Tuy Triều Tiên không thể đưa vệ tinh trinh sát quân sự lên quỹ đạo vào ngày 31.5, nhưng tên lửa đẩy Chollima-1 được dùng trong vụ phóng cho thấy công nghệ tên lửa nước này có tiến bộ đáng kể.
Truyền thông Triều Tiên cho biết Chollima-1 thành công vượt qua giai đoạn đầu, đến giai đoạn 2 lại không thể đốt cháy nhiên liệu nên lao xuống Hoàng Hải.
Theo học giả Ankit Panda (Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế): “Phương tiện phóng mà chúng tôi thấy có thiết kế hoàn toàn khác với phương tiện phóng lớp Unha cũ. Nó dường như sử dụng động cơ từng xuất hiện trên một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Triều Tiên”.
Nhà nghiên cứu Joseph Dempsey (Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế) nhận định động cơ mới giống động cơ nhiên liệu lỏng 2 vòi trên ICBM Hwasong-15.
Tổ chức nghiên cứu 38 North chú ý đến chi tiết vụ phóng vệ tinh tạo ra bụi màu xám nhạt quanh bệ phóng cùng khu vực lân cận. Nguyên nhân có bụi chưa được làm rõ.
Chollima-1 được xác định là phương tiện phóng lực nâng trung bình đủ sức đưa vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo thấp của Trái đất (160 - 2.000 km). Tuy nhiên Triều Tiên từng công khai mục tiêu phóng được nhiều vệ tinh chỉ bằng một tên lửa đẩy, vì vậy trong tương lai có thể xuất hiện phương tiện phóng lớn hơn.
Trong khi đó, Hàn Quốc đang cố gắng tìm kiếm mảnh vỡ tên lửa đẩy Triều Tiên. Nếu tìm kiếm thành công họ sẽ hiểu biết thêm về hoạt động sản xuất tên lửa của nước láng giềng, đặc biệt có thể tìm hiểu có linh kiện nước ngoài nào trong tên lửa. Học giả Panda cho biết: “Chúng tôi tin Triều Tiên tự sản xuất phần khung cùng nhiều bộ phận cấu trúc của động cơ, nhưng vẫn có vài bộ phận nhập khẩu từ nước ngoài”.