Trong tháng 8 này Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thực hiện chuyến công du đến Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh Ankara đang căng thẳng quan hệ với Washington sau vụ đảo chính bất thành ngày 15.7.
Căng thẳng giữa Ankara và Washington chủ yếu đến từ việc Mỹ không dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là chủ mưu cuộc đảo chính bất thành hôm 15.7, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ.
Ankara cáo buộc phong trào của ông Gulen - một tổ chức đã làm từ thiện, xây dựng trường học và hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn thế giới - là một tổ chức khủng bố và thực hiện một chiến dịch đàn áp nhắm vào những người được cho là trung thành với giáo sĩ Hồi giáo này.
Ông Gulen đã bác bỏ mọi cáo buộc về sự liên quan của ông với âm mưu đảo chính khiến hơn 270 người chết tại quê nhà. Về phần mình, Washington yêu cầu phía Ankara trưng ra các bằng chứng cho thấy sự tham gia của ông Gulen trong cuộc đảo chính và sẽ không dẫn độ ông này nếu chưa có bằng chứng cụ thể.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết dự kiến ngày 24.8, ông Kerry sẽ công du Thổ Nhĩ Kỳ, theo hãng thông tấn nhà nước Anadolu. Ngoại trưởng Cavusoglu cũng bật mí về khả năng Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới.
Ngày 4.8, Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành một lệnh bắt giữ ông Gulen, diễn biến đầu tiên trong tiến trình yêu cầu dẫn độ giáo sĩ này một cách chính thức.
Ông Taha Ozhan Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn một phái đoàn đến Mỹ để thuật lại tình hình vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7. Tại New York ông Ozhan nói rằng "Gulen đã tổ chức cuộc đảo chính" và sẽ tiếp tục là một mối đe dọa an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Ông ta vẫn là một mối đe dọa và chúng tôi không muốn chuyện tương tự ngày 15.7 lại diễn ra", ông Ozhan nói, đồng thời gợi ý rằng FBI cần phải quan sát Gulen và giam giữ vị giáo sĩ này nếu được.
Tuy vậy, luật sư của ông Gulen tại Mỹ tự tin rằng thân chủ của ông sẽ không bị dẫn độ, khi cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có bằng chứng chống lại thân chủ của ông theo đúng tiêu chuẩn luật pháp Mỹ.
Ngày 5.8 tại Washington, luật sư Reid Weingarten cho rằng bằng chứng duy nhất của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể có là các lời khai từ những người ủng hộ ông Gulen có thể là bằng chứng có được do tra tấn.
"Chúng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng gián tiếp hay trực tiếp nào thuyết phục rằng chuyện đảo chính có liên quan đến ông Gulen. Và những lời thú tội được thực hiện trong lúc tra tấn của họ thì đừng mong tòa án Mỹ chấp thuận", ông Weingarten nói.
Kề từ khi cuộc đảo chính bất thành diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ đến nay, đã có 70.000 người bị nghi có liên quan đến ông Gulen ở Thổ Nhĩ Kỳ bị miễn nhiệm hoặc bị bắt. 18.000 người đã bị giam hoặc tạm giam, chủ yếu là các quân nhân bị tình nghi tham gia, tiếp tay cho cuộc đảo chính quân sự vừa mới thất bại.
Các quan chức châu Ậu và các nhóm nhân quyền đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về chính sách "thanh trừng" phe cánh của ông Gulen sau khi cuộc đảo chính kết thúc, một số còn cáo buộc các tù nhân bị ngược đãi. Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ các cáo buộc này và nhấn mạnh sẽ điều tra thông tin có tra tấn trong tù.
Thiên Hà (theo New York Time)