Ấn Độ đã công bố loại vắc xin ngừa COVID-19 qua đường mũi - một trong số ít vắc xin đầu tiên loại này trên thế giới.
Dự kiến vắc xin nhỏ mũi có tên iNCOVAC sẽ được cung cấp cho công chúng vào tuần cuối cùng của tháng 1.2023. Vắc xin được sản xuất bởi Bharat Biotech, một công ty vắc xin của Ấn Độ với sự cộng tác của các nhà khoa học từ Đại học Washington (Mỹ).
Loại vắc xin này sẽ được dùng bằng cách nhỏ 8 giọt, mỗi bên lỗ mũi 4 giọt. iNCOVAC sẽ được dùng như liều vắc xin tăng cường cho những người trên 18 tuổi và Ấn Độ hy vọng nó sẽ giúp mở rộng phạm vi tiêm chủng.
Bharat Biotech đã gọi iNCOVAC là "vắc xin nhỏ mũi đầu tiên trên thế giới" và nó đã được cho phép sử dụng khẩn cấp vào đầu tháng 9.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc cũng cho phép sử dụng vắc xin dạng hít đầu tiên trên thế giới có tên Convidecia Air, được hít vào bằng miệng. Sau đó, Iran và Nga cũng phê duyệt vắc xin COVID-19 nhỏ mũi.
Điểm hấp dẫn của vắc xin nhỏ mũi là chúng tạo ra phản ứng bảo vệ ở đường hô hấp trên, đây là nơi vi rút SARS-CoV-2 tấn công đầu tiên. Nhưng hiệu quả của nó cũng được đặt ra khi so sánh với vắc xin đường tiêm.
Người phát ngôn của Bharat Biotech cho biết dữ liệu về hiệu quả của iNCOVAC đã được đệ trình lên chính phủ Ấn Độ và sẽ được công bố trên các tạp chí khoa học.
Trước đó, vào tháng 11, Đại học Sydney và Viện Centenary của Úc cũng đã phát triển loại vắc xin ngừa COVID-19 dạng xịt mũi giúp tăng cường khả năng bảo vệ và giảm sự lây lan của vi rút đối với con người.
Báo cáo kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy vắc xin cấu trúc dưới phân tử nói trên khi kết hợp với protein gai đột biến của vi rút SARS-CoV-2 và thành phần tá dược Pam2Cys có thể tạo ra các kháng thể trung hòa đáng kể chống lại vi rút, với sự gia tăng phản ứng của tế bào T trong phổi và hệ hô hấp.
Cũng theo nhóm nghiên cứu thì vắc xin này đã được thử nghiệm dưới hai dạng là xịt mũi và tiêm. Kết quả là dạng xịt mũi đã cải thiện đáng kể các phản ứng miễn dịch cục bộ trong mũi, đường hô hấp và phổi. Vắc xin được phát triển để đạt được sự bảo vệ tối đa trước nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.