Điển hình như tại Vĩnh Phúc, Chủ tịch phường, 2 Trưởng Công an phường và 2 cán bộ cơ sở bị đình chỉ công tác vì liên quan đến công tác quản lý địa bàn.

Xử lý cán bộ vi phạm quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương

Lam Thanh | 09/05/2021, 15:14

Điển hình như tại Vĩnh Phúc, Chủ tịch phường, 2 Trưởng Công an phường và 2 cán bộ cơ sở bị đình chỉ công tác vì liên quan đến công tác quản lý địa bàn.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới và nhiều địa phương Việt Nam, đặc biệt là ở một số nước có chung đường biên giới với nước ta với số ca nhiễm bệnh và tử vong ngày càng tăng. Vi rút biến chủng mới xuất hiện có đặc điểm mạnh hơn, lây nhanh hơn và nguy hiểm hơn.

Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt về mọi mặt thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.

Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải đề cao trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch.

chong-dich.jpg
Nhiều địa phương xử lý cán bộ vi phạm trong công tác phòng chống dịch

Quan điểm của Chính phủ là ghi nhận, biểu dương, kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống dịch; đồng thời xử lý nghiêm theo đúng quy định, kể cả xem xét xử lý hình sự các trường hợp vi phạm, lơ là, thiếu trách nhiệm, không nể nang, né tránh.

Trên tinh thần đó, một số địa phương đã xử lý một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy vi phạm quy định, dẫn tới phải xử lý kỷ luật.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký ban hành 2 quyết định về việc tạm đình chỉ công tác đối với 2 Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế và Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong thiếu chủ động, chậm trễ tham mưu thực hiện các văn bản, chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác phòng dịch trong thời gian qua.

Ngoài 2 trường hợp này, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 Chủ tịch UBND phường, 2 Trưởng Công an phường và 2 cán bộ cơ sở bị đình chỉ công tác vì liên quan đến công tác quản lý địa bàn khi để xảy ra dịch COVID-19.

Bên cạnh xử lý cán bộ vi phạm, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang siết chặt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Hạnh về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” theo Điều 348 Bộ luật Hình sự; kiểm tra, phát hiện 66 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh.

Xử lý 2 trường hợp vi phạm các biện pháp cách ly y tế, 4 cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, ăn uống không chấp hành các quy định phòng, chống dịch. Đồng thời, cảnh cáo 37 trường hợp, xử phạt 386 trường hợp không đeo khẩu trang và đình chỉ hoạt động của 4 doanh nghiệp vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh.

“Với tinh thần không bao che, dung túng cán bộ, tới đây, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tập thể, cá nhân cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch” lãnh đạo tỉnh khẳng định, đồng thời yêu cầu tất cả các thành viên ban chỉ đạo được phân công trực không được phép tắt máy điện thoại, không được phép ra khỏi địa phương, nếu ra ngoài phải báo cáo với lãnh đạo tỉnh.

Ở Hà Nam, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân đã ký quyết định xử lý 3 người gồm:

Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về chính quyền và rút khỏi danh sách ứng cử Đại biểu HĐND huyện Lý Nhân, nhiệm kỳ 2021- 2026 đối với ông Ngụy Cao Phi, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Lý Nhân.

Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về chính quyền đối với ông Lương Thanh Ngọc, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân.

Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về chính quyền, rút khỏi danh sách ứng cử Đại biểu HĐND xã và không giới thiệu tham gia ứng cử chức danh Chủ tịch UBND xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, nhiệm kỳ 2021- 2026 đối với ông Phan Thanh Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Đạo Lý.

Như vậy, ông Phan Thanh Quỳnh sẽ “mất chức”, không còn cơ hội làm Chủ tịch UBND xã Đạo Lý trong nhiệm kỳ 2021-2026 tới.

Chủ tịch tỉnh Yên Bái cũng đã có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Trường Giang – Giám đốc Trung tâm Y tế TP Yên Bái do có vi phạm trong quản lý khu cách ly tập trung.

Trong vụ việc để xảy ra lây nhiễm từ chuyên gia Ấn Độ sang nhân viên khách sạn Như Nguyệt 2, TP Yên Bái, hàng loạt sai sót đã được cơ quan chức năng phát hiện như: không tuân thủ đầy đủ quy định phòng dịch, chưa có phòng đệm nếu phát hiện ca dương tính, chưa phân loại rác thải, nhân viên vào khu cách ly không mặc trang phục bảo hộ…

Tại Đồng Nai, liên quan vụ 3 đối tượng Trung Quốc bỏ trốn khỏi khu cách ly tập trung số 2 đóng tại xã Thanh Phú, huyện Vĩnh Cửu, chủ tịch tỉnh này đã có công văn yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương đề xuất xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Trong cuộc họp thường kỳ tháng 4, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã nghiêm túc nhận khuyết điểm sau khi bị Thủ tướng phê bình, nhắc nhở, do còn có những hạn chế, thiếu sót trong phòng chống dịch dịp nghỉ lễ vừa qua.

Tại cuộc họp rút kinh nghiệm về công tác phòng chống dịch diễn ra vào hôm 3.5, TP Đà Nẵng đã kiểm điểm những tồn tại hạn chế đối với một số cá nhân, đơn vị.

Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố rà soát lại chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và cá nhân. Lãnh đạo một số địa phương trong thành phố chưa nắm được công việc phải làm đã bị phê bình thẳng thắn. Chủ trương của thành phố: nhiệm vụ phòng chống dịch là của cả hệ thống chính trị, chứ không của riêng một ngành nào, đơn vị nào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo tinh thần cấp trên kiểm tra cấp dưới, tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra thôn, bản, ấp; thôn, ấp, bản kiểm tra dòng họ, gia đình theo tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng.

Theo đó, nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt về mọi mặt thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định.

Bài liên quan
Giải phóng mặt bằng: Lãnh đạo địa phương không được câu nệ, phải lắng nghe ý kiến dân
Về công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu “lãnh đạo địa phương không được câu nệ, phải xuống cơ sở lắng nghe ý kiến người dân xem họ đề xuất gì, đặt mình vào địa vị của họ. Còn một hộ dân cũng phải xuống".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử lý cán bộ vi phạm quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương