Tối 29.5, clip chương trình 60 phút mở với chủ đề 'Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?' của VTV1 đã gây bão Facebook. Các khách mời cùng tranh luận về động cơ khi một người chia sẻ điều gì đó trên mạng xã hội. Đây là đề tài truyền thông hay, nhưng chỉ mới phát đã có những ý kiến rất khác nhau và VTV đã gỡ clip.
Xem thêm: Phan Anh lên tiếng bảo vệ MC Tạ Bích Loan, nhà báo Hồng Thanh Quang
Nhân vật chính trong chương trình này là MC Phan Anh. Cách đây không lâu, MC Phan Anh đã chia sẻ clip của VTC thực nghiệm cá chết. Clip này sau đó được chứng minh là dàn dựng có chủ đích, không đúng sự thật.Dù vậy, MC Phan Anh cho biết, mình chia sẻ nhằm bày tỏ quan điểm của mình với mọi người, đồng thời muốn có những tiếng nói trao đổi cởi mở, dân chủ và thẳng thắn.
MC Phan Anh bị đấu tố trong chương trình 60 phút mở?
TS. Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý Học viện thanh thiếu niên Việt Nam giải thích, theo thuyết động cơ của David Mcclelland, một người chia sẻ trên mạng xã hội chủ yếu của ba động cơ: Thứ nhất là động cơ tồn tại, vì con người luôn luôn mong muốn người khác biết đến mình. Thứ hai là nhu cầu liên kết, giao tiếp. Chúng ta muốn kết nối với nhiều người, muốn bày tỏ quan điểm của mình với những người khác. Thứ ba là động cơ quyền lực. Động cơ này có nghĩa rằng con người muốn những điều mình nói, những thông tin mình chia sẻ sẽ có những ảnh hưởng, tác động để người khác phải nghe theo.
Trong khi đó, nhà báo Hồng Thanh Quang chia sẻ: “Trong lòng chúng ta có một cảm xúc, Phan Anh muốn chia sẻ cảm xúc của mình. Còn việc tiếp nhận những cảm xúc đó như thế nào là tùy mỗi người”. Thậm chí, nhà báo Hồng Thanh Quang còn cho rằng Phan Anh đang ngụy biện khi anh nói, mọi người cần đọc kỹ những gì người khác viết thay vì chỉ nhìn vào clip chia sẻ, bởi nếu không sẽ trở thành người hấp tấp.
Tổng biên tập báo Đại đoàn kết nhận định: “Không ai quan tâm đến việc bạn nghĩ gì trong đầu. Bạn đã khiến rất nhiều người yêu thương, tin tưởng bạn, đó là điều khiến người khác đánh giá bạn”.
Cuộc tranh luận gay gắt giữa các khách mời trong chương trình gồm khiến không ít người bất bình và cho rằng, chương trình đang tìm mọi cách để dồn MC Phan Anh phải thừa nhận hành vi chia sẻ của mình là sai.
Chương trình dàn dựng, cắt ghép?
Trước những ý kiến trái chiều của dư luận xung quanh sự việc này, nhiếp ảnh gia Na Sơn, một trong những khách mời tham gia chương trình đã lên tiếng trên Facebook cá nhân. Anh cho biết mình ủng hộ quan điểm của Phan Anh và thực sự nể nam MC vì bản lĩnh, sự chính trực.
Na Sơn viết: “Clip phát trên tivi là biên tập, cắt cúp rất nhiều từ cuộc nói chuyện, tranh luận hơn 2 tiếng. Có những thứ rất hay đáng nhẽ nên cho vào để cân bằng. Ví dụ như Phan Anh nói: “Tôi phải tin VTC chứ vì đó là nguồn tin chính thống, là đài truyền hình nhà nước, cũng như mọi người tin vào cái phóng sự... quét rau của VTV vậy”.
Nhiếp ảnh gia này cho biết thêm, tại trường quay trực tiếp, Phan Anh không hề bị lép vế, mặc dù việc sắp xếp của chương trình để nam MC “đối mặt” với sự chỉ trích từ đầu.
Nội dung status đầy đủ của nhiếp ảnh gia Na Sơn như sau: "Tối qua tới giờ trên mạng nóng vụ VTV đấu tố MC Phan Anh. Là người trong cuộc và cũng là người ủng hộ quan điểm của bạn ấy mình có vài lời như thế này: 'Clip phát trên ti vi là biên tập, cắt cúp rất nhiều từ cuộc nói chuyện, tranh luận hơn 2 tiếng cho vừa khung 60 phút của họ. Có những thứ rất hay đáng nhẽ nên cho vào để cân bằng. Ví dụ như Phan Anh nói: 'Tôi phải tin VTC chứ vì đó là nguồn tin chính thống, đài truyền hình nhà nước cũng như mọi người tin vào cái phóng sự... quét rau của VTV vậy...'.
Ở hiện trường thì Phan Anh không hề bị lép vế chút nào mặc dù việc sắp xếp của chương trình để bạn ấy "đối mặt" với sự chỉ trích từ đầu. Mình chỉ được vào khoảng 30 phút cuối nên 'hộ giá' không được nhiều. Quan điểm của mình là ủng hộ bạn ấy và ủng hộ chia sẻ trên mạng. Mình biết Phan Anh mười mấy năm trước và quý bạn ấy nhưng đến giờ thì thực sự nể Phan Anh vì bản lĩnh, sự chính trực.
Cuối cùng, chúng ta hãy 'đừng im lặng' và 'share có ý thức' khi tham gia mạng xã hội. Vậy thôi! Quan tâm gì đến việc 'thể hiện quyền lực' hay 'khẳng định bản thân'... phỏng ạ? Đấy là việc của hội nghiên cứu".
Trả lời báo Giao Thông, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp phân tích việc cắt ghép nội dung chương trình: “Cảm giác Phan Anh hơi yếu là do dựng phim. Ví dụ, phần trả lời của khách mời thường bị cắt ngắn hơn. Phần đối đáp của Phan Anh cũng có giữ vài “Em phản đối”, “Em xin đính chính” là để khách quan, chứ thực chất sau đó ghép với các kiến giải hoặc phản bác rất bình tĩnh của nhóm chuyên gia. Động cơ ghét này nhằm mục đích để nói: “Phan Anh ơi, máu quá nhưng cậu sai rồi cậu phản đối hoặc đính chính chỉ càng cho thấy cậu sai thôi”.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chỉ ra, nếu nhìn vào các mấu cắt dựng, ta có thể nhìn thấy rất rõ ý tưởng của biên tập hoặc người tạo ra chương trình. Khách mời (đại diện cho số đông mà chương trình muốn nhắm tới) là người có hành vi cần các chuyên gia tham gia vào để chỉ ra - uốn nắn sao cho mục đích tốt phải đi kèm hành vi đúng.
Cô chia sẻ: "Có hai điều đáng nói: Thứ nhất, 60 phút này cho thấy Phan Anh rất thú vị. Hiếm có chương trình truyền hình nào mà nhân vật lại có sự mới mẻ, ngơ ngác, thay đổi cảm xúc thực tế như Phan Anh trong chương trình.
Thứ hai, những người làm chương trình này không ngu dốt. Họ có thể biên tập cắt ghép, dùng ngôn ngữ dựng phim để tạo ra thông điệp (ra vẻ) khách quan khiến ai xem cũng tức tối và ném đá, thực tế để đưa thông điệp “Đừng im lặng” với “cá chết”, đừng tin ai cả, hãy tỉnh táo share có ý thức!".
Thực tế, theo thuyết động cơ tâm lý của McGuire, động cơ được chia làm hai loại. Thứ nhất là động cơ bên trong không có tính xã hội. Động cơ này bao gồm nhu cầu cân bằng bản thân, đánh giá và thiết lập các trật tự, nhu cầu quan sát, tìm hiểu nguyên nhân của sự việc và vật thể, nhu cầu có sự độc lập tự kiểm soát bản thân và cuối cùng, đó là nhu cầu tìm kiếm sự đa dạng và khác biệt, mới lạ trong cuộc sống.
Thứ hai là động cơ bên ngoài mang tính xã hội - đó là nhu cầu của con người liên quan trực tiếp trong mối tương tác xã hội. Động cơ này bao gồm nhu cầu tự thể hiện bản thân, nhu cầu nhận được sự quý trọng, nhu cầu khẳng định cái tôi, nhu cầu hành động theo hướng hoặc phù hợp với một nhóm người khác để nhận được sự ủng hộ.
Hiện tại, những ầm ĩ phân tích ai đúng ai sai vẫn chưa kết thúc. Liên hệ với MC Phan Anh, anh không có vẻ gì là bực bội hay bất ngờ gì mà chỉ chia sẻ ngắn gọn với VietnamNet: "60 phút đã qua rồi, giờ tôi đang có kỳ nghỉ rất vui vẻ bên gia đình". Phóng viên cũng liên hệ với nhà báo Tạ Bích Loan nhưng chưa thể kết nối máy.
Trên Facebook cá nhân, MC Phan Anh đăng status cám ơn những ai ủng hộ mình và cho rằng những khách mời trong 60 phút mở không thù ghét gì anh. Cụ thể như sau: "Xin cám ơn những người bạn. Và xin vui lòng tôn trọng những ý kiến khác biệt. Hãy trao đổi một cách bình tĩnh, văn hoá. Họ trong đời sống đều là người tôi quý mến và ngược lại tôi tin không có thù ghét gì tôi cả. Mong cả nhà thông cảm bố cháu xin phép chậm trả lời vì đang đưa cả nhà đi nghỉ hè. Chúc một tuần mới đầy hào hứng tới tất cả".
Sau sự việc này, nhiều người cho biết càng dành cho MC Phan Anh nhiều tình cảm và yêu mến hơn. "Đừng im lặng" và "share có ý thức" cũng là thông điệp đầy ý nghĩa mà nhiếp ảnh gia Na Sơn và MC Phan Anh muốn gửi gắm đến các bạn trẻ khi sử dụng mạng xã hội.
Các nhà báo nói về chương trình đấu tố MC Phan Anh
Theo Infonet, có quan điểm khen vấn đề mà VTV đề cập tới trongchương trình 60 phút mở với chủ đề 'Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?'. Nhà báo Chiến Văn chia sẻ trên Facebook: “Tôi là người trực tiếp xem Chương trình 60 phút mở phát trên VTV1 và cảm giác đầu tiên là tôi thấy sự mới mẻ, hấp dẫn của format chương trình. Chủ đề của chương trình rất thời sự, hay, bổ ích, giúp khán giả có được cái nhìn nhiều chiều về sử dụng mạng xã hội và ảnh hưởng nhiều chiều của nó”.
“Tuy nhiên, tôi thấy chị Tạ Bích Loan dẫn chương trình có vẻ hơi thiếu độ trung tính cần thiết, nhiều lúc hơi để cảm xúc cá nhân chi phối. Khách mời thì tôi thấy các vị chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu mạng xã hội, chuyên gia tâm lý chủ yếu đưa ra các lý thuyết, cung cấp kiến thức và con số thống kê”, nhà báo Chiến Văn cho biết thêm.
Theo Chiến Văn, có 3 nhà báo đưa ra quan điểm riêng thì anh Hồng Thanh Quang hơi gay gắt, áp đặt, có thể do bị cắp cúp ý kiến nên phần đầu hơi khiên cưỡng. Còn anh Hoàng Minh Trí (Cu Trí), anh Na Sơn đều đưa ra quan điểm riêng một cách trách nhiệm, thận trọng. MC Phan Anh là người được các khách mời tập trung tranh luận nhiều nhất có lẽ do chương trình có quay đến thông tin sai mà anh chia sẻ.
Các ý kiến tranh luận đều thẳng thắn nên khiến mọi người nghĩ Phan Anh đang bị "quây hội đồng". Tôi thì thấy không hẳn như vậy. Trong tranh luận kiểu bàn tròn như vậy, ý kiến nào đưa ra mà không thuyết phục được người khác sẽ bị tập trung phản biện lại là đương nhiên. Còn tôi tin các nhà báo kia họ đủ bản lĩnh, danh dự của mình để khách quan khi tranh luận, không dễ gì bị ai áp đặt suy nghĩ cả.
Dù sao, tôi vẫn thấy thông điệp của chương trình là tốt, vì quả thật, nếu chúng ta cứ thoải mái chia sẻ những thông tin, vụ việc chưa rõ ràng, tính xác thực không cao sẽ gây ảnh hưởng rất xấu tới xã hội. Chúng ta không im lặng, nhưng chúng ta cũng nên tỉnh táo, thận trọng và trách nhiệm.
Phản bác lại những ý kiến đồng tình, nhà báo Lê Hồng Kỹ cho rằng: “Việc nghiên cứu, bàn luận về tâm lý, hành vi của người dùng mạng xã hội là một đề tài thú vị và rất "thời sự". Tuy nhiên, việc lựa chọn dẫn chứng như chương trình "60 phút mở" để gán với cái gọi là ‘tâm lý bầy đàn’, ‘lên đồng tập thể’ theo tôi là chưa thuyết phục”.
Thể hiện quan điểm gay gắt hơn, nhà báo Lê Hồng Kỹ bày tỏ: “Clip mà MC Phan Anh chia sẻ là clip được phát trên một kênh truyền hình chính thống, tức là thông tin đã được sàng lọc, kiểm duyệt bởi các khâu biên tập của đài. Sau đó, thông tin có thể được chứng minh là không đúng sự thật, đó là trách nhiệm trước pháp luật của cơ quan xuất bản, phát sóng chứ không phải là trách nhiệm của người chia sẻ.
Nếu tư duy theo lối tự người chia sẻ phải chịu trách nhiệm, không được tin tưởng vào truyền hình, báo chí chính thống, tốt nhất là nên đóng cửa các đài, các báo và cũng nên chặn hết các mạng xã hội. Lúc đó, tự mỗi người sẽ đi xác minh mọi thông tin mà mình quan tâm trên đời, và giữ nó làm của riêng”.
Chia sẻ nhận xét về chương trình anh Lê Hồng Kỹ cho rằng: “Tôi đã xem nhiều chương trình đối thoại, tranh luận trên các đài truyền hình nước ngoài, và thấy rằng đó là cách làm ngày càng phổ biến. Các khách mời có thể tấn công nhau trực diện, đấy cũng là cách tạo nên sự hấp dẫn, cuốn hút cho chương trình. Những chương trình kiểu này có thể được hiểu như một show diễn, trong đó mỗi khách mời đều là diễn viên”.
Tuy nhiên, cũng theo nhà báo Lê Hồng Kỹ, ngoài cảm xúc của những người tham gia chương trình, tôi nghĩ cần quan tâm đến cảm xúc của công chúng. Bạn có thể tăng rating của chương trình bằng nhiều cách, trong đó cách làm tổn thương đến cảm xúc của người xem. Lựa chọn của bạn nói lên chính bạn. Một diễn viên có thể trở nên nổi tiếng nhờ những vai diễn đi vào lòng người, cũng có thể nổi tiếng nhờ "bán thịt".
Nhà báo Thanh Hằng lại chỉ thẳng vào việc mổ xẻ một thông tin được kết luận “dàn dựng” ở đài truyền hình khác sẽ khiến người xem liên tưởng đến những “sự cố” không kém phần của VTV.
Nhà báo Thanh Hằng cho rằng: “Lẽ ra, MC Tạ Bích Loan phải là người có thái độ trung dung để dẫn dắt câu chuyện thì đằng này, cô ấy lại như người cầm mồi lửa hừng hực để tạo nên không khí muốn "thiêu sống" nhân vật và phỉ báng người chơi Facebook... ! Bởi hàng nghìn, thậm chí vài chục nghìn tài khoản không thể đại diện cho vài chục triệu người dùngFacebook được!”
Nhà báo Thanh Hằng gay gắt: “Chương trình mang tên ‘Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì’, còn người xem thì có quyền đặt câu hỏi: Làm một chương trình (bằng tiền thuế của dân) phản cảm thế này để làm gì?
Clip cá của VTC với clip dùng chổi quét rau của VTV có khác gì nhau đâu mà công kích như thể trong sạch lắm ý”.
Nhân Hoàng (tổng hợp từ báo Giao Thông, VNN, Infonet)