Nhằm khuyến khích người dân lựa chọn loại hình vận tải công cộng bằng đường thủy, trong 10 ngày đầu đưa vào khai thác, chủ đầu tư sẽ miễn phí cho tất cả hành khách. Sau đó mới áp dụng thu phí với giá vé chung là 15.000 đồng/lượt.
Ngày 21.11, ông Trần Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật - chủ đầu tư dự án 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy tại TP.HCM (buýt sông) cho biết, ngày 25.11 sẽ chính thức khai trương và đưa vào vận hành tuyến buýt đường sông số 1 (Công viên Bạch Đằng - Linh Đông).
Theo ông Toản, hiện tại, công ty này đã hoàn tất những khâu cuối cùng trong việc kiểm tra kỹ thuật, đánh giá mức độ an toàn của tuyến buýt sông sau 3 tháng hạ thủy phương tiện để vận hành thử nghiệm.
Tuyến buýt sông số 1 có lộ trình dài gần 1km từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến bến phà Linh Đông (quận Thủ Đức) đi qua các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Tuyến buýt đường sông số 1 có 5 tàu buýt (mỗi tàu 70 chỗ), hoạt động hoạt động từ 6 giờ 30 sáng đến 19 giờ 30, trong đó có 1 tàu dự bị. Thời gian của mỗi chuyến cách nhau khoảng 30 phút và thời gian mỗi tàu cập bến đón - trả khách giới hạn trong khoảng 3 phút.
Hiện tại, tuyến buýt sông đã có 5 bến đã được chủ đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng gồm: bến Bạch Đằng (quận 1), Bình An (quận 2), Thanh Đa (quận Bình Thạnh) và bến Hiệp Bình Chánh, Linh Đông (quận Thủ Đức). Các bến trên đều được kết nối với các tuyến xe buýt để kết nối hệ thống giao thông đường thủy – đường bộ. Đặc biệt, tại các đầu bến đều có các bãi giữ xe để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, giảm lượng xe cá nhân đổ về trung tâm thành phố.
Đáng chú ý, nhằm khuyến khích người dân lựa chọn loại hình vận tải công cộng bằng đường thủy, trong 10 ngày đầu đưa vào khai thác, chủ đầu tư sẽ miễn phí vé cho tất cả hành khách. Sau đó mới áp dụng thu phí với giá vé chung là 15.000 đồng/lượt.
Đồng thời, đại diện chủ đầu tư cũng đã đề xuất UBND TP.HCM mở 3 tuyến xe điện vận chuyển hành khách đến các bến tàu buýt đường sông để vận chuyển khách du lịch và người dân trong phạm vi hạn chế từ các bến tàu của tuyến số 1 đến các khách sạn, địa điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn thành phố.
Trong đó, có tuyến xe điện từ các khách sạn lớn ở trung tâm thành phố đến bến Bạch Đằng (quận 1); tuyến từ bến Bình An ra đường Trần Não – Xa lộ Hà Nội và tuyến Thảo Điền – Nguyễn Văn Hưởng – Xuân Thủy (quận 2). Mỗi lộ trình, chủ đầu tư đề xuất 4 phương tiện với số lượng vận chuyển từ 12 – 14 người/xe. Mặc dù vậy, tùy theo nhu cầu đi lại của người dân, loại xe điện phục vụ khách sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.
Về vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM nói rằng, tuyến buýt đường thủy là loại hình phục vụ vận tải công cộng mới nên cần phải có thời gian chuẩn bị kỹ càng. Do đó, việc đưa vào sử dụng tuyến này chậm hơn dự kiến là nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bến bãi rồi mới phục vụ hành khách. Như vậy, tuyến buýt sông mới vận hành được an toàn, tiện lợi, văn minh và có ấn tượng lâu dài với người dân.
“Quan điểm của Sở và UBND TP.HCM sẽ ưu tiên phát triển loại hình vận tải đường thủy. Đây là loại hình vốn đầu tư thấp, an toàn cao, có thể tận dụng được lợi thế sông, kênh, rạch của thành phố. Việc phát triển giao thông thủy trong thời gian tới không chỉ gắn với hoạt động phát triển du lịch của thành phố, mà nó cũng góp phần rất lớn trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông”, ông Cường phân tích.
Phan Diệu