Có rất nhiều lập luận chỉ trích việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Tuy nhiên phần lớn những lập luận phản đối là không có căn cứ hoặc sai lệch. Bài viết này nhằm cung cấp cho bạn một số luận cứ và thực tế để bạn bác bỏ những lầm tưởng đó.

10 lầm tưởng về hôn nhân cùng giới

Một Thế Giới | 14/09/2014, 00:00

Có rất nhiều lập luận chỉ trích việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Tuy nhiên phần lớn những lập luận phản đối là không có căn cứ hoặc sai lệch. Bài viết này nhằm cung cấp cho bạn một số luận cứ và thực tế để bạn bác bỏ những lầm tưởng đó.

Chúng ta sẽ cùng điểm qua những lầm tưởng phổ biến nhất khi nói về hôn nhân đồng giới.

#1: Hôn nhân là thiết chế có từ xa xưa và chúng ta không nên thay đổi truyền thống.
#2: Hôn nhân cùng giới chỉ mới xuất hiện gần đây.
#3: Nếu muốn thì người đồng tính cứ chung sống với nhau là được, đâu cần đòi hỏi hôn nhân làm gì.
#4: Nếu nói ai cũng có quyền kết hôn tùy ý thì mai này chắc sẽ có người đấu tranh để kết hôn với trẻ em, thú vật, đồ vật hay kết hôn cận huyết, kết hôn nhiều người chắc?!
#5: Hôn nhân cùng giới có thể làm xói mòn giá trị của hôn nhân truyền thống.
#6: Người đồng tính đâu có quan hệ bền lâu được mà đòi kết hôn!
#7: Mọi người sẽ kéo nhau đi kết hôn với người cùng giới hết. Xã hội sẽ tuyệt chủng mất!
#8: Hôn nhân mà không có con cái thì không gọi là hôn nhân được.
#9: Lập luận thì lắm, nhưng cứ ra ngoài kia hỏi xem có ai ủng hộ không!? Nếu phần lớn mọi người ủng hộ thì tôi ủng hộ.
#10: Nếu hôn nhân cùng giới là đúng đắn nó tự khắc nó sẽ tới. Không cần phải làm gì cả.

———

phandoidongtinh

#1: Hôn nhân là thiết chế có từ xa xưa và chúng ta không nên thay đổi truyền thống.

Thứ nhất, “thiết chế” này không đứng yên. Thực tế, có rất nhiều “truyền thống” và quan điểm về hôn nhân đã thay đổi, bị loại bỏ, hoặc thêm vào từ ngày xưa tới nay. Nó luôn luôn thay đổi, và cho tới hiện tại, “thay đổi” vẫn là quy luật phát triển tự nhiên của hôn nhân. Một nghiên cứu cho thấy những gì mà chúng ta cho là “truyền thống” thường là những gì xảy ra trong 200 năm trước trở lại, chứ không phải quá lâu và bất biến như chúng ta vẫn nghĩ.

Hôn nhân từng được xem là công cụ để đàn áp phụ nữ, chiến lợi của việc chém giết nhau, hoặc để duy trì quyền lực của họ tộc. Ngay cả ở phương Tây, cũng chỉ vài thế kỷ lại đây mới dần bãi bỏ quan điểm người vợ là tài sản của người chồng. Thay vào đó, con người, chính con người chứ không phải ai khác, đã tạo ra những “truyền thống mới” như hôn nhân một vợ một chồng, bình đẳng nam nữ…

#2: Hôn nhân cùng giới chỉ mới xuất hiện gần đây.

Nhiều bằng chứng khoa học được công nhận rộng rãi cho thấy việc chung sống đồng giới, thậm chí được xã hội công nhận, đã có từ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại, nhiều vùng tại Trung Hoa, và các nơi khác trên thế giới trong những giai đoạn lịch sử nhất định.

#3: Nếu muốn thì người đồng tính cứ chung sống với nhau là được, đâu cần đòi hỏi hôn nhân làm gì.

Nhiều người đồng tính thậm chí không thích dùng từ “hôn nhân đồng tính” vì xét cho cùng nó cũng dạng như “trường học dành cho người đồng tính” hay “bãi giữ xe dành cho người đồng tính.” Điều cốt lõi của “hôn nhân cho mọi người” là việc mọi công dân (dù là đồng tính hay dị tính) đều được đối xử công bằng như nhau. Không có ai là công dân hạng hai, cũng như hôn nhân không phải là đặc quyền cho một nhóm người nào cả.

Thực tế là dù pháp luật không cho phép, họ vẫn sống chung với nhau, nhưng bị mất đi nhiều quyền lợi, như quyền thừa kế, quyền tài sản chung, nhận con nuôi, quyền nhận thân nhân trong các trường hợp khẩn cấp, đặc biệt, quyền hưởng các phúc lợi xã hội, lao động như các cặp khác giới.

Việc hôn nhân đồng giới được công nhận, cũng sẽ giúp mối quan hệ của những người đồng tính trở nên gắn kết hơn, có trách nhiệm hơn. Chừng nào pháp luật còn chưa công nhận, họ sẽ còn thấy băn khoăn, lo lắng và dễ bị tổn thương khi chung sống với nhau, do chưa ràng buộc với nhau một cách chính thức.

Quan trọng không kém, sự công nhận của pháp luật còn có ý nghĩa tinh thần sâu sắc, thể hiện rằng xã hội tôn trọng phẩm giá của mọi con người như nhau và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho tất cả công dân. Đó chính là sự công bằng. Mọi người đóng thuế như nhau, thì phải có quyền lợi như nhau. Kết hôn không phải là đặc quyền của một nhóm người nào cả, mọi người đều có quyền kết hôn miễn là tự nguyện và không ảnh hưởng tới quyền của người khác. Nghịch lý là khi những người yêu nhau mà lại không được pháp luật công nhận và bảo vệ.

#4: Nếu nói ai cũng có quyền kết hôn tùy ý thì mai này chắc sẽ có người đấu tranh để kết hôn với trẻ em, thú vật, đồ vật hay kết hôn cận huyết, kết hôn nhiều người chắc?!

Một yêu cầu của hôn nhân đó là: giữa hai người trưởng thành và tự nguyện. Loài vật hay đồ vật chắc chắn không phải con người để hiểu được nó đang làm gì. Còn trẻ em thì chưa đủ trưởng thành để tự quyết định. Không thể đem hôn nhân cùng giới ra so sánh được.

Hôn nhân cận huyết lại là một câu chuyện khác, xuất phát từ chế độ phong kiến nhằm củng cố quyền lực trong họ tộc, hoặc tập tục để bảo vệ “dòng máu.” Hôn nhân cận huyết được cho là làm suy giảm bộ gien, chất lượng dân số nên bị cấm tại nhiều nơi. Bản chất khác nhau nên cũng không thể đem hôn nhân cùng giới ra so sánh với hôn nhân cận huyết.

Đối với quan điểm xem hôn nhân đồng giới như hôn nhân đa thê lại gần giống một “cái bẫy” mà những người anti-gay hay “giăng” ra. Không có quan hệ nhân quả giữa việc người cùng giới kết hôn được thì mọi người sẽ trở nên đa hôn. Bản chất của hai việc này nằm ở giới tính và số lượng của phối ngẫu. Nói một cách đơn giản hơn: Người dị tính có quyền kết hôn theo nguyện vọng của họ. Còn người đồng tính thì không.

Hôn nhân cần đảm bảo tính cân bằng và tự nguyện. Giữa hai người A và B sẽ cần sự tự nguyện trong mối quan hệ của A với B, và của B với A. Trong khi đó, nếu là giữa A, B và C, nghĩa là có tới 6 mối quan hệ, và nhân lên nhiều lần mỗi khi có thêm 1 người vào mối quan hệ này, dẫn đến sự thiếu cân bằng và không tự nguyện trong đa hôn. Vấn đề này không xảy ra ở hôn nhân của hai người cùng giới.

Quan trọng hơn, hôn nhân đồng tính đã được chứng minh là không sai trái, không gây nguy hại cho xã hội. Trong khi đa hôn hay hôn nhân cận huyết thì đã được cho là có nguy cơ gây nguy hại cho xã hội.

#5: Hôn nhân cùng giới có thể làm xói mòn giá trị của hôn nhân truyền thống.

Thứ nhất, như đã nói ở #1, quan niệm về hôn nhân đã thay đổi nhiều lần theo lịch sử, và “truyền thống” là do con người tạo ra, để phục vụ con người chứ không phải “truyền thống” trói buộc, điều khiển con người.

Thứ hai, trao cho người khác quyền, không có nghĩa là làm mất đi quyền của bạn. Pháp luật mở rộng cơ hội bình đẳng cho nhiều người hơn, nghĩa là xã hội trở nên hạnh phúc hơn. Không ai xâm phạm quyền của ai cả. Sẽ không có chuyện những người dị tính tan vỡ và “đổ lỗi” rằng đó là vì hôn nhân cùng giới. Điều này đã được kiểm nghiệm trên thực tế ở nhiều quốc gia đã hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới.

tumblr_lmuf3zbvdh1qbxcm7o1_500(tv)

#6: Người đồng tính đâu có quan hệ bền lâu được mà đòi kết hôn!

Tình yêu không phân biệt tuổi tác, địa vị, màu da… cũng như giới tính. Bạn không thể kết luận những người chênh tuổi nhau, khác hoàn cảnh, không cùng tôn giáo, chủng tộc… thì kém bền vững được.

Tỷ lệ ly hôn trung bình của các nước phương Tây là 30-40%. Hôn nhân cùng giới lâu đời nhất trên thế giới cũng chỉ mới hơn 10 năm, vì vậy chưa có nhiều số liệu dài hạn. Nhưng những số liệu ngắn hạn có thể kế tới như sau. Nghiên cứu ở Anh cho thấy có dưới 1% cặp cùng giới ly hôn sau 30 tháng chung sống. Tỷ lệ này cao hơn một chút ở Nauy hay Thụy Điển. Nghiên cứu của Đan Mạch chỉ ra tỷ lệ ly hôn của những cặp cùng giới thấp hơn rõ rệt so với cặp khác giới.

Vì thế đây chỉ là luận điệu kỳ thị chứ không có căn cứ. Thêm nữa, ly hôn vốn là một thực tế. Cho dù một người có nguy cơ ly hôn cao, thì cũng không thể ngăn cấm họ quyền kết hôn. Vì nếu như vậy, có lẽ chúng ta lại phải xem xét những người dị tính đã từng ly hôn không được phép kết hôn nữa. (!) Chuyện bền vững hay không phụ thuộc vào từng cặp cụ thể, vào sự cam kết của hai người trong mối quan hệ, chứ không phụ thuộc đó là người cùng giới hay khác giới.

Có ai đi khảo sát, bỏ phiếu để người dị tính được phép kết hôn không? Hoàn toàn không, đơn giản vì nó là quyền con người tự nhiên, quyền được sống bên cạnh người mình yêu thương.

#7: Mọi người sẽ kéo nhau đi kết hôn với người cùng giới hết. Xã hội sẽ tuyệt chủng mất!

Lập luận này dựa trên một số lầm tưởng phổ biến khác như: “Đồng tính là trào lưu. Đồng tính là bệnh. Đồng tính có thể lây lan.” Và những kiến thức này đã được hầu hết mọi người công nhận là… sai. Đồng tính không phải là trào lưu hay một giai đoạn nhất thời. Đồng tính không phải là bệnh mà là một xu hướng tự nhiên thuộc về con người. Đồng tính không phải là hành vi tập nhiễm, không phải virus nên không lây lan.

Còn chuyện tuyệt chủng khá giống phim viễn tưởng. Thứ nhất, việc cho phép người đồng tính kết hôn không ảnh hưởng tới việc sinh con đẻ cái của những cặp khác giới. Có khoảng 5-7% dân số thế giới là người đồng tính. Và nếu không cho phép họ kết hôn, thì họ cũng không lấy người khác giới (trừ trường hợp miễn cưỡng, giả tạo; mà miễn cưỡng, giả tạo lại là điều cấm của hôn nhân). Thứ hai, mục đích hôn nhân không chỉ duy nhất là sinh con đẻ cái, vì nếu không thì những người vô sinh, không muốn sinh con hoặc người lớn tuổi phải bị cấm kết hôn, vì họ cũng không tạo ra thế hệ sau. Tóm lại hôn nhân của người đồng tính không ảnh hưởng gì xấu tới hôn nhân của người dị tính cả.

#8: Hôn nhân mà không có con cái thì không gọi là hôn nhân được.

Mục đích hôn nhân không chỉ duy nhất là sinh con đẻ cái, vì nếu không thì những người vô sinh, không muốn sinh con hoặc người lớn tuổi cũng phải bị cấm kết hôn. (!) Nhưng tại sao pháp luật vẫn thừa nhận và bảo vệ hôn nhân của họ? Có thể thấy rõ ở trường hợp gần đây, hai cụ già 91 tuổi muốn đăng ký kết hôn đã được đông đảo dư luận ủng hộ. Tại sao không thấy ai lập luận rằng hai cụ không thể sinh con được nữa nên không nên cưới nhau? Ở đây, quan trọng hơn hôn nhân là để tạo ra môi trường hạnh phúc cho mọi người. Đó chính là mục đích nhân văn nhất của hôn nhân.

Thực tế, nhiều người/cặp đồng tính vẫn có con hoặc nhận con nuôi. Và họ hoàn toàn có khả năng để làm tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng đứa bé. Ngoài ra, nhiều người còn nhận định, người đồng tính vốn đối mặt với định kiến và khó khăn thường xuyên, sẽ có khả năng giúp đỡ tốt hơn cho những trẻ em vốn mong manh và nhạy cảm.

#9: Lập luận thì lắm, nhưng cứ ra ngoài kia hỏi xem có ai ủng hộ không!? Nếu phần lớn mọi người ủng hộ thì tôi ủng hộ.

Ngày 1/4/2001, Hà Lan là nước đầu tiên hợp pháp hóa hoàn toàn hôn nhân cùng giới. Vào thời điểm đó, đây vẫn còn là vấn đề tranh cãi ở nhiều nơi khác. Nhưng theo thời gian, sự ủng hộ và hiểu đúng ngày càng lan tỏa nhanh hơn. Càng được nhắc tới và thảo luận nhiều, con tim và khối óc của nhiều người càng thay đổi.

Vô số khảo sát về thái độ của dân chúng tại nhiều nước cho thấy tỷ lệ ủng hộ hôn nhân cùng giới tăng theo từng năm, cùng với số lượng phản đối cũng ngày càng giảm. Và như Ngoại trưởng Mỹ Hilliary kêu gọi: Hãy đứng về lẽ phải của lịch sử.

#10: Nếu hôn nhân cùng giới là đúng đắn nó tự khắc nó sẽ tới. Không cần phải làm gì cả.

Điều này không đúng. Trên khắp thế giới, cuộc đấu tranh vì quyền của những người đồng tính, song tính và chuyển giới vẫn diễn ra hết sức mạnh mẽ. Nó nói lên rằng quá trình đi đến sự thừa nhận của xã hội là không hề dễ dàng. Và khi những định kiến, kỳ thị, lầm tưởng vẫn còn tồn tại và lan tràn khắp nơi, chúng ta cần phải lên tiếng.

Hôn nhân, vẫn chỉ là một khía cạnh mà người đồng tính, song tính và chuyển giới đã và đang đấu tranh. Còn rất nhiều khía cạnh khác như văn hóa, giáo dục, y tế… cũng cần được quan tâm. Và điều này cần nỗ lực chung của toàn xã hội để trở thành hiện thực.

Theo 6sac.com

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 lầm tưởng về hôn nhân cùng giới