Danh tiếng, thu nhập ngất ngưởng của nghề ca sĩ vẫn luôn là sức mạnh khó cưỡng đối với nhiều bạn trẻ. Sự thành công của nhiều ca sĩ trẻ đi trước, khiến họ lầm tưởng con đường để thành "người của công chúng" thật dễ dàng và họ đã miệt mài, đi những bước đi đầu tiên từ vai trò ca sĩ hát lót...

Xót xa nỗi lòng ca sĩ hát lót: Giá cát sê bằng... một bát phở

Một Thế Giới | 10/05/2015, 08:00

Danh tiếng, thu nhập ngất ngưởng của nghề ca sĩ vẫn luôn là sức mạnh khó cưỡng đối với nhiều bạn trẻ. Sự thành công của nhiều ca sĩ trẻ đi trước, khiến họ lầm tưởng con đường để thành "người của công chúng" thật dễ dàng và họ đã miệt mài, đi những bước đi đầu tiên từ vai trò ca sĩ hát lót...

Giá cát sê bằng... một bát phở
Các ca sĩ hát lót luôn có mặt tại các tụ điểm biểu diễn trên cả nước và nhiệm vụ chính của họ chính là lấp chỗ trống cho sân khấu trong lúc chờ những "ngôi sao của đêm diễn đến. Vì vậy, ca sĩ hát lót thường chỉ được xem nhẹ. 
Đối với những ca sĩ hát lót thì việc xuất hiện trên truyền hình hay những chương trình lớn là điều... không tưởng. Trong khi đó những show diễn ở các tỉnh xa, những sân khấu nhỏ... mới là nơi để họ thể hiện mình. Và tất nhiên, ở những điểm diễn đó, giá vé rất rẻ, số lượng người xem ít, các ca sĩ hát lót cũng khó có cơ hội để phát triển.
Với vai trò là người lấp chỗ trống, lấp thời gian trong khi chờ đợi những ca sĩ chính của đêm diễn, sự phân biệt đối xử đối với ca sĩ hát lót trựớc hết đến từ phía khán giả, ít ai có nhã hứng quan tâm, để ý, hay lắng nghe giọng hát của họ, thậm chí có nhiều "thượng đế" quá khích còn phản đối, la hét ném vật thể lạ, đòi đuổi họ xuống sân.
Những tình huống tréo ngoe ấy dường như trở thành điều đương nhiên họ phải cam tâm chấp nhận. Nhiệm vụ của những ca sĩ ít tên tuổi này là hoàn thành phần biểu diễn của mình theo yêu cầu của bầu show Không cần quan tâm tới thị hiếu của khán giả, mục đích duy nhất của họ khi đứng trên sân khấu là để "câu giờ", chờ đợi sự xuất hiện của "ngôi sao".
Sự bất công của những ca sĩ ít tên tuổi này không chỉ đến từ sự chào đón của khán thính giả, mà còn đến từ nhu cầu thiết yếu về đời sống và thu nhập của họ. Nếu như những ca sĩ đình đám trong làng giải trí không chỉ được chủ động về thời gian, mà khi diễn còn được bao trọn gói về nơi ăn chốn ở, được thiết kế, tài trợ trang phục riêng hoặc có chế độ đãi ngộ đặc biệt thì những ca sĩ nghiệp dư phải tự túc chi phí ăn uống, sinh hoạt, tự lo trang phục biểu diễn và các chi phí phát sinh...
Thường thì những ngày cuối tuần, họ đắt show hơn ngày thường, nhưng tối đa cũng chỉ là 2-3 buổi diễn và mang về từ 400 - 800 nghìn đồng, trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt nên số tiền cầm về cũng chẳng được là bao. Thu nhập "bèo bọt" là vậy, thân phận thì không được khán giả công nhận, nhưng với họ thì việc được đứng trên sân khấu hát là niềm hạnh phúc, là thỏa đam mê và ai trong số họ cũng đều nhen nhóm lên ý tưởng chờ thời cơ để nổi tiếng.
Dương Hoàng Dũng, một ca sĩ hát lót mới vào nghề cho biết: "Bầu show sẽ gọi nhiều ca sĩ trẻ hát lót để dự phòng. Khi "sao" chưa có mặt thì ca sĩ hát lót sẽ có cơ hội lên biểu diễn. Còn nếu "sao" biểu diễn sung, chiếm nhiều thời gian thì ca sĩ hát lót ngậm ngùi cầm tiền bồi dưỡng là 50 nghìn đồng coi * như tiền xăng xe đi lại, đôi khi cũng chỉ được mời một bát phở... Chưa kể, nếu ca sĩ chính bất ngờ hủy show thì coi như phải lãnh đủ các "phản ứng phụ" của khán giả với gạch, ngói, rác...
Vừa hát vừa lo "bảo toàn tính mạng"
Ở những sân khấu lớn nhỏ trong TP, ca sĩ hát lót đa phần không được chào đón, nhưng những show diễn ở tỉnh còn mang lại nhiều cay đắng hơn rất nhiều. Chính vì thế, nhiều ca sĩ hát lót không dám đi tỉnh, hoặc chỉ đến khi "đói" show, họ mới đành "nhắm mắt đưa chân". Những sân khấu nhỏ ở các tỉnh thường được dân trong nghề gọi là sân khấu "chuồng gà" vì hầu hết đó là những sân khấu ngoài trời, thiếu thốn cơ sở vật chất và ở đây không phải ca sĩ nào cũng được tiếp đón tử tế. Chỉ cần khán giả không có cảm tình với ca sĩ nào, ca sĩ đó sẽ nhận được "tình cảm" của khán giả ngay lập tức bằng những "món quà" như đá, sỏi, cà chua...
Ca sĩ hát lót đi diễn ở tỉnh đôi khi còn bị bầu show hạ chi phí đến mức thấp nhất. Dương Hoàng Dũng cho biết: "Khi đã bước chân lên sân khấu "chuồng gà" thì bầu show có thể ép giá ca sĩ hát lót. Vì tâm lý của nhiều người là đã đi một chặng đường xa và mệt mỏi thì cũng muốn hát, muốn biểu diễn, chứ không ai muốn lại tay trắng đi về".
Ở những sân khấu ngoài trời đó, không hiếm ca sĩ hát lót bị khán giả chơi xấu, lợi dụng đám đông sàm sỡ, túm tóc khi bất đắc dĩ phải thay đồ giữa "thanh thiên bạch nhật"... Đó là chưa kể đến việc bị mất đồ vì không có người trông giữ. Tình trạng sau cánh gà là vậy, còn trong quá trình biểu diễn, trường hợp khán giả chạy lên sân khấu nhảy, múa minh họa, ôm ca sĩ... cũng là chuyện thường gặp. Nhiều khán giả còn "chơi" ca sĩ hát lót bằng việc bắt ký tặng khi đang biểu diễn, ca sĩ hát lót buộc phải một tay cầm micro, một tay cầm bút để ký.
Đó là chưa tính không ít biên tập ở một vài sân khấu lợi dụng các ca sĩ chưa có tên tuổi, bắt họ "đóng phí" để được có chân trong chương trình. Cạm bẫy là thế nhưng chen chân vào những nơi đây cũng không phải dễ, thậm chí đụng phải vài bầu sô, biên tập, ngoài việc phải "đóng tiền để được hát" thì còn chuẩn bị tinh thần đón nhận "lời đề nghị khiếm nhã". Đồng ý thì được hát, hoặc vĩnh viễn không xuất hiện tại nơi này.
Cát - sê "bèo", chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí tủi nhục, không phải ai cũng can đảm để tiếp tục con đường này nhưng trong số họ vẫn có nhiều người nuốt nước mắt, quyết tâm "bám nghề", trước mắt vì miếng cơm, manh áo, sau là chờ đợi cơ hội "đổi đời".
"Nỗi lòng biết tỏ cùng ai"
Một ca sĩ hát lót 30 tuổi, với hơn 4 năm trong nghề tâm sự: "Tôi phát hành album vol.4 rồi mà danh tiếng chẳng thấy, chỉ hao tiền đâu tư. Buồn quá, vể lại nghề cũ là nhân viên ngân hàng lương cũng tạm 7 đến 8 triệu đồng/tháng, rồi lấy đó mà nuôi nghề hát. Bộ đồ mặc trên người may gần 1,5 triệu đồng, mà đi hát show chỉ được 200 nghìn đồng/đêm. Trang phục cũng chỉ dám mặc đến lẩn thứ 4 là cất đi vì sợ khán giả chê cũ".
Có trường hợp của một nữ ca sĩ vốn là cô giáo dạy nhạc ở một trường tiểu học, ngoại hình cũng chỉ xếp ở mức trung bình, chất giọng tạm ổn. Cô yêu nghề hát nhưng vì gia đình không có điều kiện nên ráng đi dạy vài năm, dành dụm để hy vọng ra được một album xem như "giấy phép thông hành".
So đi tính lại vẫn chưa đủ tiền đầu tư cho nghiệp ca hát, cô năn nỉ mẹ cầm cố ngôi nhà, vay tiền ngân hàng để hỗ trợ nốt phẩn còn lại. Đến khi có cái nghề trong tay, cô đã thỏa niềm đam mê nhưng thu nhập chẳng hề khấm khá như mong đợi. Không có được ngoại hình sáng như nhiều đồng nghiệp, cô thường bị từ chối thẳng thừng hoặc buộc phải chấp nhận giảm lương để có show diễn. Mỗi tháng, nghĩ đến chi phí sinh hoạt và tiền lãi ngân hàng là lại... chóng mặt. Đến bây giờ cô đã bỏ hẳn luôn nghề dạy nhạc để miệt mài theo các đoàn đi các tỉnh biểu diễn. Và cô vẫn mong ước rồi sẽ có một ngày ước mơ nổi tiếng trở thành hiện thực...

Theo Thanh Long/ Pháp luật và Xã hội

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xót xa nỗi lòng ca sĩ hát lót: Giá cát sê bằng... một bát phở