Theo báo cáo gửi Quốc hội của Bộ KH-ĐT, hiện có 17 bộ, ngành cơ quan chưa giải ngân vốn ngân sách theo kế hoạch đầu tư công năm nay.

17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn đầu tư công

Hoài Lam | 21/05/2022, 13:23

Theo báo cáo gửi Quốc hội của Bộ KH-ĐT, hiện có 17 bộ, ngành cơ quan chưa giải ngân vốn ngân sách theo kế hoạch đầu tư công năm nay.

Theo báo cáo gửi Quốc hội, Bộ KH-ĐT cho biết, vốn NSNN năm 2022 ước thanh toán đến 30.4.2022 là 95.724 tỉ đồng, đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng giao, xấp xỉ cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 18,65% kế hoạch Thủ tướng giao).

Trong đó: vốn trong nước là 94.592 tỉ đồng đạt 19,57% kế hoạch Thủ tướng giao, vốn nước ngoài là 1.131 tỉ đồng đạt 3,25% kế hoạch, có 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Trong đó 7 bộ, ngành và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25% như Ngân hàng Chính sách xã hội (91,12%), Ngân hàng Phát triển (59,64%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (48,86%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (35,76%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%).

Có 43/51 bộ, ngành và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (tức giải ngân 0%) kế hoạch đầu tư công năm là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại học quốc gia TP.HCM, Ban quản lý Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam...

giai-ngan.jpeg
17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, nguyên nhân chưa giải ngân chủ yếu là do, đối với các dự án khởi công mới thì sau khi được giao kế hoạch vốn, chủ đầu tư mới triển khai các thủ tục như: Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đến bước lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu xây lắp, cung cấp thiết bị cho hạng mục tương ứng với giá trị kế hoạch vốn được giao. Thông thường, thời gian chuẩn bị các thủ tục này khoảng 6 tháng nên sẽ bắt đầu giải ngân từ quý 2.

Đối với các dự án chuyển tiếp, đã được tạm ứng hợp đồng từ cuối năm 2021, đến nay các nhà thầu đang triển khai thi công, những tháng đầu năm 2022 chưa đến kỳ thanh toán theo hợp đồng cho nhà thầu nên chưa giải ngân.

Ngoài ra còn có lý do từ một số dự án vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng nhất là công tác kiểm đếm đất để bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Theo báo cáo, ngày 2.5.2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 548/QĐ-TTg thành lập 6 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30.4 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%). các Tổ công tác sẽ chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong việc chậm trễ giải ngân vốn.

Về khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 là 526.105 tỉ đồng. Bên cạnh nguồn vốn này, cần phải giải ngân một lượng vốn lớn từ 60-80 nghìn tỉ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, áp lực giải ngân vốn năm nay được đánh giá là "rất lớn", nên cần nỗ lực từ các cấp, ngành và đề cao vai trò và trách nhiệm người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương...

Bài liên quan
40 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công dưới mức trung bình
Có 40 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước, trong đó 29 bộ, cơ quan tỷ lệ giải ngân 0%.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn đầu tư công