Theo cáo trạng, nhóm cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam (ĐSQVN) tại Malaysia đã hưởng lợi hàng trăm triệu đồng khi tổ chức chuyến bay giải cứu đưa người mãn hạn tù về nước.

Xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Nhóm cựu cán bộ ĐSQVN tại Malaysia hưởng lợi hàng trăm triệu đồng

Nhã Thanh | 11/07/2023, 14:08

Theo cáo trạng, nhóm cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam (ĐSQVN) tại Malaysia đã hưởng lợi hàng trăm triệu đồng khi tổ chức chuyến bay giải cứu đưa người mãn hạn tù về nước.

Chiều nay (11.7), đại diện VKS tiếp tục công bố bản cáo trạng tại phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hộ lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ…” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Theo đó, liên quan đến hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của các cán bộ ĐSQVN tại Malaysia, cáo trạng nêu rõ, tháng 5.2020, Trần Việt Thái được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Malaysia, có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ĐSQVN tại Malaysia.

Ông Thái là người chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức các chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam ở Malaysia về nước trong đại dịch COVID-19.

cac-bi-cao.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: M.H

Từ tháng 5.2020 đến tháng 1.2022, ĐSQVN tại Malaysia đã tổ chức 21 chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam từ Malaysia về nước. Trong đó, từ tháng 5.2021 đến tháng 1.2022, tổ chức 8 chuyến bay “giải cứu”, đưa 1.891 người đã chấp hành xong án phạt tù ở 19 trại chờ tại Malaysia (người mãn hạn tù) về nước.

Theo cáo trạng, để tổ chức 8 chuyến bay đưa người mãn hạn tù về nước, Trần Việt Thái đã phân công, chỉ đạo Nguyễn Hoàng Linh và Nguyễn Lê Ngọc Anh (cùng là Bí thư thứ Hai) chịu trách nhiệm chính tổ chức chuyến bay, khảo sát tại các trại chờ, xây dựng kế hoạch, phương án, đề xuất kinh phí, mức thu, chi.

Theo phân công, Nguyễn Lê Ngọc Anh chịu trách nhiệm liên lạc với chủ tàu, chủ sử dụng lao động, người nhà của người mãn hạn tù để yêu cầu nộp chi phí đưa người mãn hạn tù về nước. Nguyễn Hoàng Linh liên hệ, phối hợp với Cục nhập cư, các trại chờ của Malaysia. Đặng Minh Phương (cán bộ kế toán), Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh thực hiện giám sát, quản lý thu, chi kinh phí tổ chức chuyến bay và một số cán bộ khác thực hiện nhiệm vụ được phân công.

quang-canh.jpg
Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: M.H

Sau khi khảo sát tại các trại chờ, Ngọc Anh, Hoàng Linh và Minh Phương bàn bạc, đề xuất và được Trần Việt Thái quyết định mức thu 20,3 triệu đồng/người mãn hạn tù có hộ chiếu; gần 25 triệu đồng/người không có hộ chiếu (trong đó, thu để cấp hộ chiếu là 4,6 triệu đồng/cuốn). Những người ở đảo xa cần mua vé máy bay thì mức thu từ 30 – 35 triệu đồng/người.

Sau khi thông báo mức thu tiền trên, ĐSQVN tại Malaysia yêu cầu người thân, chủ lao động của những người mãn hạn tù nộp tiền vào tài khoản.

Ngoài ra, Nguyễn Lê Ngọc Anh lập nhóm Zalo để cùng kiểm tra, giám sát, quản lý số tiền thu được trong việc tổ chức các chuyến bay.

Hưởng lợi hàng trăm triệu đồng

Theo cáo trạng, tổng số tiền đã thu được của người thân hoặc chủ lao động của những người mãn hạn tù qua các tài khoản được cung cấp là 44,6 tỉ đồng.

Trần Việt Thái đã chỉ đạo sử dụng 33 tỉ đồng để chi phí cho việc tổ chức 8 chuyến bay. Số tiền còn lại, các họ dùng hơn 1,1 tỉ đồng để thanh toán chi phí hỏa táng cho những người mãn hạn tù tại các trại của Malaysia bị chết vì mắc COVID-19.

Hơn 10,4 tỉ đồng, Trần Việt Thái đã chỉ đạo sử dụng hơn 5,4 tỉ đồng chi cho các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam. Trong đó, Trần Việt Thái được hưởng 580 triệu đồng; Nguyễn Lê Ngọc Anh và Nguyễn Hoàng Linh mỗi người được hưởng 480 triệu đồng; Đặng Minh Phương được hưởng 220 triệu đồng…

Số tiền còn lại khoảng 5 tỉ đồng đã thu của người mãn hạn tù, Trần Việt Thái giao cho thủ quỹ Dương Hương Ly quản lý tại ĐSQVN ở Malaysia. Ngày 28.3.2023, Dương Hương Ly đã giao nộp lại toàn bộ số tiền trên cho Cơ quan ANĐT Bộ Công an.

quang-canh-2-.jpg
Phiên tòa dự kiến kéo dài 1 tháng - Ảnh: N.A

Như vậy, VKS kết luận trong quá trình tổ chức 8 chuyến bay “giải cứu” đưa người mãn hạn tù ở Malaysia về nước, Trần Việt Thái, Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyên Hoàng Linh thu tiền trái quy định của pháp luật và cao hơn chi phí thực tế từ những người mãn hạn tù để chi và hưởng lợi bất chính, gây thiệt hại số tiền hơn 10,4 tỉ đồng. Đặng Minh Phương liên đới gây thiệt hại số tiền hơn 5,7 tỉ đồng.

Về hưởng lợi bất chính, theo cáo trạng, Trần Việt Thái nhận 580 triệu đồng; Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh - mỗi người nhận 480 triệu đồng; Đặng Minh Phương nhận 220 triệu đồng.

Quá trình điều tra, Trần Việt Thái nộp hơn 5,5 tỉ đồng, Nguyễn Hoàng Linh nộp 480 triệu đồng, Đặng Minh Phương nộp 220 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Bài liên quan
Hôm nay, xét xử cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng vụ án ‘chuyến bay giải cứu’
Ông Tô Anh Dũng cùng cựu lãnh đạo Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và nhiều bị cáo khác hầu tòa do có sai phạm liên quan đến vụ án ‘chuyến bay giải cứu’.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Nhóm cựu cán bộ ĐSQVN tại Malaysia hưởng lợi hàng trăm triệu đồng