hệ thống ERP là Anh Hung HP), Giám đốc công ty HTV Internatinal tại Hồng Kông 162 đơn hàng, với 13.220 sản phẩm, tổng giá trị thanh toán hơn 98 tỉ đồng.
Với nhà cung cấp Anh Mai – Hải Phòng, trong vòng hơn 3 năm, Trần Ngọc Ánh thực hiện giao dịch mua bán 278 đơn hàng với 34.158 sản phẩm với tổng giá trị thành toán hơn 564 tỉ đồng.
Một nhà cung cấp khác của Nhật Cường là “Chị Quy Vinaphone” đã giao dịch mua bán 363 đơn hàng, 26.547 sản phẩm với Bùi Quang Huy; tổng giá trị thanh toán lên tới hơn 400 tỉ đồng. Bên cạnh đó, trong 4 năm, giao dịch mua bán với Bùi Quang Huy của nhà cung cấp “Anh Tiến (Lokchun)” là hơn 410 đơn hàng với 27.524 sản phẩm, tổng giá trị thanh toán cũng hơn 400 tỉ đồng…
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, ngoại trừ hình thức các nhà cung cấp trực tiếp giao hàng tại kho Nhật Cường thì Bùi Quang Huy còn thuê các đường dây vận chuyển hàng hóa từ Hồng Kông về Việt Nam giao cho Nhật Cường bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài là đường dây vận chuyển ký hiệu SH, SRV và Chị Yên HP; 4 đường dây vận chuyển bằng đường bộ.