Hiện hàng năm có khoảng gần 3 triệu lô hàng nhập khẩu bị kiểm tra chuyên ngành và có những doanh nghiệp đã “phát khóc” khi kiến nghị về các thủ tục kiểm tra này, theo thông tin từ Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ.

3 triệu lô hàng xuất nhập khẩu bị kiểm tra, DN 'phát khóc'

VGP | 18/05/2016, 15:06

Hiện hàng năm có khoảng gần 3 triệu lô hàng nhập khẩu bị kiểm tra chuyên ngành và có những doanh nghiệp đã “phát khóc” khi kiến nghị về các thủ tục kiểm tra này, theo thông tin từ Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Tại Hội nghị do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà chủ trì sáng 18.5, đại diện các doanh nghiệp đã phản ánh hàng loạt khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Lượng hàng bị kiểm tra “cực kỳ lớn”

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết hiện số lượng lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành là cực kỳ lớn. Hiện Việt Nam mỗi năm có khoảng 8,4 triệu lô hàng nhập khẩu, tỷ lệ kiểm tra là khoảng 30-35%, tức là gần 3 triệu lô hàng phải kiểm tra. Nghị quyết 19 của Chính phủ đã đặt mục tiêu tới cuối năm nay, phải giảm tỷ lệ kiểm tra xuống còn khoảng 15%.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đánh giá cao nhiều cơ quan như Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Bộ GTVT đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thông tư 23 về tiền lương vừa ban hành nhưng làm khó doanh nghiệp cũng đã được Bộ LĐTBXH sửa đổi.

Tuy nhiên, ông Cẩm cho biết doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Trước hết chính sách tăng lương tối thiểu thường xuyên đối với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày… đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ tính giai đoạn 2008-2016, mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm và đối với các doanh nghiệp FDI đã tăng 18,1%/năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn này tăng bình quân 10,7%, năng suất lao động tăng 3,9%.

Về mặt thủ tục, thời gian kiểm tra chuyên ngành với hàng nhập khẩu vẫn kéo rất dài. Điển hình như thủ tục hun trùng cho bông vải nhập khẩu mất khoảng 10-15 ngày. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tổng hợp, kiến nghị nhiều lần với các cơ quan liên quan, song theo phản ánh của doanh nghiệp thì tình trạng này vẫn đang tồn tại.

Ông Cẩm nhắc tới Thông tư 37 năm 2015 của Bộ Công Thương sửa Thông tư 32 năm 2009 về kiểm tra formaldehyt cho vải, sản phẩm dệt may vẫn gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Chi phí giám định hàm lượng formaldehyt là 2 triệu đồng mỗi mẫu vải. Thậm chí đối với các lô hàng nhập khẩu về làm mẫu theo hình thức chuyển phát nhanh, có khi chỉ có 5-10 mét vải, doanh nghiệp vẫn phải kiểm định hàm lượng formaldehyt và chi phí vẫn như vậy.

“Bộ Công Thương đã có công văn giải thích nhưng khi Thông tư không rõ ràng thì công văn giải thích cũng chưa đạt mà phải sửa đổi Thông tư đó, quy rõ các trường hợp miễn kiểm tra, vì các Nghị nguyết 19 đều ghi rõ việc kiểm tra chuyên ngành phải chuyển căn bản sang hậu kiểm và tăng cường diện miễn kiểm tra. Thực hiện Thông tư 37 thì hầu hết các lô hàng đều phải kiểm tra”, ông Cẩm nói.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung nhận định Thông tư 37 không bám theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, phần nhiều không lắng nghe doanh nghiệp. “Vấn đề đã kéo dài nhiều năm, tôi đã từng thấy một doanh nghiệp phát khóc tại một hội thảo và nói rằng đây sẽ là lần cuối cùng họ kiến nghị, vì đã kiến nghị quá nhiều. Hy vọng tân Bộ trưởng Công Thương sẽ giải quyết rốt ráo vấn đề này”, ông Cung nói.

Tại sao giải quyết vẫn chậm?

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, Nghị quyết 19 là sự khích lệ rất lớn với doanh nghiệp, vì doanh nghiệp có một kênh để kiến nghị các vướng mắc. “Nhưng tại sao với một chủ trương lớn như thế, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, việc giải quyết nhiều vấn đề cụ thể vẫn chậm và không triệt để?”, ông Nam đặt vấn đề.

Đồng cảm với Hiệp hội Dệt may, ông Nam khẳng định chi phí tiền lương đang là một gánh gặng thực sự với doanh nghiệp.

Nhưng tập trung nhiều hơn vào vấn đề thủ tục hành chính, ông Nam cho biết nhiều vướng mắc trong Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT về kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu đã được các doanh nghiệp kiến nghị 2 năm qua, nhiều điểm đã được Bộ và các vụ, cục ghi nhận, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. “Ngày nào doanh nghiệp cũng sản xuất, đâu có thể ngừng sản xuất để chờ”, ông Nam nói.

Tương tự là nhiều kiến nghị gửi tới Bộ Y tế, trong đó có vấn đề công bố hợp quy và dán nhãn sản phẩm. Theo ông Nam, hơn 80% nguyên liệu thủy sản nhập khẩu là để sản xuất xuất khẩu, chứ không tiêu thụ trong nước.

“Doanh nghiệp thủy sản phần lớn ở miền Nam, nhưng cứ phải ra Hà Nội để làm thủ tục này, vòng vèo mất hàng tháng trời, trong khi về mặt an tòan thực phẩm là có thể bỏ thủ tục này. Luật Thuế xuất nhập khẩu mới đã miễn thuế với nguyên liệu nhập để sản xuất xuất khẩu, mong Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi vấn đề này”, ông Nam đề nghị.

Cũng liên quan đến dệt may, ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết năm 2015 Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn bông, tương đương khoảng 50 nghìn container, trong đó khoảng 18 nghìn container bị lấy mẫu kiểm dịch. Với chi phí khoảng 1 triệu đồng cho mỗi mẫu 0,5kg bông, các doanh nghiệp mất khoảng 18 tỷ đồng cho kiểm dịch.

“Đó là chưa kể tới hàng nghìn người, xe cộ phải ra cảng, xin kiểm dịch rồi chầu chực lấy kết quả, ít nhất là 2,5 ngày, thường thì từ 7 đến 8 ngày. Gây gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp trong thông quan, trong khi kiểm tra bao năm nay không phát hiện ra nguy cơ nào. Không hiểu sao chúng ta vẫn duy trì thủ tục này, bởi tuy bông là mặt hàng nông nghiệp nhưng đã qua xử lý công nghiệp rồi. Chúng tôi nghe nói cơ quan chức năng từng có ý định tiếp tục tăng cường kiểm tra mặt hàng này, các doanh nghiệp rất sợ hãi”, ông Sơn tha thiết.

Bà Nguyễn Ánh Tuyết, Công ty TNHH Ford Việt Nam nhắc tới hàng loạt thông tư của các bộ liên quan đến việc nhập khẩu ô tô, từ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an tới Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… “Điều này cho thấy, khó khăn chính đến từ quy định của các Bộ”, TS Nguyễn Đình Cung bình luận.

Theo Chinhphu.vn

Ảnh minh họa
Bài liên quan
Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra tàu tuần tra do Cảnh sát biển Hàn Quốc viện trợ
Ngày 14.11, trong chuyến công tác tại Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã kiểm tra công tác của tàu tuần tra do Cảnh sát biển Hàn Quốc viện trợ cho Bộ Công an Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
32 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 triệu lô hàng xuất nhập khẩu bị kiểm tra, DN 'phát khóc'