Khoảng 50% số nam giới và 26,6% tổng số người Trung Quốc trên 15 tuổi hút thuốc, số phụ nữ trẻ Trung Quốc hút thuốc tăng nhẹ.
Khoảng 50% số nam giới và 26,6% tổng số người Trung Quốc trên 15 tuổi hút thuốc, số phụ nữ trẻ Trung Quốc hút thuốc tăng nhẹ.
Đây là phát hiện của các nhà khoa học thuộc Học viện Y học Trung Quốc và Học viện Y Hiệp Hòa Bắc Kinh đăng tải trên tạp chí Tobacco Control (Anh).
Giai đoạn 2000 - 2016, tỷ lệ hút thuốc ở nhóm dân số Trung Quốc trên 15 tuổi giảm từ 30% xuống 26%, nay lại tăng nhẹ lên 26,6%. Trong cùng kỳ Anh giảm từ 38% xuống 22%, Mỹ giảm từ 31% xuống 22%.
Tốc độ giảm chậm chạp có thể khiến Trung Quốc không đạt mục tiêu đưa tỷ lệ hút thuốc xuống 20% vào năm 2030, thậm chí nếu đạt được thì xu hướng gia tăng số ca tử vong vượt dự báo cũng chỉ bị đảo ngược chút ít mà thôi, theo nhóm nghiên cứu.
Năm 2016, Trung Quốc đề ra kế hoạch “Trung Quốc khỏe mạnh” nhằm mục đích tăng cường sức khỏe người dân. Kế hoạch đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc xuống 20% bằng cách tăng thuế, giáo dục ý thức, cấm hút thuốc ở không gian trong nhà, cung cấp dịch vụ cai thuốc.
Với 1/4 số người hút thuốc bắt đầu có thói quen này trước khi đến tuổi trưởng thành, nhóm nghiên cứu nhận định ngăn chặn triệt để hút thuốc ở thanh thiếu niên là điều bắt buộc.
Nhóm cảnh báo: “Trừ phi gia đình, cộng đồng và xã hội cùng nhau triển khai nỗ lực xóa sổ thuốc lá rộng rãi, nếu không thiệt hại lớn về nhân mạng ở nhóm dân số thuộc độ tuổi lao động trong 20 năm tới sẽ rất lớn, làm tăng thêm khó khăn cho việc đảm bảo phúc lợi cho xã hội đang già hóa”.
Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ thuốc lá lớn nhất thế giới: 300 triệu người hút thuốc, tiêu thụ 40% lượng thuốc lá thế giới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định hơn 25% người Trung Quốc trên 15 tuổi hút thuốc, mỗi năm có hơn 1 triệu người chết vì bệnh do sử dụng thuốc lá.
Nhóm nghiên cứu dự đoán trong giai đoạn 2020 - 2040, tỷ lệ tử vong do ung thư liên quan đến hút thuốc sẽ tăng 44% ở nam giới và 53% ở nữ giới – nghĩa là có 8,6 triệu ca tử vong trong 20 năm. Khoảng 1,4 triệu các chết sẽ được ngăn chặn nếu tỷ lệ hút thuốc năm 2030 còn 20% đúng mục tiêu đề ra và đà giảm duy trì đến năm 2040.
Ung thư phổi, gan, dạ dày, thực quản nằm trong số 10 loại ung thư có liên quan đến hút thuốc mà nhóm nghiên cứu phân tích, chiếm 60% tổng số ca tử vong do ung thư tại Trung Quốc.
Số ca tử vong do ung thư liên quan đến hút thuốc thường đạt đỉnh vào vài thập kỷ sau khi tỷ lệ hút thuốc lên mức cao. Chẳng hạn như Mỹ ghi nhận số tử vong do ung thư phổi ở nam giới cao nhất vào những năm 1990 sau khi tỷ lệ hút thuốc lên mức cao nhất vào năm 1955.
Theo mô hình trên, số ca tử vong do ung thư liên quan đến hút thuốc của Trung Quốc (hiện đã chiếm 30% số ca tử vong do ung thư toàn cầu) sẽ tăng.
“Tình hình ung thư trong tương lai đáng lo ngại vì Trung Quốc đang chuyển dịch nhanh chóng sang một xã hội già cả”, theo nhóm nghiên cứu.