Cái nhóm người làng Lành của Thích ở Ba Lan có thể phóng chiếu vào bất cứ đâu có người Việt, ngay cả ở trong nước. Hồn làng vẫn đậm trong ta. Tình làng vẫn sâu trong ta. Và chất làng vẫn bám chặt ta.

Xa làng nhưng không xa nước

18/04/2017, 06:38

Cái nhóm người làng Lành của Thích ở Ba Lan có thể phóng chiếu vào bất cứ đâu có người Việt, ngay cả ở trong nước. Hồn làng vẫn đậm trong ta. Tình làng vẫn sâu trong ta. Và chất làng vẫn bám chặt ta.

Tác giả Trần Quốc Quân, nghe như một cái tên mới trong làng văn nhưng thực ra anh đã viết khá nhiều, đăng trên nhiều báo và tạp chí trong cũng như ngoài nước. Anh là doanh nhân, sinh sống, kinh doanh tại Ba Lan, nơi anh từng là nghiên cứu sinh hồi thập niên 1980 rồi sau này định cư ở đó. Dạo giữa năm 2014, anh đã về nước giới thiệu cuốn tiểu thuyết dày dặn Tuyết hoang (NXB Trẻ) kể về cuộc sống và số phận chìm nổi của những người Việt tha phương, được đông đảo bạn đọc đón nhận.

Lần này, “nhà văn trẻ” Trần Quốc Quân lại hồi hương trình bạn đọc tác phẩm mới nhất của anh với tên gọi Bóng Làng. Đây là tác phẩm “liên hoàn truyện” gồm 9 câu chuyện về 9 nhân vật, vừa độc lập vừa nối kết với nhau tạo thành một chỉnh thể hợp nhất, khắc họa rõ nét nhiều mặt trong đời sống của người Việt ở Ba Lan, chủ yếu là những góc khuất, mà như anh nói, anh có cơ hội quan sát, cảm nhận và trải nghiệm.

Đó là 9 cuộc đời tuy khởi đi từ làng Lành, một làng quê Việt thanh bình, nhưng do tính cách, quan điểm sống hoàn toàn khác nhau, dẫn đến những cách sống, cách mưu sinh, làm giàu… khác hẳn nhau để kết quả nhận được cũng khác nhau. Tất cả tạo ra một bức tranh hiện thực về một góc bóng làng Việt bên trời Tây.

Người đọc có thể hình dung ra được vài nét tính cách chính yếu của các nhân vật trong Bóng Làng qua những cái tên truyện Thích Nhất Danh, Kiệt Đại Nhân, Đắc Lắc Chảo, May Day Dứt, Đạt Lang Bạt, Tất Đầu Đất, Hưởng Hoang Tưởng, Đào Cao Đạo, Lộc Nô Bộc.

Từng được đọc khi tác phẩm này còn là bản thảo, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét Bóng Làng chính là “truyện về một cộng đồng như là làng Việt ở Ba Lan. Đúng hơn, đây là truyện về cái bóng dáng làng hiện hình qua một nhóm người làng có dây mơ rễ má với nhau về huyết thống thân tộc, láng giềng sang Ba Lan định cư và sinh sống”. Phạm Xuân Nguyên bình rằng: “Cái nhóm người làng Lành của Thích ở Ba Lan có thể phóng chiếu vào bất cứ đâu có người Việt, ngay cả ở trong nước. Hồn làng vẫn đậm trong ta. Tình làng vẫn sâu trong ta. Và chất làng vẫn bám chặt ta. Chặt đến nỗi đã sống trong thời đại làng toàn cầu ta vẫn hồn nhiên thoải mái tự hào với cái làng cục bộ bản địa của mình”.

Cũng là viết về người Việt ở Ba Lan, nhưng khác với tiểu thuyết Tuyết hoang vừa cổ điển, vừa có những cách tân táo bạo, lần này ngay từ tên của từng truyện trong Bóng Làng (Hưởng hoang tưởng, Thích nhất danh…) cho thấy tác giả chọn bút pháp hài hước châm biếm làm chủ đạo cho liên hoàn truyện Bóng Làng. Trần Quốc Quân thừa nhận rằng đang quen gò vào giọng văn chân phương, cổ điển, giờ đổi sang một phong cách thể hiện khác nên ban đầu khá khó khăn trong việc thoát ra khỏi lực “quán tính” đó. Điều lạ là chỉ sau một thời gian chập chờn thì tác giả “nhập” luôn, như Quân bảo, “lối viết hài hước châm biếm hóa ra lại đúng với bản chất của mình”.

“Tôi vốn có khuynh hướng phê bình một hiện tượng, sự việc bằng lối châm biếm, giễu nhại hơn là kiểu lập ngôn nghiêm trọng, phang nhau chan chát, rực lửa; tôi luôn nghĩ rằng chuyện càng nghiêm trọng thì càng nên chuyển tải bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng hài hước. Có lẽ vì thế nên khi viết Bóng Làng, câu chữ cứ tự nhiên mà tuôn ra thôi, rất thoải mái, trong đầu mình nghĩ sao thì cứ viết ra như vậy”, tác giả Bóng Làng tâm sự.

Trong cuộc trò chuyện, “nhà văn trẻ” (tôi cứ gọi đùa anh như vậy, chứ chả nhẽ lại đặt là nhà văn-doanh nhân, nhà văn-Việt kiều) cho biết anh cũng đang sửa lại Tuyết hoang để chuẩn bị tái bản. Nếu như vậy, bạn đọc chả bao lâu nữa sẽ có bộ sách song đôi phản ánh khá đầy đủ và sinh động về những người Việt xa xứ, mưu sinh trên đất nước người.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xa làng nhưng không xa nước