Sau vụ việc 185 giáo viên bị cắt hợp đồng một cách đột ngột và gửi thư kêu cứu lên các cơ quan báo chí, ngày 7.8.2015, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã có buổi gặp mặt báo chí để giải đáp những thắc mắc xung quanh vấn đề này.

Vụ sa thải 185 giáo viên: Lãnh đạo huyện Sóc Sơn nhận sai sót

Một Thế Giới | 08/08/2015, 05:47

Sau vụ việc 185 giáo viên bị cắt hợp đồng một cách đột ngột và gửi thư kêu cứu lên các cơ quan báo chí, ngày 7.8.2015, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã có buổi gặp mặt báo chí để giải đáp những thắc mắc xung quanh vấn đề này.

Trả lời câu hỏi của Báo điện tử Một Thế Giới về việc khi UBND huyện cho phép ký trường ký hợp đồng không xác định thời hạn và hợp đồng xác định thời hạn với các giáo viên. Điều này dễ nảy sinh việc lợi dụng "câu chữ" để kiếm lợi xung quanh vấn đề hợp đồng này.
Ông Hồ Việt Hùng - Trưởng phòng nội vụ huyện Sóc Sơn cho hay: "Về vấn đề trường thay mặt UBND ký hợp đồng với các giáo viên theo sự ủy nhiệm của UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội là hoàn toàn hợp lý. Riêng vấn đề có hợp đồng ghi là "không xác định thời hạn" và có những hợp đồng ghi "xác định thời hạn 1 năm" thì tất cả hợp đồng này đều làm theo mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư số 21/2003 ngày 22.9.2003 của Bộ Lao động, thương binh và xã hội - đều hợp pháp chứ không có ý "lợi dụng để kiếm lợi cho một cá nhân hay một tập thể nào đó".
Huyen Soc Son sa thai 185 giao vien
Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí về việc dừng hợp đồng với 185 giáo viên huyện Sóc Sơn, Hà Nội
Khi các cơ quan báo chí hỏi về vấn đề hợp đồng các giáo viên ký có điều khoản: “Các giáo viên phải tham gia một kỳ thi tuyển gần nhất tại đơn vị có chỉ tiêu tuyển dụng, nếu tham gia kỳ thi mà không đỗ hoặc không tham gia kỳ thi đó sẽ bị cắt hợp đồng”. 
Theo đơn phản ánh thì 185 giáo viên này đều được nhận quyết định tuyển vào công tác tại các trường mầm non trong huyện của UBND huyện Sóc Sơn từ ngày 1.9.2012. Năm học 2013-2014, huyện Sóc Sơn có tổ chức kỳ thi tuyển viên chức nhưng điều kiện đủ để tham dự cuộc thi này là chỉ những giáo viên có bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi mới được tham gia dự thi. Trong số 185 giáo viên trong diện bị cắt hợp đồng đợt này, có giáo viên dự thi nhưng không đỗ, có giáo viên không dự thi. Thế nhưng, tất cả 185 giáo viên vẫn tiếp tục được giữ lại làm công tác giảng dạy tại các trường mầm non trên địa bàn huyện.
Huyen Soc Son sa thai 185 giao vien
Ông Lê Hữu Mạnh - Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội
Đến năm 2014, trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội lại tiếp tục có một kỳ thi viên chức nữa và thực trạng các cô giáo được thi nhưng không đỗ vẫn được giữ lại giảng dạy. Trả lời vấn đề này, ông Lê Hữu Mạnh - Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn khẳng định: " Việc quản lý biên chế các giáo viên, các công nhân viên chức phải có sự phân cấp rõ ràng. Ở huyện Sóc Sơn năm 2012 có 743 giáo viên hợp đồng cộng với số giáo viên biên chế hiện có thì hoàn toàn đủ chỉ tiêu được giao. 
Đến năm 2013, khi có kỳ thi tuyển viên chức đầu tiên ở huyện, các giáo viên được thi nhưng vẫn bị hạn chế số lượng tuyển nên chúng tôi có quyền lựa chọn những giáo viên nào có bằng Khá - Giỏi mới được tham gia kỳ thi, để lựa chọn tối đa nhất những giáo viên dạy giỏi cho huyện. Nhưng sau khi kết thúc kỳ thi, do vẫn có nhu cầu giáo viên và xét thấy tổng quỹ lương của huyện vẫn đảm bảo nên chúng tôi vẫn duy trì hợp đồng với các giáo viên như bình thường. 
Đến năm 2014, do nhận được thông tin sắp tới sẽ không có tuyển đặc cách, kể cả với các giáo viên đã dạy trên 3 năm và huyện cũng không được duy trì các giáo viên có hợp đồng tại các trường mà phải là giáo viên thi đỗ qua các kỳ thi viên chức được công nhận. Chính vì thế, huyện đã tổng động viên những giáo viên nào là giáo viên đang ở dạng hợp đồng được thi tuyển hết năm 2014. Khi thi xong, có những giáo viên không đỗ chúng tôi vẫn tiếp tục giữ lại là vì lúc đó là giữa năm. 
Nếu cho các cô nghỉ đột ngột thì huyện sẽ thiếu giáo viên. Chúng tôi đã chỉ đạo các trường ký hợp đồng ngắn hạn (là 6 tháng) với các cô cho hoàn thành hết năm học 2014 - 2015. Và đến tháng 6.2015 chúng tôi chính thức dừng hợp đồng với tất cả các giáo viên đã không trúng tuyển vào kỳ thi viên chức 2014 vừa qua. 
Việc huyện vẫn ký mà không ảnh hưởng quỹ lương là do chỉ tiêu khối giáo dục lớn, chúng tôi đã cân đối quỹ lưỡng bậc tiểu học, mầm non, THCS và số giáo viên nghỉ hưu chưa tuyển dụng được mới. Chúng tôi sai ở điểm là không cắt hợp đồng ngay với các giáo viên mà lại tiếp tục ký hợp đồng ngắn hạn vì nghĩ đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên cũng như đợi cho hết năm học với các em học sinh mầm non. Việc này tôi sẽ báo cáo lãnh đạo thành phố về điểm sai này của chúng tôi."
Huyen Soc Son sa thai 185 giao vien
Ông Hồ Việt Hùng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết năm 2015 sẽ không còn đặc cách viên chức đối với các giáo viên dạy trên 3 năm
Về việc có hay không việc cơ quan chức năng có “cố ý” sa thải 185 giáo viên trước thời điểm nhiều cô giáo trong diện này sắp được đặc cách khi đã 3 năm công tác? Ông Hồ Việt Hùng giải thích: “Thông báo tuyển dụng của UBND TP Hà Nội năm 2015 đã nói rõ sẽ không xét đặc cách với bất kỳ trường hợp nào từ 36 tháng trở lên. 
Việc này đã được thống nhất từ năm 2014, giáo viên cũng được thông báo kỳ tuyển dụng viên chức năm 2014 là đợt cuối cùng tiến hành xét đặc cách. Kể cả việc có kéo dài thêm 2 tháng để cho các cô hoàn thành đủ 3 năm chúng tôi cũng không tuyển đặc cách được với các cô vì đã có quyết định rồi. Thẩm quyền quyết định thuộc thành phố, chứ huyện không quyết định được”.
Việc tính toán các giáo viên để tuyển trong kỳ thi viên chức 2015 sắp tới, ông Lê Hữu Mạnh cũng cho hay huyện Sóc Sơn được giao chỉ tiêu tuyển thêm 50 giáo viên nữa và các giáo viên mới bị cắt hợp đồng hoàn toàn có thể tham gia kỳ thi này để có cơ hội thi vào làm viên chức tại các trường mầm non trên địa bàn huyện. 
"Tuy nhiên, tôi cũng khẳng định việc quy định cộng điểm cho các giáo viên có bằng  Khá - Giỏi vẫn được tiến hành, vì đây là quy định chung của thành phố và của cả nước. Việc các giáo viên có ý kiến tại sao năm học của các cô cao nhất khi ra trường cũng chỉ bằng Khá và các khóa sau, sau khi có quyết định phân chia điểm cụ thể cho bằng Khá - Giỏi thì lại có nhiều cô ra trường toàn bằng Giỏi thì việc này phải hỏi lại các cơ sở đào tạo sinh viên. Chứ chúng tôi không có thẩm quyền can thiệp. Nếu nói chúng tôi can thiệp thì hóa ra lại bảo các cơ sở đào tạo không thực chất? Quy định cũng có ghi ưu tiên các giáo viên có bằng Chính quy, Khá, Giỏi để cộng điểm cao hơn so với bằng Tại chức, hoặc Trung bình thì cũng có lý do. Chúng tôi có quyền lựa chọn những giáo viên có bằng Chính quy hay Khá - Giỏi để phục vụ công tác tại trường, nếu họ thi đỗ qua các kỳ thi viên chức." - ông Lê Hữu Mạnh cho hay.
Huyen Soc Son sa thai 185 giao vien
Lãnh đạo huyện Sóc Sơn nhận sai sót vì đã... không dừng hợp đồng với các giáo viên sớm hơn theo quy định vì đang ở giữa năm học cũng như phải đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên khi mới bắt đầu một học kỳ

Trả lời câu hỏi của Báo điện tử Một Thế Giới về giải pháp nào cho các cô giáo đã bị đột ngột cắt hợp đồng, gia đình đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ông Mạnh cũng cho biết, sau kỳ tuyển dụng, căn cứ tình hình thực tế, huyện sẽ xem xét ký hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP đối với các giáo viên và sẽ tạo điều kiện cho các cô có nguyện vọng xin làm cô nuôi trong các trường mầm non nếu các cô có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Số chỉ tiêu tuyển cô nuôi là gần 100 người. Nếu các cô giáo không có nhu cầu làm cô nuôi thì có thể tham gia các kỳ thi tuyển dụng viên chức của huyện sắp tới đây hoặc các thi sang các địa bàn khác nếu có kỳ thi.

Riêng về câu hỏi ký hợp đồng khống đối với một số giáo viên sau khi có các lá đơn kêu cứu của các giáo viên gửi tới cơ quan báo chí trong thời gian mới đây. Thậm chí, có những hợp đồng ký lại không ghi nội dung và ký lại với thời gian từ những năm 2012 và năm 2013. Ông Lê Hữu Mạnh cho biết sẽ rà soát lại những trường nào cho các giáo viên ký hợp đồng như thế này để có các biện pháp xử lý thích hợp.
Cũng trong cuộc họp, ông Lê Hữu Mạnh cho biết, số lượng giáo viên bị dừng hợp đồng chỉ có 184 cô, còn 1 cô thì đã...nghỉ việc.
Hoàng Yến
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ sa thải 185 giáo viên: Lãnh đạo huyện Sóc Sơn nhận sai sót