“Tôi nhận thức được mình làm sai nhưng vì nể anh em”, bị cáo Nguyễn Văn Sơn - cựu Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm nói và cho biết hoàn toàn chấp nhận về những hành vi sai phạm của mình.

Vụ xét xử 14 cán bộ Đồng Tâm: Biết sai nhưng nể nang nên làm!

Trí Lâm | 09/08/2017, 06:02

“Tôi nhận thức được mình làm sai nhưng vì nể anh em”, bị cáo Nguyễn Văn Sơn - cựu Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm nói và cho biết hoàn toàn chấp nhận về những hành vi sai phạm của mình.

Chiều 8.8, phiên tòa xét xử sai phạm đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội tiếp tục với phần thẩm vấn.Ông Nguyễn Văn Sơn – cựu Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm được cơ quan tố tụng xác định là đầu vụ. Nguyễn Văn Sơn cùng Nguyễn Xuân Trường – cựu cán bộ địa chính xã Đồng Tâm cấp, giao đất trái thẩm quyền cho 4 hộ với diện tích 723m2 thu vụ lợi số tiền hơn 28,5 triệu đồng, bỏ ngoài ngân sách xã 15 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Sơn được xác định cùng với Nguyễn Tiến Triển – cựu Bí thư Đảng ủy xã và Nguyễn Xuân Trường đã tự ý cấp, giao 3 suất đất với diện tích hơn 509m2 cho 3 cá nhân mà không phải nộp tiền sử dụng đất. Bản thân Sơn được chia 158m2 trong tổng số hơn 1.000m2 đất giãn dân theo Quyết định 686 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ); hưởng lợi 2 suất đất với tổng diện tích hơn 313m2 nhưng không phải nộp tiền sử dụng đất.

Cơ quan tố tụng xác định các bị cáo có hành vi hợp thức hóa việc chia chác đất bằng việc lập biên bản cuộc họp vào năm 2008 nhưng thời gian biên bản thể hiện vào ngày 10.12.2002. Theo Sơn, người soạn thảo biên bản là Nguyễn Xuân Trường.

Giá đất giãn dân theo Quyết định 868 ban đầu được thảo luận bán cho cán bộ xã là hơn 50.000 đồng, nhưng Sơn đề nghị tăng lên 100.000 đồng/m2 để có thêm ngân sách hoạt động của xã.

Theo cơ quan công tố, trước năm 1995 UBND xã Đồng Tâm quy hoạch khu vực Rộc Già (thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm) để xây dựng chợ đầu mối nông sản và thông báo cho các hộ kinh doanh ở chợ mua một suất đất với giá 200.000 đồng/60m2.

Khi đó, bà Trần Thị Phóng (vợ của cựu Bí thư Đảng ủy xã) có đơn đề nghị và được UBND xã phê duyệt mua 1 suất. Đến năm 2002, suất đất của bà Phóng được chia làm 3 do chính quyền đo đạc, phân chia lại. Bên cạnh đó, Nguyễn Xuân Trường (vợ là Nguyễn Thị Hiền đứng tên) và Nguyễn Thị Mai (em Nguyễn Văn Sơn đứng tên) cũng đều có một suất đất khoảng 240m2.

Năm 2003, suất đất của Nguyễn Xuân Trường được chuyển nhượng với giá 150 triệu đồng cho Lê Đình Dũng. Năm 2009, khi đo đạc lại bản đồ thì suất đất của bà Phóng đã làm hồ sơ cho tặng quyền sử dụng đất cho Nguyễn Trọng Điều, còn suất đất của Nguyễn Văn Sơn thì chuyển tên sở hữu cho em trai là Nguyễn Văn Dung.

Bị cáo Sơn khai trước tòa rằng bản thân có biết diện tích đất Nguyễn Tiến Triển là đất lấn chiếm, nhưng vì nể nên khi Nguyễn Xuân Trường mang hồ sơ lên vẫn ký xác nhận chuyển nhượng.

“Tôi nhận thức được mình làm sai nhưng vì nể anh em”, Nguyễn Văn Sơn nói và cho biết hoàn toàn chấp nhận về những hành vi sai phạm của mình.

Cũng theo bị cáo Sơn, việc giao đất Sơn giao cho Nguyễn Xuân Trường trực tiếp thực hiện. Trong khi đó, một hộ dân mua đất lại cho biết đã trực tiếp làm việc, cũng như nộp tiền với Sơn và Trường.

Theo cáo trạng, các cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức và Phòng TN-MT huyện đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, thẩm tra nguồn gốc đất, dẫn đến việc ký xác nhận không có căn cứ.

Các bị cáo phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo đã không tiến hành thẩm tra, thẩm định về nguồn gốc đất, vẫn tiến hành xác nhận hồ sơ đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tranh chấp, khiếu kiện.

Trong hành vi này, bị cáo Đinh Văn Dũng - cựu Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức được xác định đã ký xác nhận 8/12 hồ sơ, với tổng diện tích đất là hơn 1.200m2, gây thiệt hại số tiền hơn 656 triệu đồng. Bị cáo Trần Trung Tấn - cựu cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức ký xác nhận 9/12 hồ sơ, với tổng diện tích đất là 1.182m2 đất đủ điều kiện, gây thiệt hại số tiền hơn 584 triệu đồng…

Khai tại tòa, bị cáo Đinh Văn Dũng cho rằng về mặt thủ tục bản thân không sai. Tuy nhiên, do tin tưởng anh em ở xã nên đã thiếu chặt chẽ trong thẩm định, kiểm tra. Việc thiếu trách nhiệm đó là do không phát hiện ra sự dối trá, lừa đảo của cán bộ xã Đồng Tâm.

Còn theo bị cáo Phạm Hữu Sách - cựu Trưởng phòng TN-MT huyện Mỹ Đức, bản thân đã ký 12 hồ sơ với nội dung sai, chủ yếu sai về nguồn gốc sử dụng đất. Các cán bộ xã Đồng Tâm đã cố tình làm sai lệch hồ sơ.

Nam Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ xét xử 14 cán bộ Đồng Tâm: Biết sai nhưng nể nang nên làm!